Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển của các mạng di động sử dụng CDMA (Evn Telecom, HT Mobile, S-Fone), ngày càng nhiều người quan tâm tới công nghệ này. Vậy CDMA khác các WCDMA, khác GSM hay 3G như thế nào?
Trên diễn đàn didongCDMA.com, đại diện nhà phát triển công nghệ CDMA, Ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc QUALCOMM tại Việt Nam đã trả lời trực tuyến hàng trăm câu hỏi của người quan tâm. Các câu hỏi xoay quanh những vấn đề CDMA khác WCDMA như thế nào? WCDMA có phải là 3G của GSM ? 3G của CDMA chỉ là EV-DO mà thôi…?
Sự khác nhau giữa CDMA và WCDMA là gì, thưa ông?
WCDMA (hay UMTS hoặc 3GSM, đây là những tên gọi khác nhau cho cùng một giải pháp) cũng dựa trên nền CDMA, nhưng phát triển theo mỗi carrier là 5MHz chứ không phải là 1.25MHz như CDMA2000 1X. Về Mobile Broadband Data theo hướng giải pháp của WCDMA thì các chuẩn HSDPA, HSUPA, HSPA+, v.v… là các bước tiếp theo, trong khi đối với CDMA2000 1X thì lại là EV-DO Rev. 0, A, B, C, v.v…
Việc có một số tổ chức đặt các tên gọi khác nhau là vì tính “marketing” khác nhau của họ nhưng đối với ITU và QUALCOMM thì vẫn cứ là WCDMA. Đã nhiều năm qua QUALCOMM tiếp tục phát triển cả hai giải pháp này song song.
CDMA hiện chỉ chiếm 20% thị phần viễn thông di động trên toàn thế giới đúng hay sai, thưa ông?
Đúng! Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhận thấy rằng cách đây chỉ 5 năm thì CDMA chỉ có khoảng vài % mà thôi và trong vòng vài năm qua sự bùng nổ thuê bao tại các nước đang phát triển thì vô cùng lớn lao, từ con số thuê bao khiêm nhường của CDMA2000 1X là khoảng 30 triệu vào giữa 2003 cho tới cuối năm 2006 thì đã lên trên 325 triệu thuê bao, có nghĩa là CDMA2000 1X có mức độ phát triển trong vòng 3 năm rưỡi qua là khoảng trên 1080%!
Với chuẩn 3G của CDMA là EV-DO thì hiện tại các phiên bản Rev. 0, Rev. A, Rev. B, Rev. C đều là các chuẩn 3G phải không? 3 nhà cung cấp tại Việt Nam đang ở giai đoạn nào, thưa ông?
Đúng vậy. Hiện nay cả 3 đang triển khai Rev. 0, với đà phát triển của nước mình thì hy vọng là họ sẽ sớm triển khai Rev. A.
Hiện nay, các mẫu máy điện thoại của CDMA luôn được tính giờ từ lúc bắt đầu thực hiện cuộc gọi trong khi các máy sử dụng công nghệ GSM thì giây được tính bắt đầu từ lúc bên kia nhấc máy lên. Đây là nguyên nhân thuộc về mạng CDMA hay thiết bị đầu cuối?
Tuy rằng các thiết bị đầu cuối được thiết kế tính giờ từ lúc bắt đầu thực hiện cuộc gọi, hệ thống tính cước của các nhà khai thác vẫn tính theo thời gian thực của kết nối thành công.
Hiện các máy sử dụng CDMA có khả năng kết nối và tốc độ truy cập của mạng CDMA hơn hẳn so với công nghệ GPRS của GSM, nhưng không thể tải hình ảnh và nhạc chuông từ các nhà cung cấp dịch vụ thứ ba qua các đầu số 8xxx hay 99x. Nguyên nhân nào dẫn đến việc này ? Phải chăng các nhà cung cấp không hỗ trợ cho CDMA hay các mạng CDMA đang tính “độc quyền” về vấn đề này ?
Để chuyển tải một nội dung data, các nhà khai thác phải xây dựng các chuẩn giống nhau và có các ký kết kinh doanh với các nhóm cung cấp nội dung thông tin (để tính cước đến thuê bao, bảo đảm chất lượng, v.v…), tôi tin chắc rằng sau khi họ thiết lập được các thỏa thuận kinh doanh giữa các bên thì các thuê bao sẽ thực hiện được các nội dung này thôi.
Theo ông thì điều gì sẽ quyết định sự thành công thực sự của 3G tại Việt Nam?
Nếu các nhà khai thác 3G/CDMA 1x chỉ giới hạn trong vòng các dịch vụ đơn giản của 2G là thoại và SMS thì nhất định sẽ thất bại thôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng họ đang ráo riết chuẩn bị để triển khai các dịch vụ 3G đúng mức. QUALCOMM và cá nhân tôi luôn luôn mong muốn rằng các tính năng ưu việt của 3G sẽ là nền tảng cho các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện là tiềm năng rất lớn để cộng đồng CNTT trong nước mình có cơ hội sáng tạo, sản xuất và kinh doanh, cũng như nhu cầu của các tổ chức, cá nhân sẽ được đáp ứng kịp trong sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Tôi xin trả lời thêm là 3G không phải chỉ là một giải pháp viễn thông cho một thị trường tiêu dùng "xịn", mà thật sự là một môi trường, một cơ hội tốt cho cộng đồng mình cùng nhau sáng tạo, phát triển sản xuất, phát triển ứng dụng, dịch vụ, kinh doanh, v.v... Nếu không thì lại một lần nữa mình bỏ lỡ cơ hội và lại phải tiếp tục đi mua từ nước ngoài mọi thứ.
Điện thoại di động CDMA ngoài thoại, SMS và data internet như hiện nay tại Việt Nam, theo ông các tiện ích khác nào nữa sẽ được khai thác trong thời gian tới?
Ba ứng dụng trên chỉ là các dịch vụ vô cùng cơ bản của công nghệ này. Với các môi trường như BREW, GPS, PTT, v.v... thì cộng đồng CNTT sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển ứng dụng và dịch vụ và kinh doanh, trong khi đó thuê bao sẽ có rất nhiều lựa chọn để sử dụng...
Như thế thì các nhà khai thác cũng sẽ được hưởng lợi nhuận cao hơn trên từng thuê bao. KDDI ở Japan có hơn 1,200 ứng dụng khác nhau, China Unicom có vài trăm ứng dụng... Tôi tin tưởng tại Việt Nam sẽ còn nhiều ứng dụng khác nữa sớm được khai thác trong thời gian tới!
[Bảo Trung - dantri.com.vn]
Bình luận