Trúng tuyển 3G với số điểm cao nhất, gần như tuyệt đối 966/1.000 điểm, Viettel được coi là "ngôi sao" của cuộc thi. Thế nhưng, cái giá cho vị trí đầu bảng này cũng khá đắt.
Một trong những cái giá đắt mà Viettel phải trả là tiền đặt cọc. Trong khi các mạng di động đại gia khác như VinaPhone, MobiFone chỉ đưa ra số tiền khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng thì Viettel vung tay chi 4.500 tỷ đồng.
Theo quy định, khi trúng tuyển 3G, các mạng di động phải nộp đủ số tiền đặt cọc cam kết vào ngân hàng. Phải sau 1 năm, mạng di động mới được rút 50% số tiền đặt cọc và sau 3 năm nữa mới được rút 50% số tiền còn lại. Cũng chính vì lý do này mà việc tính toán làm sao để có số tiền đặt cọc tối thiểu nhưng vẫn trúng tuyển 3G là cực kỳ quan trọng. Lý do là việc bị "chôn" hàng nghìn tỷ đồng trong ngân hàng là điều rất tai hại trong bối cảnh các mạng di động đều cần vốn lớn để tăng tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Với việc phải "chôn" số tiền lớn gấp 3 lần so với VinaPhone và MobiFone tại ngân hàng, Viettel đã phải trả một cái giá đắt gấp 3 lần. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, việc đặt cọc số tiền lớn 4.500 tỷ đồng là thể hiện quyết tâm của Viettel đạt cho được tấm vé 3G, và cho thấy cái gì doanh nghiệp khác không dám làm thì Viettel làm.
"Làm một phép đánh đổi, nếu bỏ thêm 3.000 tỷ mà được giấy phép còn hơn bỏ ra số tiền cam kết thấp hơn nhưng lại trượt thầu, như thế thiệt hại là không thể tính được. Đây là cuộc thi và chúng tôi muốn giảm rủi ro xuống mức thấp nhất", ông Hùng khẳng định.
Vị lãnh đạo này cũng nói thêm, khoản tiền đặt cọc này không mất đi mà vẫn phát sinh lãi suất hằng tháng, giống như đem gửi ngân hàng. Hết thời hạn cam kết, doanh nghiệp được phép lấy ra chứ không phải mất đi.
Một cam kết khác của Viettel cũng khiến cho các nhà kinh doanh khác giật mình, đầu tư cho 3G tới 800 triệu USD trong 3 năm đầu tiên. Chưa hết, mạng di động này còn cam kết sẽ khai trương dịch vụ 3G sau 9 tháng nhưng phủ sóng tới gần 90% dân số và có tới 5.000 trạm BTS 3G vào thời điểm khai trương. Vùng nông thôn Việt Nam còn nghèo và dịch vụ 2G còn chưa sử dụng hết, vung tiền đầu tư cho 3G ở nông thôn quả là ý tưởng xa vời theo đánh giá của giới trong ngành.
Trái ngược với Viettel, MobiFone (doanh nghiệp vốn rất hoành tráng trong các cuộc chơi công nghệ) lại khiêm tốn hơn nhiều về cam kết đầu tư. Theo dự kiến mạng di động này chỉ đầu tư vài nghìn tỷ đồng trong những năm đầu tiên cho 3G. Theo giải thích của MobiFone do mạng này đã áp dụng thành công công nghệ Edge trên toàn mạng từ rất sớm (năm 2006) nên có thể dùng chung rất nhiều hạ tầng của 2G cho 3G, giúp giảm tới 40% chi phí đầu tư cho 3G.
Ông Đỗ Vũ Anh - Phó giám đốc MobiFone lý giải: "Với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư quá mạnh cho việc phủ sóng 3G trong khi rất nhiều trạm 2G hiện tại ở các vùng nông thôn vẫn còn chưa được sử dụng hiệu quả thì sẽ không tránh khỏi lãng phí. Một cam kết đầu tư thận trọng sẽ giúp MobiFone không phải chịu sức ép từ những khoản đầu tư chưa thực sự cần thiết và đem lại hiệu quả thấp".
VinaPhone dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD cho mạng 3G trong vòng 15 năm tới. Ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone cho hay theo dự kiến quá trình triển khai mạng 3G của VinaPhone sẽ trải qua 5 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, VinaPhone sẽ phủ sóng 20% dân cư ngay sau khi khai trương dịch vụ. Giai đoạn 2, VinaPhone sẽ phủ sóng 50% dân cư sau 3 năm hoạt động và giai đoạn 3 sẽ phủ sóng 75% dân cư sau 5 năm hoạt động. Dự kiến, giai đoạn 4 và giai đoạn 5, VinaPhone sẽ phủ sóng đến 90% dân cư sau 10 đến 15 năm cung cấp dịch vụ 3G. Việc phân chia thành các giai đoạn như trên giúp VinaPhone đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng trên toàn quốc. Giai đoạn đầu, VinaPhone sẽ triển khai chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi có nhu cầu cao về Internet tốc độ cao, sau đó mới mở rộng ra trên toàn quốc.
Vào thời điểm hiện tại, những người sử dụng di động Việt Nam vẫn đang rất háo hức với các dịch vụ 3G nhưng đối với các mạng di động, kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy tỷ lệ doanh thu từ các dịch vụ gia tăng trên nền băng rộng mà 3G mang lại chưa thể vượt quá 15%, mà đó là ở các nước 3G rất phát triển.
(Theo Vnexpress)
Bình luận
Nội dung tương tự bài này đã có ở đây article/10501
Không biết phải là người có trình độ như thế nào mới có khả năng đánh giá bài thi của một doanh nghiệp tầm cỡ như Viettel là "hớ"?
Vinaphone với MobiFone kế hoạch 3G đều toàn "trong 15 năm tới". Hi vọng lúc đầu tư cho 3G xong thì... 5G chưa bị lạc hậu.
++Theo theo các quan chức Trung Quốc, cấp phép và triển khai 3G là một “cú hích” cho nền kinh tế và là biện pháp để chống suy thoái hữu hiệu.
Không phải bỗng dưng Chính phủ Trung Quốc lại mạnh tay triển khai 3G - với vốn đầu tư đến vài chục tỷ đô la - vào thời điểm khó khăn này. Công nghệ 3G - một công nghệ truyền thông di động băng rộng - sẽ giúp cho nhiều người dân (đặc biệt ở những vùng nông thôn và khó khăn) tiếp cận với thông tin di động và Internet thuận lợi hơn, tạo ra nhiều dịch vụ nội dung hơn, giải quyết nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, và đặc biệt khiến các dịch vụ thương mại di động và chính phủ điện tử có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
3G chính là một giải pháp kích cầu nội địa hữu hiệu, theo cách nhìn của người Trung Quốc. Điều này một lần nữa được khẳng định từ kết luận của Nhóm Quản lý Viễn thông (TMG), là khi mật độ điện thoại tăng lên 1% thì thu nhập trung bình trên mỗi đầu người tăng 4,7%, và khi mật độ sử dụng Internet tăng 1% thì thu nhập trung bình trên mỗi đầu người tăng tới 10,5%. Rõ ràng, mức độ gia tăng và phổ cập điện thoại và Internet đã giúp kích thích phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, có vẻ như chúng ta chưa có được tâm thế tốt nhất để sẵn sàng triển khai 3G, khi nhiều người vẫn nhìn vào những con số "có vẻ tốn kém" khi triển khai 3G để bình luận chứ chưa nhận ra vai trò của "biện pháp kích cầu nội địa" này, các doanh nghiệp viễn thông hàng ngày vẫn tập trung vào cuộc đua khuyến mãi ồ ạt bán sim rẻ hơn thẻ chứ chưa thực sự xây dựng cho mình lộ trình chuyển đổi từ các dịch vụ 2G lên 3G. Việc suy giảm doanh số trung bình tính trên mỗi thuê bao di động (ARPU) ở Việt Nam đã lên đến mức báo động, và việc triển khai 3G cũng chính là một biện pháp mạnh giúp tăng ARPU đang bị "ngó lơ". Điều này lại càng chứng minh ngành viễn thông Việt Nam chưa thực sự mong muốn và để tâm xây dựng sự phát triển bền vững cho chính mình.
3G ở Việt Nam thực sự có tiềm năng, cứ nhìn vào doanh số các dịch vụ nội dung (trong đó có phần không nhỏ từ các dịch vụ nội dung trên ĐTDĐ) thì rõ. Trong năm 2008, doanh thu ngành công nghiệp nội dung số đạt khoảng 270 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng tới 50%, cao nhất trong ngành CNTT -TT. Mặt khác, theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNIC), tính đến tháng 12/2008, số người sử dụng Internet tại Việt Nam là khoảng 20.834.401, đạt tỷ lệ số dân sử dụng Internet là 24,04%, trong khi đó tổng số thuê bao băng rộng tại Việt Nam chỉ là khoảng 2.048.953 thuê bao, trong đó có đến 60-70% thuê bao tập trung tại Hà Nội và TP. HCM.
Rõ ràng, 3G là vấn đề không chỉ nên nhìn nhận ở góc độ chi phí đầu tư, lại càng không phải là lúc cân nhắc chuyện sớm hay muộn. 3G cần được nhìn nhận ở các góc độ: kích cầu nội địa, xóa khoảng cách số, phát triển thương mại di động và chính phủ điện tử... Tuy nhiên, nhìn nhận là một chuyện, còn quyết tâm triển khai đến đâu lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện đó hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của nhà quản lý và sự quyết tâm của các doanh nghiệp.
(báo Bưu điện Việt Nam số 9 ra ngày 21/1/2009)
--Thị trường 3G thật sự có phải là miếng pho mát ngon hay không? Chưa ai biết được nhưng rõ ràng tiềm năng của thị trường 3G tại VN là rất lớn. Ericsson dự báo thị trường 3G ở năm sẽ có doanh thu 1,2 tỷ dollar trong 4 năm đầu tiên. Một dự báo quá lạc quan chăng khi mà một số chuyên gia trong ngành lo ngại tình hình kinh tế hiện nay sẽ là rào cản lớn cho việc triển khai 3G tại VN.
Thật sự, sau 7 năm triển khai 3G đầu tiên tại Nhật, năm 2001, số lượng thuê bao 3G trên toàn cầu chỉ tăng đáng kể vào cuối năm 2005, đạt khoảng 500 triệu thuê bao. Malaysia triển khai 3G vào cuối năm 2005. Vào tháng 08 năm 2006, 7 tháng sau khi triển khai, Malaysia có 61.000 thuê bao 3G và đến tháng 3 năm 2008, đạt 250.000 thuê bao. Trong khi đó, Indonesia triển khai 3G sớm hơn Malaysia gần 2 năm – đầu năm 2004 – nhưng hiện chỉ có 90.000 thuê bao 3G.
Thực tế triển khai 3G tại một số nước láng giềng cho thấy, thuê bao chỉ tăng vọt khi các nhà khai thác đưa nhiều dịch vụ hấp dẫn cho thuê bao sử dụng. Ngay cả dịch vụ thoại video, mà trước đây dự báo là “ứng dụng huỷ diệt” cũng bị thuê bao tại Nhật bản hờ hững.
Các nhà khai thác sẽ đưa ra những lời chào mời thật hấp dẫn và cố gắng thuyết phục các thuê bao là 3G sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều rào cản trong việc triển khai 3G.
Một số chuyên gia nói bên lề hội nghị Vietnam Telecomp 2008 rằng “còn lâu các nhà khai thác VN mới có thể cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng như quảng cáo”...
...Đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, có nhiều vấn đề tranh cải đang được đặt ra. Một cuộc điều tra thị trường do Ericsson thực hiện về thị trường 3G tại VN cho thấy 74% người được hỏi cho là giá máy điện thoại 3G vẫn còn quá sức đối với họ. Trong khi đó, 67% e ngại về giá dịch vụ 3G.
Còn một số e ngại về kỹ thuật mà các nhà khai thác 3G đều thấy nhưng ít khi nhìn nhận đó là rào cản. Đó là khả năng phủ sóng 3G. Kinh nghiệm một số nước láng giềng như Indonesia và Malaysia là thấy rõ. Sự hăm hở đón nhận 3G của thuê bao lúc ban đầu đã được thay thế bằng nhiều lời chỉ trích trên mạng và báo chí sau đó xung quanh khả năng phủ sóng 3G quá yếu và ít tại nhiều khu vực.
Tạp chí Cellular-news trong số tháng 9 đã nêu lên việc ngộ nhận hướng đại chúng của dịch vụ 3G. Các nhà khai thác 3G nên lưu ý rằng chỉ khoảng 20% dân số thành thị có khả năng chi trả cho thiết bị và dịch vụ 3G.
Một số yếu tố khiến 3G tăng trưởng nhanh trong vòng 2 năm qua, theo một báo cáo của Lehman Brothers, đó chính là giá của thiết bị và dịch vụ giảm đáng kể.
(Theo vietnamnet)
@Hải Nam: Hớ ở đây là ý chính muốn nói rằng đặt cọc số tiền quá xa so với đối thủ thôi.
Qua đây có thể thấy vụ thi này có khả năng khá nghiêm túc bởi thông thường các đại gia lớn thường nháy nhó với nhau chia vị trí (còn trường hợp thứ hai là biết thông tin chắc thắng nên đặt ở tầm vừa phải).
Đơn đặt hàng
Bài viết này đọc thấy ngay là được viết theo đơn đặt hàng của mobifone. Các nhà mạng làm ơn dùng khả năng thực của mình để phục vụ khách hàng chứ đừng tìm cách nói xấu nhau
@minhlinh36: trên quan điểm của mình thì Viettel muốn có giấy phép 3G họ chẳng cần phải đặt cọc cũng có được! Bởi vì họ quá mạnh so với các đối thủ, còn tiền đặt cọc chỉ chiếm 300 điểm (hay là "chiếm đến" 300 điểm theo cách nói trong bài). Viettel 966 điểm xếp hạng 1, VinaPhone 620 điểm xếp hạng 2. Vậy là giả dụ Viettel đặt cọc 0 và bị 0 điểm, thì điểm của Viettel lúc đó thấp nhất cũng là 666, và vẫn xếp đầu bảng!
Viettel đặt cọc 4500 tỉ và cam kết đầu tư đến gần 13000 tỉ trong 3 năm đầu, thì số tiền đặt cọc so với số cam kết cũng đâu quá lớn. Còn MobiFone không thấy nói sẽ chi bao nhiêu trong giai đoạn đầu, còn chuyện "phủ sóng 100% đô thị trong 3 tháng" thì không khó (lắp 63 cọc BTS là xong). Chỉ có lời hứa "phủ sóng 98% dân số trong 3 năm" là đáng quan tâm. Hãy chờ xem!
Mới đọc lại bài này article/10423 thì thấy nhầm chút, VMS trong 3 tháng chỉ bắt đầu cung cấp dịch vụ 3G (nghĩa là lắp vài cái cọc ở TP.HCM và HN), còn 1 năm thì mới phủ sóng ở 100% đô thị (nghĩa là mỗi đô thị sẽ được lắp ít nhất 1 "cọc").
Không thể nói là không hớ được, số tiền đặt cọc nhiều gấp 3 không phải là 1, 2 trăm tỷ mà mà tiền nghìn tỷ. Số tiền đó nếu không phải đặt cọc mà đem vào đầu tư ngay lập tức, đẩy nhanh tiến độ phủ sóng và giải quyết cực nhiều công việc khác nữa. Như vậy còn lãi hơn nhiều lần là để tiền trong ngân hàng. Có thể Viettel có rất nhiều tiền, bỏ ra thêm một chút đặt cọc không đáng bao nhiêu nhưng đây là chuyện làm ăn, bỏ nhiều thu không hơn người khác bao nhiêu thì gọi là lỗ, là kém.
Thi 3G thì đặt cọc là một trong nhiều bài thi. Giống như thi tốt nghiệp, thi vào đại học, một môn điểm không là điểm liệt, tổng có cao cũng đứt. Bảo Viettel không đặt cọc vẫn đỗ nghe khiên cưỡng, cãi cố quá.
Trong kinh doanh ngoài lợi nhuận còn có vấn đề hình ảnh nữa. Và không phải cứ bỏ ít thu lại nhiều là tốt. Thí dụ bỏ 1 triệu thuê người viết một bài làm giảm uy tín đối thủ, gây thiệt hại vài chục tỉ!
Còn vấn đề đặt cọc, không phải Viettel "không đặt cọc vẫn đỗ", mà là "không đặt cọc vẫn thừa điểm đỗ thủ khoa"! Còn chuyện "gửi ngân hàng có lãi suất" chỉ là Viettel giúp các đối thủ "giải toả tâm lí", vì ai cũng thừa biết rằng người làm kinh doanh có ai lại đi gửi tiền vào ngân hàng!
3G
Về Đặt cọc: câu chuyện này tương tự câu chuyện đấu thầu cổ phiếu IPO, anh giỏi là bỏ được giá vừa đủ thấp mà vẫn mua được cổ phiếu, 1 anh bỏ 1tr và 1 anh bỏ 1 tỷ để cùng mua được cổ phiếu vậy anh nào thông minh hơn.
Nếu Viettel đặt cọc = 0 thì chắc chắn sẽ bị loại chứ không còn điểm đâu mà so với đọ. Nếu Viettel đặt thấp nhất (140 tỷ đủ để không bị loại sớm) thì số điểm đặt cọc của Viettel sẽ rất thấp và các DN khác sẽ có điểm đặt cọc rất cao (VNF và MBF sẽ cùng có 300 điểm) vì điểm đặt cọc tính theo tương quan giữa các khoản đặt cọc, lúc đó Viettel cũng có thể bị tụt xuống thứ 5 như bỡn.
Còn mạng 3G chỉ được coi là CCDV nếu phủ được 10% dân số , nếu chỉ phủ sóng ở TpHCM như đã có lần Hải Nam nói thì vẫn chưa đạt 10% dân số đâu nhé.
Ồ giờ mới biết điểm đặt cọc tỉ lệ với số tiền, và ai đặt cao nhất được 300 điểm. Như thế cũng khá phiêu nhỉ Giả dụ GTel hoặc SPT đặt 10.000 tỉ, thì chiếc vé 3G không thể tuột khỏi tay họ rồi (tiếc/may là họ không có tiền để vất qua cửa sổ). Như vậy, khả năng Viettel không hề nắm được đối thủ là có thật, nên phải đặt cao. Nếu đặt 500 tỉ (1/10 đã đặt), và VNF/MBF đặt 5000 tỉ, 2/3 mạng còn lại đặt 10.000 tỉ và có những cam kết phủ sóng trên trời thì Viettel có thể rớt. Nhưng thôi, chấp nhận việc Viettel có thể rớt khi đặt cọc thấp, và Viettel "mù thông tin".
Còn việc TP.HCM chưa đạt 10% dân số thì cũng đúng luôn. Chẳng hiểu sao cứ nhớ TP.HCM có 12 triệu dân, giờ đi xem lại hoá ra chỉ có 8,3 triệu, còn cả VN là 87 triệu (đầu 2009). Vậy phải phủ sóng nội thành TP.HCM và cắm thêm vài cái cọc ở những quận đông dân ở HN (như Đống Đa chẳng hạn). Nói chung ở VN dân cư tập trung hết ở vài thành phố lớn, nên cái cam kết dịch vụ này quá đơn giản.