Giới thiệu dịch vụ 3G tại một cuộc triển lãm ở TPHCM. Ảnh: T.THẠNH.

Với 3G, chiếc điện thoại di động sẽ trở thành ví tiền, văn phòng di động, thiết bị điều khiển các đồ gia dụng trong nhà, bản đồ số, phòng chiếu phim, nhà hát di động...

Ngay sau khi có kết quả trúng tuyển 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông, 4 nhà cung cấp dịch vụ mạng di động “vượt vũ môn” là Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VN (VNPT- VinaPhone), Công ty Thông tin di động (MobiFone) và Liên doanh Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đã đưa ra các tuyên bố hùng hồn về tiện ích từ các dịch vụ mà mạng di động thế hệ thứ ba này mang lại.

Tha hồ giải trí

Với tốc độ đường truyền khi dịch vụ đầu tiên được cung cấp là 7,2 Mbps, 3 năm tiếp theo là 10,0 Mbps, vào năm thứ 5 là 21 Mbps và năm thứ 15 là 173 Mbps thì chiếc điện thoại di động của khách hàng sẽ trở thành ví tiền, văn phòng di động, thiết bị điều khiển các đồ gia dụng trong nhà, bản đồ số, phòng chiếu phim, nhà hát di động hay đơn giản là phương tiện truyền tải thông tin, chia sẻ cảm xúc...

Cụ thể, dịch vụ sẽ được chia thành nhiều nhóm như nhóm dịch vụ liên lạc, gồm: điện thoại truyền hình (Video Call), cho phép người gọi và người nghe có thể nhìn thấy hình ảnh của nhau trên điện thoại di động; truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu (Rich Voice); nhắn tin đa phương tiện (MMS)...

Nhóm dịch vụ nội dung giải trí bao gồm: tải phim (Video Dowloading) từ điện thoại di động; xem phim trực tuyến (Video Streaming) trên điện thoại di động với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt, không bị giật hình hay trễ tiếng; cho phép tải các video clip ca nhạc với dung lượng lớn.

Nhóm được xem là thiết yếu với đời sống là dịch vụ thanh toán điện tử (Mobile Payment), cho phép thanh toán hóa đơn hay giao dịch chuyển tiền qua tin nhắn điện thoại di động. Nhóm thông tin xã hội, gồm: truy cập internet di động, quảng cáo di động...

Nhóm hỗ trợ cá nhân, gồm: truyền dữ liệu, sao lưu dự phòng dữ liệu; thông báo gửi, nhận email và kết nối từ xa từ điện thoại di động đến các thiết bị điện tử tại văn phòng hay ở nhà...

Giá dịch vụ sẽ không cao?

Về giá dịch vụ 3G, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng do các nhà cung cấp tự quyết định, Nhà nước chỉ quản lý đối với giá dịch vụ chiếm thị trường chi phối từ 30% trở lên và là dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. “Về cơ bản, giá cước của các dịch vụ 3G sẽ không cao hơn giá cước dịch vụ 2G hiện nay”-ông Thắng nói.

Để tiết kiệm kinh phí đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai 3G, cả 4 nhà cung cấp đều cho biết sẽ dùng chung 100% cơ sở hạ tầng mạng 2G hiện có nhằm giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ 3G trong khoảng thời gian ngắn nhất và giảm giá thành. Theo ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của VNPT, việc đầu tư nâng cấp mạng 2G lên 3G sẽ giúp VNPT tiết kiệm được 60% chi phí so với việc đầu tư một mạng 3G mới hoàn toàn.

Viettel cho biết sẽ thiết kế những gói cước riêng dành cho từng nhóm đối tượng khách hàng dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của từng lớp khách hàng. Cụ thể, giá cước dịch vụ cơ bản (thoại và SMS) sẽ tương đương giá cước của 2G. Giá cước các dịch vụ VAS trên Mobile sẽ giảm từ 10 tới 15 lần so với giá cước truy cập qua giao thức GPRS như hiện tại. Với dịch vụ truy cập internet bằng máy tính qua mạng di động, sẽ tiệm cận với giá cước của dịch vụ ADSL.

Theo giới chuyên môn, sau khi dịch vụ 3G trình làng, giữa các mạng di động sẽ diễn ra cuộc đua giảm giá cước, khuyến mãi tương tự như giá cước cuộc gọi, thuê bao và nhắn tin diễn ra suốt nhiều năm qua. 

Cuộc cách mạng

3G là viết tắt của “Third Generation” – thế hệ thứ 3 của mạng điện thoại di động – công nghệ được xem là cuộc thay đổi mạng dịch vụ di động băng hẹp truyền thống chuyển sang các dịch vụ băng rộng đa phương tiện. Kinh nghiệm từ các nước rất thành công với 3G như Nhật Bản, Hàn Quốc: Đối với 3G thì không có dịch vụ nào là dịch vụ chủ chốt, mà các doanh nghiệp khi triển khai phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nội dung thông tin. 

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG



Bình luận

  • TTCN (2)
Tran Minh Thuan  6

Cần gì phải chia nhiều nhóm như thế nhỉ?
Trong khi dịch vụ Internet với giá thành phải chăng thì không thấy nhắc tới! Giờ toàn sử dụng Netbook với iPhone, chỉ cần dịch vụ Internet chất lượng đường truyền ổn định là đủ!
Không biết rồi mấy ông này cung cấp những cái gì đây! Có hữu ích không đây!

ATK  1019

Chia ra nhiều gói dịch vụ nhỏ là cách kinh doanh rất có hiệu quả và được nhiều nhà cung cáp dịch vụ trên thế giới sử dụng.Chia ra nhiều gói nhỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng.Các gói dịch vụ này giá cước sẽ khác nhau.Ví dụ nhé, bạn sử dụng dịch vụ điện thoại, bạn thường xuyên gửi tin nhắn rất nhiều hơn là gọi, người khác thì thường xuyên gọi hơn là gửi tin nhắn, người khác thích lướt web qua dt,v.v. Như vậy nhà cung cấp dịch vụ sẽ chia thành các gói dich vụ như gói dành cho khách hàng hay gửi tin nhắn(giá 1 tin nhắn sẽ rẻ hơn các gói khác),gói cho người hay gọi điện(giá cuộc gọi sẽ rẻ hơn), gói GPRS giá rẻ(giá GPRS sẽ rẻ hơn),v.v.Rõ ràng như vậy sẽ có lợi hơn cho người sủ dụng và nhà cung cấp dịch vụ cũng thu hút được nhiều người sử dụng.
Không biết AQ nhắc đến Internet ở đây là nói về cái gì!Theo mình nghĩ thì AQ nói về Internet dùng cable.Cái đó là mảng khác, cái đó không thể ngăn cản 1 nhà cung cấp dịch vụ phát triển dịch vụ khác.Xu thế đang tiến dần đến mạng không dây, màn hình cảm ứng.Các nước khác đã có 3G từ lâu, nước ta do điều kiện khó khăn nên đến muộn, nhưng sự ra đời của nó cũng sẽ có ích rất nhiều!