Việc Tập đoàn điện lực VN (EVN) đề nghị nâng giá cho thuê cột điện treo cáp viễn thông lên 4-8 lần so với mức giá hiện hành, đã trở thành một trong những chủ đề nóng tại hội nghị phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông diễn ra chiều 27-3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Lâm (trưởng ban viễn thông và công nghệ thông tin của EVN) cho rằng cột điện được dựng lên không phải để treo cáp viễn thông, vì không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Nhưng để chia sẻ với các doanh nghiệp khác, trong điều kiện kỹ thuật cho phép, EVN sẽ cho các doanh nghiệp được treo cáp viễn thông nhưng phải có chi phí. Và chi phí tạm tính từ năm 2004 (khoảng 5.000 đồng/cột/tháng) đến nay không còn phù hợp.
Đơn cử một cột điện cao 7,5m chi phí đầu tư hết khoảng 3,5 triệu đồng, nếu tính lãi suất ngân hàng là 10%, chia trung bình mỗi tháng giá cho thuê tới các doanh nghiệp viễn thông ở mức 29.000 đồng là hoàn toàn có cơ sở. Ông Lâm cho biết hiện nay rất ít doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng thuê cột điện với EVN, khi sở thông tin và truyền thông (TT&TT) các tỉnh kiểm tra phát hiện cáp viễn thông treo trên cột điện thì cũng ít doanh nghiệp nào chịu nhận của mình.
Ông Lê Quang Triệu (phó tổng giám đốc SPT) bày tỏ nỗi khổ của doanh nghiệp viễn thông là hiện nay dù kéo cáp trên cột điện hay thực hiện ngầm hóa hạ tầng viễn thông đều vướng. Ông nói: “Do chúng tôi chưa đủ điều kiện để ngầm hóa hạ tầng nên phải thuê treo cột điện lực, để đảm bảo an toàn thì ngành điện bắt hạ cáp xuống, nhưng ngành giao thông lại yêu cầu nâng cáp lên. Do vậy mới đây Sở TT&TT TP.HCM kiểm tra mẫu một số cột điện thì tất cả doanh nghiệp có treo cáp trên đó không riêng gì cáp viễn thông đều bị phạt”.
Theo ông Triệu, từ năm 2008 trở về trước, SPT thuê treo cột điện lực với giá trung bình 6.000 đồng/tháng, nhưng từ cuối năm 2008 đến nay giá đó bị đẩy lên 48.000 đồng/tháng. “Chúng tôi không hiểu cơ sở nào để ngành điện tính giá như vậy. Giả sử có 10 doanh nghiệp cùng thuê treo cột điện, mỗi tháng ngành điện thu 480.000 đồng, mỗi năm thu tới 6 triệu đồng” - ông Triệu nói. Quá bức xúc vì mức giá mà ngành điện đưa ra, SPT xin tự trồng cột để treo cáp nhưng không được vì việc này không nằm trong quy hoạch đô thị.
Mặt khác, SPT cũng rất vất vả khi tiến hành ngầm hóa, vì mỗi lần xin Sở TT&TT chỉ được cấp phép có 300m, có con đường 2km nhưng SPT phải mất ba năm mới làm xong thủ tục ngầm hóa, đó là chưa kể hồ sơ xin phép phải có ý kiến của bảy ngành liên quan như giao thông, điện, cấp nước, quy hoạch đô thị...
Ông Phạm Hồng Hải (vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT) cho rằng đã đến lúc ở các đô thị phải có công trình hạ tầng ngầm. Ông Hải đề xuất cần có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề ngầm hóa các mạng cáp tại đô thị, có thể đưa ra các giải pháp đồng bộ ngầm hóa do UBND địa phương chủ trì lập đề án, doanh nghiệp đóng góp...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định tiềm năng phát triển thị trường viễn thông hiện nay còn rất lớn, do vậy cần giải quyết tốt vấn đề hạ tầng. “Khi mới phát triển chúng ta chấp nhận như vừa rồi, nhưng phát triển đến mức như hiện nay mà để như vừa rồi là không chấp nhận được, cần có sự vào cuộc của Nhà nước” - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc trong tháng tư với sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương để bàn giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông hiện nay.
TP.HCM: thu hơn 30 tỉ đồng cho thuê cột điện
Công ty Điện lực TP.HCM cho biết đã thu được hơn 30 tỉ đồng từ việc cho thuê cột điện trong năm 2008. Chi phí này được dùng vào việc sửa chữa các trụ điện bị nghiêng, ngã, thực hiện bó gọn dây thông tin... Hiện có trên 10 đơn vị ký hợp đồng thuê cột điện để mắc các loại cáp viễn thông. Trên mỗi trụ điện đang có đến vài chục sợi cáp các loại, trong đó có nhiều loại cáp vô chủ. Trong năm 2009, Công ty Điện lực TP sẽ tiến hành bó gọn 171km mạng cáp viễn thông trên nhiều tuyến đường. Chi phí thực hiện ước tính hơn 9 tỉ đồng.
(theo Tuổi trẻ online)
Bình luận
Vậy mới biết những chiếc cột này vừa thiếu tính mĩ quan, ngày càng không đảm bảo độ an toàn, lại còn gây thất thoát không biết bao nhiêu của cải của nhà nước (của dân). Hic...
Mai mốt đến sở giao thông làm ống ngầm hoá (điện lực ko được đảo hầm mà)... lúc đó bắt buộc ngầm hoá ko chỉ cáp viễn thông mà cả cáp điện rồi cá kiếm. Quản lý kém thì các doanh nghiệp độc quyền tha hồ mà tung hoành thôi.