Ngay cả hãng lớn như Google, BBC cũng thường xuyên "câu cá" trong ngày đầu tiên của tháng 4, khiến cộng đồng mạng rỉ tai nhau rằng: "Đừng tin bất cứ điều gì bạn đọc, chờ thêm một ngày nữa và quay lại xem có đính chính gì không".
Internet chạy bằng chim bồ câu
Để đảm bảo mỗi cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới có thể liên lạc qua Internet, năm 2001, các kỹ sư máy tính ở Bergen (Na Uy) khẳng định họ đang thử nghiệm dự án dùng bồ câu để gửi đi các gói dữ liệu trong phạm vi một vài km dù "đường truyền này hoạt động không được nhanh cho lắm".
Tâm hồn đồng điệu qua Google Romance
Google có truyền thống dùng ngày 1/4 để công bố những sản phẩm trời ơi đất hỡi. Năm 2006, họ ra mắt kế hoạch "kết nối thông tin qua Google Romance", tạo điều kiện cho người dùng đi tìm "nửa kia" qua công cụ tra cứu Soulmate. Ngoài ra, hãng này còn giới thiệu dịch vụ "gDay with MATE" với khả năng tìm nội dung Internet trước cả khi nó được tạo ra.
Đường link 'treo đầu dê bán thịt chó'
Năm ngoái, Rick Rolling là trò lừa nổi tiếng nhất trên Internet. Khi hàng triệu người sử dụng mở clip bất kỳ trong mục Featured Video trên trang chủ YouTube, họ sẽ không xem được nội dung mong đợi mà thay vào đó là hình ảnh ca sỹ Rick Astley nhảy múa và hát bài Never Gonna Give You Up.
Tại Việt Nam, một số người cũng tạo đường link chứa thông tin như "9x vào nhà nghỉ", "ca sĩ... lộ ảnh nóng" nhưng khi mở ra lại là hình ảnh chú cá đang cười rộng ngoác cùng lời chào mừng gia nhập cộng đồng "đi câu".
Cỗ máy thời gian trên web
Cũng trong năm 2008, công ty Aviary tuyên bố đã phát triển thành công một công cụ mang tên Dodo, cho phép đăng ảnh và xem họ trông như thế nào trong tương lai hoặc quá khứ. Một năm đã trôi qua nhưng Aviary vẫn nhận được nhiều e-mail hỏi làm cách nào để tải ứng dụng này.
Màn hình tỏa hương
Năm 1965, kênh truyền hình BBC phỏng vấn vị giáo sư đã tạo ra một thiết bị cho phép khán giả cảm nhận mùi vị của những hình ảnh xuất hiện trên màn hình. Để mô tả công nghệ, giáo sư này đặt hạt cà phê và hành trước mặt và hỏi khán giả có ngửi thấy gì không. Một số cuộc gọi đến khẳng định đúng là họ đã ngửi được mùi cà phê. Nhưng BBC sau đó nhanh chóng tuyên bố họ chỉ đùa cho vui mà thôi.
Gửi e-mail bằng ngoại cảm
BBC không phải là công ty duy nhất dùng công cụ truyền thông của họ để lừa khán giả. Năm 1999, tạp chí Red Herring đăng bài báo mô tả công nghệ giúp mọi người viết e-mail chứa 240 ký tự và gửi tới địa chỉ mà họ nghĩ trong đầu. Để thực hiện điều đó, người dùng cần đeo thiết bị hỗ trợ đặc biệt của công ty Tidal Wave Communications. Red Herring nhận được rất nhiều thư của độc giả thừa nhận họ đã không chút nghi ngờ khi đọc tin.
Trò lừa cho người mê YouTube
Năm nay, người dùng có thể nói dối các thành viên trong gia đình rằng mình vừa sắm một thiết bị không dây cho phép xem video YouTube trực tiếp trên TV một cách rõ nét.
(Theo Vnexpress)
Bình luận