Mozilla vừa công bố lộ trình phát triển cho phiên bản Firefox 3.6 -- có tên mã Namoroka. Phiên bản này sẽ ra mắt vào năm 2010 và là phiên bản kế tiếp của phiên bản 3.5 sắp ra mắt. Mozilla có một loạt các kế hoạch tham vọng cho bản 3.6 này, bao gồm một giao diện trình duyệt dựa theo thói quen lướt web của họ và tích hợp sâu hơn các ứng dụng dạng Prism.

Hiện tại, hãng vẫn đang tích cực trong việc phát triển phiên bản 3.5, với bản beta 3 ra mắt vào tháng trước có nhiều tính năng mới rất đáng chú ý, chẳng hạn nó hỗ trợ thành phần video của chuẩn HTML 5 và bộ xử lý JavaScript TraceMonkey mới có tốc độ cao. Bản beta 4 sẽ ra mắt vào cuối tháng này, và phiên bản hoàn chỉnh cuối cùng sẽ chính thức hoàn thành trong tháng 6. Firefox 3.5 ban đầu được gọi là 3.1, nhưng đã được đặt tên phiên bản cao lên do có quá nhiều thay đổi so với bản 3.0.

Trong thông báo về lộ trình phát triển của phiên bản 3.6, có thể thấy Mozilla có rất nhiều mục tiêu tham vọng. Để đạt được những mục tiêu này sẽ phải hoàn thành rất nhiều việc bao gồm cải tiến chức năng và giao diện hiện tại của Firefox.

Chẳng hạn, một trong các tính năng mới đó là dựa vào hoạt động của người dùng để điều chỉnh giao diện của trình duyệt. Hoặc cho phép người dùng nhóm và lưu lại các tab, hay tương tác với các dịch vụ web thông qua giao diện dòng lệnh giống như trong dự án Ubiquity của Mozilla.

Mozilla còn có tham vọng rút ngắn khoảng cách giữa ứng dụng trực tuyến và ngoại tuyến bằng cách tích hợp sâu hơn vào trình duyệt các ứng dụng dạng Prism. Theo như lộ trình được công bố, Firefox sẽ có khả năng upload file hoàn hảo hơn và có cả tính năng chỉnh sửa nội dung, giống như khái niệm về chỉnh sửa ảnh dựa trên Ubiquity mà Mozilla giới thiệu đầu năm nay.

Người dùng đã thực sự ấn tượng với các tính năng trong phiên bản Firefox 3.0 và sắp tới sẽ là một loạt các trải nghiệm mới trong phiên bản 3.5. Với việc công bố một lộ trình đầy tham vọng cho Firefox 3.6, Mozilla muốn chứng tỏ hãng là người tiên phong trong các cải tiến kĩ thuật cũng như trải nghiệm của người dùng.

Binh Nguyen (theo Ars Technica)



Bình luận

  • TTCN (0)