Hơn 25% trong 13.000 độc giả tham gia một khảo sát trên VnExpress cho rằng Internet băng rộng không dây (WiMAX) sẽ là dịch vụ phát triển mạnh nhất, hơn cả công nghệ 3G, game online hay mua bán trực tuyến... Song, các nhà cung cấp không nghĩ như vậy.
Những "lá phiếu" dành cho WiMAX không phải là không có cơ sở. Giới chuyên gia đánh giá nhu cầu của người sử dụng trong nước đang vượt xa khả năng cung cấp. Một minh chứng khá cụ thể là dịch vụ Internet di động qua mạng viễn thông, dù mới xuất hiện đã có được số lượng khách hàng không nhỏ. Wi-Fi thì phủ như tơ nhện trong các thành phố lớn. Bên cạnh đó, thị phần của máy tính xách tay, thiết bị số cầm tay như PDA hay các dịch vụ trên nền Internet tốc độ cao như VoD, VoIP, IPTV... cũng đang tăng rất nhanh.
Đầu năm ngoái, Bộ Bưu chính viễn thông đã cấp phép thử nghiệm trong vòng 1 năm dịch vụ WiMAX cố định cho 4 doanh nghiệp trong nước gồm: Viettel, VTC, VDC và FPT Telecom. Kế hoạch là tháng 4/2007, sau khi có báo cáo từ những đơn vị này, Bộ sẽ lựa chọn 3 nhà cung cấp chính thức mạng băng rộng không dây.
Theo các doanh nghiệp, việc triển khai thử nghiệm đều cho kết quả khả quan. Chẳng hạn, VDC đặt một trạm phát sóng chính tại Bưu điện Lào Cai. Khoảng 20 thiết bị đầu cuối thu tín hiệu (CPE) "chốt" ở 19 địa điểm khác nhau, kết nối băng thông ở tốc độ 8 Mb/giây. Dùng Internet và thoại VoIP trên nền WiMAX cho tín hiệu đường truyền tốt hơn cả ADSL khi CPE có được tầm nhìn thẳng đến trạm phát sóng. Viettel cũng "trình diễn" công nghệ băng rộng không dây của mình ngay tại Hà Nội với bán kính phủ sóng 2 km, trong điều kiện có nhà cao tầng, và bán kính 32 km khi không có vật cản. Thông lượng truy cập đạt từ 1 Mb/giây đến 3 Mb/giây trong khi di chuyển với tốc độ tối đa là 100 km/giờ.
Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông cũng cho biết chuẩn WiMAX mà Bộ cấp phép sẽ là 802.16e, ứng dụng được cả di động và cố định.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ đều tỏ ra "rụt rè" khi nói về khả năng thương mại hóa WiMAX của mình. Tất cả đều ngóng đợi giấy phép chính thức từ Bộ Bưu chính Viễn thông. Và một vấn đề không thể không tính đến là những tốn kém cho công nghệ mới. "Nền tảng kỹ thuật đã đến độ 'chín', khách hàng dùng thử đánh giá tốt và việc triển khai cũng đơn giản vì chỉ cần lắp đặt trạm gốc lên các trạm di động. Nhưng đầu tư cho WiMAX di động đắt gấp đôi so với việc kéo dây vì chi phí cho modem đầu cuối và các trạm BTS rất cao", Phó giám đốc Viettel Telecom Lê Hữu Hiền cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi là chờ giá giảm xuống, nếu đấu thầu thấy giá hợp lý thì triển khai".
Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC, cũng bày tỏ: "Để dịch vụ đi vào hoạt động chính thức phải phụ thuộc khá nhiều vào lộ trình giảm giá công nghệ mới trên thế giới, nhằm đảm bảo được mức chi phí hợp lý cho người dân".
Trưởng phòng phát triển công nghệ phần mềm Công ty VTC Lê Văn Khương nhận định: "Tôi cho rằng trong năm nay, VN chưa thể đạt được một mạng WiMAX hoàn chỉnh theo đúng ý nghĩa công nghệ của nó. 2007 sẽ là năm tiếp tục các bước thử nghiệm công nghệ và sau đó sẽ là một vài thử nghiệm cung cấp dịch vụ".
Hình dung về dịch vụ trong năm nay, nhiều chuyên gia dự đoán chỉ có khoảng vài nghìn người sử dụng WiMAX như một phương tiện vào Internet. Sẽ có 3 lớp khách hàng và đông nhất là những người có nhu cầu "bình dân" như lướt Web tìm thông tin, dùng e-mail, chat... . Sau đó là khách hàng cần Internet làm phương tiện thương mại. Cấp cuối cùng là giới doanh nhân.
Các nhà cung cấp cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm thiết bị, tìm sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu và làm việc trực tiếp với những hãng sản xuất thiết bị đầu cuối. Sau khi "cân đong" về khả năng đáp ứng nhu cầu, họ mới cung cấp WiMAX như một dịch vụ chính thức.
Bức tranh tổng thể về tình hình phát triển về WiMAX cùng các dịch vụ đi kèm với nó tại VN trong năm nay vẫn còn chưa rõ ràng. Tất cả phụ thuộc rất lớn vào việc các doanh nghiệp có dám chấp nhận "cuộc chơi" đầu tư lớn. "Những khách hàng đang dùng WiMAX đương nhiên sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ. Và đó là sự tái đầu tư của doanh nghiệp để làm sao ở VN có ứng dụng sớm", ông Nguyễn Việt Hưng, Phó giám đốc VDC phân tích.
(theo VnExpress)
Bình luận