Sáng 23/3, phòng Thí nghiệm Trọng điểm An toàn thông tin (VISL), cơ quan quản lý Nhà nước được Chính phủ giao chức năng kiểm định các sản phẩm an toàn thông tin, công bố kết quả kiểm định các phần mềm diệt virus, mã độc hại đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
Trong đợt kiểm định đầu tiên này, VISL đã tổ chức đánh giá 5 phần mềm diệt virsu, mã độc hại là: G-Data AV, CMC IS, Avira AV, Bitdefender AV và AVG.
Các phần mềm đều được cài đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trên môi trường phần cứng và phần mềm đồng nhất, cùng thử nghiệm với một danh sách mẫu virus, mã độc hại giống nhau. “Chúng tôi thật bất ngờ vì có một phần mềm do doanh nghiệp Việt Nam phát triển đã nhận dạng và diệt được 97,86% virus, mã độc hại. Trong khi những phần mềm danh tiếng như: AVG hay Bit Defenderr chỉ đạt lần lượt 80,15% và 92,91%”, quyền Giám đốc VISL (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) Nguyễn Khắc Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, yếu tố quan trọng nhất để có một kết quả đánh giá chính xác và khách quan là danh mục các mẫu virus, mã độc hại dùng để kiểm định. VISL sau khi nghiên cứu các phương pháp kiểm định phổ biến trên thế giới, nghiên cứu các quy trình chuẩn của các tổ chức bảo mật danh tiếnh như: VB, AV-Test, WildList… đã đầu tư nhiều công sức để có một danh mục hơn 60.000 mẫu virus, mã độc hại đang hiện diện trên môi trường thực tế.
Ông Nguyễn Khắc Việt cho biết: “Trong danh sách mẫu của hơn 60.000 virus, mã độc hại dùng để kiểm định, chúng tôi có 13,23% virus dạng backdoor; 21,38% trojan; gần 9% worm; 5,83% malware; hơn 42% virus file; 5,14% virus macro và hơn 3% các loại khác”.
Đây là đợt kiểm định đầu tiên của Việt Nam đối với các phần mềm diệt virus, mã độc hại đang được sử dụng phổ biến trên thị trường. Dự kiến, hàng quý hoặc nửa năm, VISL sẽ tiến hành các kỳ kiểm định sản phẩm an toàn thông tin nói chung và các phần mềm diệt virus nói chung, cũng như “đóng dấu chất lượng” cho các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đề ra.
(Theo Dân trí)
Bình luận