Từ chỗ là một vị CEO vô danh ở Novell, Eric Schmidt đã cùng với Google “lớn nhanh như thổi”. Nhưng đó là nhờ tài năng thực sự hay ông chỉ là “kẻ ăn may” vĩ đại?

Năm 2001, Eric Schmidt được thuê điều hành một công ty tư nhân nhỏ bé có tên gọi nghe khá lạ tai: Google. Đã 8 năm trôi qua, Google đã trở thành một công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và có lời lãi “khủng” nhất thế giới. Mức tăng trưởng này cũng đồng thời đẩy vị thuyền trưởng Eric Schmidt “bay lên” từ chỗ là một vị CEO (Tổng giám đốc) “vô danh tiểu tốt” của một hãng công nghệ cũng gần như vô danh Novell, trở thành một trong những người đàn ông quyền lực và giàu có nhất thế giới. Không chỉ có vậy, Eric Schmidt còn được coi là một trong những vị CEO tài năng nhất thế giới.

Nhưng giờ đây, khi Google thể hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu của sự suy thoái với tốc độ tăng trưởng chậm, những đợt sa thải nhân viên, những vụ bỏ đi của các chuyên gia tài năng… nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải xem xét lại khả năng thực sự của Eric Schmidt với câu hỏi: Eric giỏi thật hay chỉ là một kẻ ăn may nhờ được ngồi vào chỗ của con tàu đang tăng tốc.

Thật khó để trả lời câu hỏi này hay nói cách khác, không ai có thể trả lời được câu hỏi Google ngày nay có gì khác nếu không có Eric Schmidt từ 8 năm trước. Dù gì thì ngày nay Google cũng đã trở thành một thương hiệu toàn cầu, một mạng lưới các công ty con xuyên quốc gia nhưng có một điều ít người được biết rằng: Tất cả những chiến lược kinh doanh, những sự ưu tiên, các ý tưởng sản phẩm đã có sẵn tại Google trước khi Eric Schmidt bước chân về đó.

Nhưng dựa trên những gì người ta đã biết, Eric đã đóng góp gì cho Google?

Doanh thu

Sau hơn 10 năm tồn tại (8 năm dưới triều đại Eric Schmidt), gần như toàn bộ nguồn thu chủ lực của Google vẫn nằm trong một sản phẩm: Quảng cáo (mặc dù dịch vụ AdSense của họ đã thành công vượt xa sự mong đợi nhưng đã không còn lợi nhuận cao như trước). Nếu đứng trên góc độ doanh thu, có thể nói các lĩnh vực kinh doanh khác của Google đã và đang rơi tự do. Bán quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông ngoại tuyến (offline)? Quảng cáo qua video? Di động? (Mặc dù năm ngoái Eric Schmidt đã hứa hẹn rằng 2009 sẽ là năm của quảng cáo di động), Bán dịch vụ tìm kiếm hay ứng dụng cho doanh nghiệp… Tất cả đều chìm nghỉm sau những tuyên bố hoành tráng. Nói theo một cách khác, suốt 8 năm dưới thời Eric Schmidt, Google vẫn chỉ sống nhờ vào thứ đã có sẵn và ông vẫn chưa thể “làm được cái gì ra hồn” cho Google.

Ảnh
Dưới "triều đại" Eric Schmidt, Google đã có bao nhiêu thương vụ thành công?

Mở rộng và bành trướng

Nhiều người cho rằng Eric đáng được tuyên dương với 7 năm phát triển “với tốc độ của tên lửa” cũng như việc Google đã liên tục đổ tiền đầu tư trên khắp thế giới. Nhưng trên thực tế, những năm đó Google đã phạm phải không ít những sai lầm mà chính sách “tuyển dụng ồ ạt” để lại nhiều hậu quả nhất. Sự hiệu quả trong đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực đã bị đánh rơi và giờ đây khi nền kinh tế suy thoái, Google lại trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự ngạc nhiêu của rất nhiều chuyên gia kinh tế. “Đáng lẽ ra, với một nguồn lợi nhuận khổng lồ và sự đầu tư ồ ạt như thế Google phải trụ vững được khoảng 2 năm trong khủng hoảng”, Tom Krazit – một chuyên gia kinh tế của đại học Stanford (Mỹ) phát biểu.

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai lầm này nếu không phải là Eric Schmidt?

Thâu tóm

Thương vụ thâu tóm DoubleClick được coi là bước đi thành công nhất của Google. Trong khi đó, thương vụ thâu tóm “đình đám” thứ hai là YouTube đến nay có thể coi là một thất bại “cỡ bự” bởi sau nhiều năm cố gắng, Google vẫn không thể kích được mảng quảng cáo qua video phát triển. Điều đáng nói là đối thủ Hulu lại có bước phát triển nhảy vọt và khiến YouTube gần như không còn khả năng bám đuổi trong lĩnh vực này.

Bên cạnh 2 thương vụ nổi tiếng đó, Google còn có cả tá những vụ thâu tóm khác đã chết ở Mountain View (ngụ ý Google)đang “ngắc ngoải” nhưng sau đó, thế giới công nghệ vẫn không hề nhìn thấy nó xuất hiện trở lại. Hay với Dodgeball, đó cũng là một thất bại không thể bào chữa bởi theo nhiều chuyên gia, Google hoàn toàn có thể biến Dodgeball thành một Twitter nếu họ đầu tư đúng mức. Hay Jaiku, một dịch vụ microblogging (tiểu blog) khi đó đang nổi, nhưng Google đã khiến nó chết yểu sau khi thâu tóm. Thật đáng đau xót khi Blogger cũng có số phận tương tự. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng Blogger vẫn chưa tiến thêm được bước nào, thậm chí còn bị tụt lùi so với những đối thủ sinh sau đẻ muộn. Bản danh sách những “nạn nhân chết yểu sau khi về với Google” còn có thêm nhiều cái tên khác như Grandcentral hay Feedburner… Đó không phải là những cái tên xa lạ nhưng “bụi thời gian” và cái bóng của Google đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nghe đến chúng.

Hợp tác

Google đang mắc kẹt với 2 hợp đồng: với AOL và với MySpace. Cả 2 hợp đồng này đều đang khiến Google khó xử. Đại diện của Google có lần đã phải thừa nhận rằng các mạng xã hội không thể “đúc ra tiền” nhiều như họ mong muốn và nếu có cơ hội làm lại từ đầu, chắc chắn Google sẽ không trả cho MySpace 900 triệu USD chỉ để đổi lại việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng xã hội. Với AOL, mặc dù Google đã kiểm soát 5% cổ phần trong công ty này nhưng kể từ đó đến nay, AOL vẫn chưa đưa ra được một chiến lược phát triển nào “ra hồn” và việc Google bị “giam” tiền trong đó trở thành một nỗi xấu hổ.

Ảnh
Tương lai của Eric Schmidt có nằm ở Google?

Sản phẩm mới và triển vọng của tương lai

Nếu như nền kinh tế hồi phục và lĩnh vực tìm kiếm cũng như quảng cáo trực tuyến phát triển trở lại – đó sẽ là một tin tốt cho Google (nhưng dường như những ngày hoàng kim này đã trôi qua mãi mãi).

Nhiều người cho rằng di động có thể là tương lai của Google nhờ hệ điều hành Android và lĩnh vực quảng cáo trên di động. Nhưng cho đến nay, Android vẫn không thể tạo ra được tiếng vang như Google mong muốn còn quảng cáo vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “triển vọng”.

Cũng đã qua rồi cái thời Google có “quyền sinh quyền sát” đối với các công ty mới thành lập. Trước kia, giới công nghệ đã từng nghĩ rằng bất cứ một công ty mới nào ra đời cũng chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi Google copy mô hình kinh doanh hay sản phẩm, dịch vụ của họ. Nhưng “nạn nhân” gần đây nhất là ai? Chẳng ai cả, vì lâu lắm rồi người ta không thấy Google làm được gì trước sự trỗi dậy của các đối thủ mới.

Thay vào đó, Google đã tự biến mình thành một công ty mà “ai cũng ghét”. Eric và Google hẳn chưa thể quên việc thương vụ hợp tác của họ với Yahoo hồi năm ngoái đã bị đánh tơi tả thế nào bất chấp Microsoft đã thất bại trong việc thâu tóm hãng tìm kiếm đang gặp vô vàn khó khăn này.

Nếu như cách đây 8 năm, không một ai nghĩ đến những “tội danh” như độc quyền, xâm hại quyền riêng tư… khi nói về Google nhưng 8 năm sau, trong khi lĩnh vực hoạt động của Google vẫn thế (như đã nói ở trên), những họng súng này lại chĩa vào họ. Nói theo một cách khác, Google giờ đây đã trở thành một Microsoft mới với hàng loạt những lời than phiền, vụ kiện cáo và án phạt.

Nói như thế không có nghĩa là mọi người có thể phủ nhận sạch trơn những gì mà Eric Schmidt đã làm cho Google và trường hợp của ông có nét gì đó giống như Meg Whitman (CEO của eBay) – một CEO không phải là thành viên sáng lập đã từng được vinh danh nhờ những thành công của công ty mà họ lãnh đạo và cũng đã từng được… đánh giá quá cao. Nhưng cánh cửa dành cho Eric Schmidt vẫn chưa hoàn toàn khép lại. Dấu ấn của ông ở Google phụ thuộc hoàn toàn vào những gì mà ông chuẩn bị làm cho công ty này.

Câu hỏi: Eric Schmidt sẽ làm gì tiếp theo?

Theo ICTnews (Silicon Valley Insiders, Forbes)



Bình luận

  • TTCN (0)