Hôm 9/7, Microsoft thông báo sa thải 7.800 nhân sự trong mảng thiết bị. Trong lá thư gửi đến nhân viên, người đứng đầu công ty Satya Nadella cho biết Microsoft không còn tập trung vào xây dựng "mảng điện thoại đơn lẻ" nữa. Thay vào đó, hãng dồn tài nguyên để hỗ trợ phần mềm Windows và ra mắt một số mẫu máy cao cấp giới hạn.
Với việc mua lại Nokia, Microsoft là nhà sản xuất lớn cuối cùng xem trọng Windows Phone. Qua nhiều năm, mọi hãng từ HTC, Samsung đến LG đều thử nghiệm với nền tảng này nhưng không thành công. Gần như tất cả đều chối bỏ hệ điều hành. Nay, Microsoft cũng vậy.
Quyết định loại bỏ mọi tàn dư Nokia của ông Nadella là dấu hiệu cho thấy Microsoft nhận ra Windows Phone không bao giờ có thể trở thành "hàng khủng". Nó chỉ chiếm 3% thị trường smartphone toàn cầu, không đủ để hấp dẫn lập trình viên, đồng nghĩa với người dùng khó nhận được các ứng dụng tốt như người dùng iPhone hay Android. Như vậy, mọi người không có nhiều lí do để chọn Windows Phone thay vì smartphone khác.
Mảng smartphone của Microsoft có xu hướng đi theo Surface. Máy tính bảng Surface giờ đây có vai trò như thiết bị trình diễn đầy đủ năng lực của Windows. Nó không được bán tại các nhà bán lẻ lớn nhất. Tương tự, sau khi Windows 10 chính thức ra mắt, có thể Microsoft sẽ trình làng một vài thiết bị di động cao cấp để phô trường sức mạnh của nền tảng trước các nhà sản xuất khác và cả người dùng.
Windows Phone xứng đáng được chết
Trong năm tới, Microsoft có khả năng loại bỏ hoàn toàn dòng smartphone Lumia, giảm số lượng mẫu mới mà chỉ tập trung cho mẫu cao cấp. Paul Thurott, một nhà báo theo sát Microsoft trong nhiều năm, tin rằng Windows 10 Mobile khó giành thị phần lớn khi mà Apple và Google tiếp tục "chiếm đoạt" thế giới.
Dường như đây là thực tế dần được chấp nhận tại Microsoft khi công ty đang phát triển một vài ứng dụng xuất sắc nhưng chỉ dành cho iOS và Android.
Nhìn lại Windows Phone, có thể nói thất bại của nền tảng này không nằm ở chất lượng của nó. Nhiều nhà báo công nghệ xem Windows Phone là hệ điều hành di động xuất sắc và sở hữu một số tính năng nổi bật. Chẳng hạn, trợ lí ảo Cortana có cá tính hơn Siri của Apple hay Google Now và hữu dụng hơn; giao diện gọn gàng hơn, mới mẻ hơn hay Wi-Fi Sense tự xác định khi nào người dùng đang ở nhà hay cơ quan để điều chỉnh Wi-Fi.
Tuy vậy, tồn tại một vấn đề lớn đẩy Windows Phone về phía sau: đó là ứng dụng không phong phú. Khi nền tảng ra mắt cuối năm 2010, Android và iOS đã chiếm lĩnh thị trường. Do đó, các nhà phát triển không buồn viết ứng dụng cho Windows Phone vì rất ít người đang dùng thiết bị chạy nền tảng đó, thậm chí Google còn từ chối phát triển ứng dụng YouTube, Gmail. Hoặc, nếu có hứng thú, họ lại làm ăn nửa vời và chỉ cho ra đời các phần mềm hoạt động không hoàn hảo hay không chịu cập nhật gì mới.
Tình trạng đáng buồn vẫn tiếp diễn cho đến nay và đẩy Windows Phone vào bóng tối sâu hoắm. Windows 10 ra đời với lời cam kết của Microsoft trong vòng 3 năm tới, sẽ có từ 1 đến 3 tỉ thiết bị chạy hệ điều hành mới, trở thành mục tiêu hấp dẫn cho bất kì ai làm phần mềm.
Song, chiến lược smartphone mới của Microsoft cũng đặc biệt thực dụng. Giả định nếu người dùng vẫn không chọn Windows Phone, công ty sẽ mang những phần tốt nhất của nó lên các nền tảng khác. Kể cả cái tên "Windows Phone" cũng biến mất và được thay bằng Windows 10 Mobile.
Trong thư gửi nhân viên, ông Nadella nhấn mạnh Microsoft đang hướng tới "trải nghiệm di động", tức là thiết bị nào đang được sử dụng không quan trọng, miễn là phần mềm đó của Microsoft. Đó là tương lai mà iPhone hay Android có thể chung sống hòa bình với máy tính Windows, nhưng với cách tiếp cận này, Windows Phone hoàn toàn trở thành "người thừa".
Theo ICTNews.
Bình luận