Biên lai chuyển khoản của Thu cho Nguyễn Thế Cường.

Đầu tháng 3, Phòng cảnh sát điều tra PC14 nhận được đơn của Thu, sinh năm 1986 ở Hà Nội, tố cáo một kẻ xưng là Nguyễn Thế Cường đã trộm nick của người khác để chat với cô và lừa lấy 105 triệu đồng.

Thu cho biết cô vẫn hay liên lạc với một người bạn đang học tại Australia có nickname là "nini2f". Ngày 23/2, nini2f cho biết sẽ nhận chuyển laptop, điện thoại giá rẻ về Việt Nam vào 27/2 nên Thu và bạn bè đã đặt mua một số hàng.

Lấy lý do sống ở nước ngoài, nini2f bảo Thu chat với Nguyễn Thế Cường - người chịu trách nhiệm giao dịch và đang sống tại TP HCM. Từ ngày 24 đến 26/2, Thu đã ba lần chuyển vào tài khoản Vietcombank của Cường với tổng số tiền 105 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tối 28/2, cô không thể gọi điện thoại cho Cường hay liên lạc được với nini2f. Sau khi nhờ bạn bè tìm hiểu, cô mới biết người bạn ở nước ngoài đã thông báo bị mất nick "nini2f" từ khá lâu. Sau đó, Thu gọi vào một số điện thoại khác của Cường thì người này trả lời là không hề biết gì về vụ mua bán và không biết cô là ai.

Một nạn nhân khác là kisslove cũng bị nini2f hứa hẹn mua hộ điện thoại với giá chỉ bằng nửa giá gốc. Tuy nhiên, sau khi kisslove chuyển khoản, nini2f lại nói chưa gửi hàng vì hai tuần nữa nini2f về Việt Nam nên sẽ tự mang hàng về.

Trên một số diễn đàn rao vặt online cũng xuất hiện nhiều bài viết cảnh báo về các vụ lừa đảo từ tháng 4/2008 đến 2/2009 của người tự xưng là Nguyễn Thế Cường, thực hiện các giao dịch tại hai tài khoản ngân hàng Vietcombank và Đông Á qua nickname như fellhouse1934, iphone4pro, iphone8x, mediamyring...

Ảnh
Một số cảnh báo trên các diễn đàn và blog.

Đại diện của Trung tâm An ninh mạng Bkis cho biết họ đã nhận được thư đề nghị giúp đỡ của Thu từ đầu tháng 3 và đã chuyển thông tin liên quan tới cơ quan cảnh sát điều tra. "Chúng tôi nhận được khá nhiều thông báo về các trường hợp bị lừa qua mạng. Xuất phát điểm, kẻ xấu ăn cắp tài khoản của một người nào đó, có thể bằng việc đoán mật khẩu, cài phần mềm ghi ký tự từ bàn phím keylogger hay thông qua e-mail dụ nạn nhân điền mật khẩu", ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia của Bkis, giải thích. "Sau đó, kẻ này đăng nhập vào tài khoản ăn cắp được và tìm cách lừa bạn bè của nạn nhân đầu tiên như mượn hòm thư, nhờ nạp thẻ điện thoại, mua thẻ game... còn trong trường hợp của Thu là nhận chuyển hàng giúp".

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, người dùng Internet nên chọn mật khẩu dài ít nhất 8 ký tự gồm cả chữ cái và số, không để chế độ "ghi nhớ password" khi dùng máy tính công cộng, không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau và bảo vệ mật khẩu như chìa khóa nhà của mình. Ngoài ra, họ cũng nên cảnh giác trước các đường link lạ và luôn gọi điện cho người họ giao dịch qua mạng trước khi chuyển tiền và tài sản.

Cuối năm 2008, bốn sinh viên lớp báo in K24, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) cũng bị lừa lấy mật khẩu truy cập tài khoản Yahoo. "Bắt đầu từ một bạn bị mất password không rõ nguyên nhân, kẻ lừa đảo đã dùng nick đó chat với các bạn khác, nói rằng hòm thư của mình bị lỗi nên muốn mượn tài khoản một lát để gửi ảnh gấp", một thành viên của lớp này kể lại. "Những người khác còn bị hắn nhờ nạp tiền vào điện thoại hộ với lý do đang cần gọi điện nhưng lại hết tiền. Rất may, lớp em đã kịp thông báo cho nhau nên chưa ai bị mắc lừa".

(Theo Vnexeress)



Bình luận

  • TTCN (0)