Giới CNTT toàn cầu đang xôn xao sau thông tin IBM và Sun đàm phán về việc sáp nhập. Thương vụ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền CNTT thế giới?
Theo các chuyên gia, hầu hết các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT sẽ chịu ảnh hưởng nếu thương vụ giữa IBM và Sun Microsystem thành công nhưng rõ nét nhất là mảng điện toán đám mây, thị trường máy chủ, mã nguồn mở, Java. Cục diện cạnh tranh giữa IBM và HP dự báo sẽ có nhiều biến đổi, nhất là trong lĩnh vực máy chủ.
Điện toán đám mây
Trong thị trường CNTT toàn cầu, cả IBM và Sun đều là những “ông lớn” với nhiều tiềm năng trong lĩnh vực điện toán đám mây. Cả hai hãng này đều là những nhà cung cấp dịch vụ CNTT thông qua môi trường web đồng thời là những nhà cung cấp máy chủ và dịch vụ lưu trữ - nền tảng hạ tầng cho lĩnh vực điện toán đám mây.
Đáng lưu ý là trong khi những tin đồn về thương vụ này chưa dứt, Sun vừa thông báo tung ra một loạt các dịch vụ điện toán đám mây dành cho khối doanh nghiệp nhằm cạnh tranh với các dịch vụ của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon. Điều đó cho thấy thế giới điện toán đám mây sẽ có những thay đổi đáng kể cục diện một khi thương vụ này thành công.
Máy chủ
Theo các chuyên gia phân tích thị trường phần cứng, việc Cisco vừa thông báo gia nhập thị trường máy chủ phiến sẽ gây ra những phản ứng khác nhau từ các đối thủ cạnh tranh. Những chuyên gia này cũng đặt câu hỏi phải chăng việc IBM đánh tiếng mua lại Sun là một trong những phản ứng đó? Dù với bất kỳ lý do nào thì sụ sáp nhập này sẽ là một cơn địa chấn cho thị trường phần cứng. Hiện IBM đang chiếm 36% thị phần máy chủ toàn cầu với doanh thu trong quý IV năm ngoái tới 5 tỷ USD (theo số liệu của IDC). Việc mua lại Sun sẽ giúp đẩy thị phần của IBM lên 45% và doanh thu tăng thêm ít nhất 1,2 tỷ USD mỗi quý. Những con số này còn lớn hơn cả tổng thị phần và doanh số của HP và Dell cộng lại trong thị trường máy chủ.
Lưu trữ trực tuyến
Theo số liệu của IDC, quý IV vừa qua, thị phần của IBM trong lĩnh vực dịch vụ lưu trữ cho các hệ thống đã giảm xuống còn 15,7% so với mức 17,7% cách đó một năm. Như vậy, việc thâu tóm Sun thành công sẽ giúp cho IBM có thêm điều kiện để trở thành một thế lực mạnh bởi khi đó, IBM sẽ có thị phần hơn 20% và chỉ còn kém hãng đang dẫn đầu thị trường là EMC một khoảng cách ít ỏi. EMC hiện chiếm 23,3% thị phần trong thị trường lưu trữ trực tuyến toàn cầu.
Quản lý dữ liệu
Với vai trò là những ông lớn trên thị trường máy chủ nên IBM và Sun cũng là những người đang thống trị thị trường phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Với phần mềm DB2 và phần mềm mã nguồn mở MySQL do Sun phát triển, IBM có thể “kiếm thêm” được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm nếu thương vụ sáp nhập thành công. Tuy vậy, điều thế giới công nghệ lo lắng nhất lúc này là liệu IBM có tiếp tục hỗ trợ và phát triển MySQL nữa hay không sau khi đã mua được Sun? Curt Monash, nhà phân tích thị trường phần mềm cho rằng IBM sẽ “chẳng dại gì” mà bỏ rơi MySQL hay bất kỳ phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nào vì hỗ trợ chúng càng làm cho mảng máy chủ của họ phát triển mạnh hơn.
Phần mềm nguồn mở
Sun đã và đang tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở với những dịch vụ như "lưu trữ mở" hay "đám mây mở". Theo các chuyên gia CNTT, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến IBM “thích thú” Sun bởi đó cũng chính là chiến lược mà IBM đang hướng tới. Vì vậy, giới phân tích phần muồn mở đang hy vọng thương vụ sáp nhập này sẽ giúp cho phần mềm nguồn mở thế giới có điều kiện cất cánh.
Java
Chắc chắn rằng thông qua việc đàm phán mua lại Sun, IBM muốn có một chỗ đứng lớn hơn trên thị trường nền tảng Java bởi Sun được coi là “ông tổ” và là người sở hữu công nghệ nền tảng của Java.
"Java rất quan trọng với IBM bởi đó là nền tảng đang hoạt động trên hầu hết các máy chủ của họ" nhà phân tích Jean Bozman của hãng IDC nói. Liệu cộng đồng Java sẽ phản ứng thế nào với việc IBM sở hữu nền tảng này? Câu hỏi này chỉ có thể được trả lời sau một thời gian dài nữa.
"IBM là một trong những thế lực chủ yếu thúc đẩy sự cởi mở của nền tảng Java và đó cũng có thể là việc đầu tiên IBM làm sau khi kiểm soát được Java", Josh Fruhlinger, một blogger viết trên diễn đàn Javaworld. "Nhưng điều đó chỉ có thể đúng trong hiện tại còn khi IBM đã lấy được chứng nhận thương hiệu Java và thế giới công nghệ đã phụ thuộc khá nhiều vào Java thì việc IBM còn giữ tính mở cho nền tảng này nữa hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác", blogger này viết.
“Va chạm” về văn hóa kinh doanh?
Trong lĩnh vực công nghệ IBM và Sun tỏ ra khá tương đồng với nhau nhưng nếu xét về yếu tố văn hóa kinh doanh, rất có thể các nhân viên của hai hãng này sẽ va chạm với nhau khá mạnh mẽ theo kiểu “một rừng hai hổ”.
Theo ICTnews (Network World)
Bình luận