Mốt dùng điện thoại đẹp đang len vào trường học, thậm chí từ cấp 1,2. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Bé Trà My, học lớp 6 tại một trường công lập ở Hải Phòng, buồn ủ rũ sau khi bị nhóm bạn cùng lớp “phát xít” vì em trót giở chiếc điện thoại cũ kỹ ra nghe bố gọi đến.

"Các bạn nhìn con như sinh vật lạ ấy", My mếu máo với mẹ. "Chúng nó toàn dùng điện thoại nghe được nhạc, quay được phim thôi". My đang dùng chiếc Motorola "rẻ nhất quả đất" mà S-Fone bán kèm với gói bộ đôi couple, chủ yếu để nghe người nhà gọi đến và không có ý niệm gì về xấu và đẹp. Nhưng từ khi bị bạn bè không chơi cùng, cô bé chỉ để máy ở nhà thỉnh thoảng nhắn tin cho chị em họ hàng.

Chị Thoa có con học ở trường cấp 2 tại Hà Nội cũng cho biết trong lớp của con chị có đến 90% bạn dùng điện thoại di động. "Mới đầu tôi cũng định mua cho cháu một chiếc rẻ thôi, chủ yếu để liên lạc với bố mẹ trong lúc cần kíp", chị Thoa nói. "Nhưng khi thấy con kể ở lớp các bạn toàn dùng điện thoại đẹp, tôi đành phải mua cái đắt tiền hơn một chút để cháu đỡ có tâm lý kém cỏi với bạn bè và tập trung học tập".

Cách đây 5 năm, một sinh viên mới vào đại học dùng điện thoại di động đã được coi là "hiện tượng" của lớp. Nhưng 2-3 năm trở lại đây, việc học sinh cấp 2, cấp 3 có một cái "alô" đã bắt đầu phổ biến và hiện nay nhiều nhà khá giả có tâm lý mua cho con không chỉ điện thoại, mà là điện thoại "xịn".

"Tôi nghĩ cách cha mẹ giáo dục và nuông chiều con đã khiến nhiều em có tư tưởng phân biệt 'đẳng cấp' của nhau, tạo không khí thiếu hòa đồng trong môi trường học tập", cô Thanh, một giáo viên cấp 3, nhận xét. "Qua nhiều cuộc nói chuyện, tôi ngỡ ngàng khi phụ huynh dạy cho con họ mới vào lớp một cách nhận biết giàu -nghèo như thế nào, ví dụ nhà giàu là có cầu thang uốn, điện thoại xịn ít ra là phải quay phim được, nghe nhạc được".

Sự lệch lạc này kèm theo "cơn bão" công nghệ với các loại điện thoại di động đời mới và nhiều hình thức quảng cáo hoành tráng đã khiến không ít học sinh thuộc tên điện thoại hơn cả bài học trên lớp. Thu Giang, cô bé đang học lớp 11, có thể kể vanh vách các sản phẩm của Nokia, Samsung sắp ra mắt hay thuộc dạng "hot" trên thị trường. Mỗi lần tan học, cô bé không quên ghé các hàng Internet để vào website giới thiệu điện thoại hoặc qua sạp báo mua tạp chí liên quan về "ngâm cứu" hàng giờ liền.

"Bây giờ mà không biết những sản phẩm đó, bọn bạn lại cười, bảo là mình gà mờ", Giang bộc bạch. "Trong lớp em chỉ có mấy đứa con gái, chẳng lẽ lại không nhập bọn với chúng nó? Nếu không có tiền đổi điện thoại liên tục thì ít nhất cũng phải biết và bình phẩm như một chuyên gia". Tất nhiên, bài vở của những năm cuối cấp đã khiến Giang phải chật vật và bối rối vì để hổng quá nhiều kiến thức trong lúc say sưa với các thiết bị mới.

"Yêu thích công nghệ không có gì xấu cả nếu đó là niềm đam mê học hỏi thực sự", Phạm Thành Hưng, sinh viên Học viện Tài chính, cho biết. "Khá nhiều bạn hiện nay chạy theo điện thoại đời mới chỉ để chăm sóc hình thức bên ngoài và chưa thực sự hiểu hết cái hay của thiết bị đó. Một số học sinh mà em dạy gia sư cứ hai tháng là thay cái mới nhưng hỏi ra lại không biết các chương trình tính toán, bấm giờ, cài đặt file... Muốn cài gì, các em lại phải chạy ra hàng nhờ với giá vài chục nghìn/lần".

(Theo Vnexpress)



Bình luận

  • TTCN (1)
amityfantasy  10

sặc

.... chắc mình nghĩ sinh con quá , chứ sinh con ra rồi lại sợ nó hok đc đi học Sad