Apple và Google là đại diện tiêu biểu cho việc họ có thể cạnh tranh nhau, nhưng lại là đối tác của nhau trên một số lĩnh vực.
Cuộc chiến chưa bao giờ thôi khốc liệt
Đầu tuần qua, Apple tung chiến dịch nhằm lôi kéo những người dùng hệ điều hành Android chuyển sang iOS. Kết hợp với những công cụ đã được tạo ra từ nhiều năm trước, Táo khuyết khẳng định dữ liệu của người dùng sẽ được chuyển từ máy sử dụng hệ điều hành Android sang iPhone mà không cần thiết bị lưu trữ ngoài. Bên cạnh đó, 5 video quảng bá cũng được Apple tung lên YouTube để trả lời cho câu hỏi vì sao người dùng nên chuyển sang iPhone.
Thậm chí, Táo khuyết còn “chơi lớn” khi tuyên bố hỗ trợ khách hàng bằng việc mua lại thiết bị Android họ đang sử dụng với giá cao nhất lên tới 250 USD. Lỗ hổng bảo mật của điện thoại Android cũng được Apple khai thác nhằm lôi kéo người dùng. Những ưu điểm vốn có của iPhone, chẳng hạn như tốc độ nhanh, chụp ảnh đẹp tất nhiên được tô đậm.
Những gì Apple làm với Google gợi nhớ chiến dịch hồi những năm 2000 nhằm lôi kéo người dùng sử dụng hệ điều hành Windows chuyển sang MacOS. Khi đó, Apple mô tả MacOS là trẻ trung, cấp tiến trong khi Windows của Microsoft là ông già chậm tiến, giáo điều và bảo thủ.
Tuy nhiên, Google rõ ràng không phải đối thủ dễ bắt nạt. Khi Apple tung ra chiến dịch kêu gọi chuyển từ điện thoại chạy Android sang iPhone, Google cũng công bố trợ lí ảo Google Assistant có mặt trên hệ điều hành iOS, cạnh tranh trực tiếp với Siri của Apple. Thậm chí, Google còn cho thấy mình là đối thủ khó nhằn khi khẳng định chiến lược AI-first thay vì Mobile–first như trước đây.
Người dùng iOS có lẽ đã rất quen thuộc với Siri vì nó gắn bó với điện thoại iPhone từ rất lâu. Tuy nhiên, Google vẫn có cơ hội đánh bại ứng dụng mang tính biểu tượng này miễn là nó chúng tỏ được sự vượt trội. Trong quá khứ, Google Maps đã vượt mặt Apple Maps trên chính những máy chạy iOS bởi sự hiệu quả nó mang lại.
Trong khi Apple đặt mục tiêu lôi kéo người dùng Android, Google nhằm tới người dùng ở những thị trường mới nổi hoặc đang phát triển với Android Go, phiên bản siêu nhẹ, chạy mượt trên các máy có RAM chỉ 512 MB. Với 2 tỉ người dùng hiện tại, Google đang nhằm mục tiêu tới 1 tỉ người dùng tiếp theo thông qua phiên bản siêu nhẹ này.
Đối đầu hay đối tác?
Cuộc chiến giữa các ông lớn công nghệ chưa bao giờ hết khốc liệt. Ở thời điểm hiện tại, 81% điện thoại thông minh trên thế giới sử dụng hệ điều hành Android của Google trong khi 18% chạy hệ điều hành iOS của Apple. Samsung, nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới năm 2016, chiếm 20% thị phần trong khi Apple chiếm là 14%. Dẫu vậy, Apple tiếp tục là công ty có giá trị lớn nhất toàn cầu.
Theo quan điểm của nhiều người, việc những ông lớn công nghệ cho phép sản phẩm của đối phương hoạt động trên nền tảng của mình là một sự hợp tác để cùng tiến bộ. Trong bối cảnh cuộc đua trí thông minh nhân tạo đang ngày càng hao tiền tốn của, các gã khổng lồ công nghệ cần vượt qua chính mình nhiều hơn là vượt qua đối thủ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Google I/O 2017, CEO Google Sundar Pichai tái khẳng định chiến lược từ mobile-first sang AI-first mà ông lần đầu nói tới năm ngoái. Theo đó, Google đang chuyển hướng tất cả các sản phẩm của mình, áp dụng trí thông minh nhân tạo và máy móc tự học để giải quyết các vấn đề của người dùng.
Không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ quyết định tương lai của nhân loại, tạo ra những bước nhảy vọt như động cơ hơi nước hay máy tính và Internet đã từng làm được trong quá khứ. Với những tập đoàn công nghệ lớn, chinh phục công nghệ trí thông minh nhân tạo và áp dụng thành công nó vào các sản phẩm sẽ đồng nghĩa với thắng lợi.
Tuy nhiên, AI là lĩnh vực vô cùng rộng lớn mà khó tên tuổi nào có thể thống trị. Hiện tại, cuộc chiến một mất một còn dường như không phải mục đích mà những ông lớn hướng tới. Hợp tác chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi thế cho tất cả các bên nhưng không thể phủ nhận những sự đối đầu vẫn luôn tồn tại.
Theo Zing.
Bình luận