Không phải ai làm trong ngành IT cũng là nhân viên của Google, Microsoft hay Intel. Thế giới IT còn có những nghề rất độc đáo và cũng có thể là rất độc hại… Có một điều dễ hiểu là không phải ai cũng có thể làm được công việc này, bởi sự độc đáo nên những công việc này đòi hỏi con người cũng khá độc đáo và thực tế là có rất ít người thực sự muốn làm những công việc này. Nhưng trong thời buổi kinh tế toàn cầu đang suy thoái, những vụ sa thải của các hãng công nghệ vẫn đang liên tiếp diễn ra, những công việc này lại trở thành “niềm mơ ước” của nhiều người.
Nghề “rút ra - cắm vào”
Nếu chưa từng được nghe ai đó giải thích cặn kẽ về công việc này, hẳn nhiều người sẽ không bao giờ tin rằng trên thế giới lại có những người “kiếm được tiền của kẻ khác” bằng việc rút toàn bộ các loại phích cắm trên máy tính - hệ thống mạng… ra rồi lại cắm vào như cũ. Theo kinh nghiệm của những người đã và đang làm nghề “rút ra - cắm vào”, công việc này đòi hỏi những ứng viên khỏe mạnh (càng to khỏe, vạm vỡ càng tốt), có sự yêu thích và kiến thức nhất định về các loại thiết bị như adapter (bộ chuyển đổi dòng điện), ổ cắm, jack cắm… Có khả năng chui, bò hay lách mình vào những không gian hẹp như gầm bàn, khe tủ và quan trọng nhất là dạ dày có khả năng chịu đựng tốt (nếu không muốn nôn mửa liên tục).
Công việc cụ thể của những người làm nghề này thực ra khá đơn giản: tháo, lắp và vệ sinh các phòng máy tính cho các công ty kinh doanh hay thậm chí là các hãng công nghệ chuyên về IT.
Garth Callaghan - giám đốc của 127tech, công ty chuyên làm nghề “rút ra - cắm vào” ở Richmond (bang Virginia, Hoa Kỳ) - cho biết ban đầu ông không nghĩ rằng có ai đó sẽ trả tiền công ty ông cho những việc đó nhưng thật bất ngờ chỉ sau 3 năm thành lập, Công ty 127tech đã có 30 nhân viên làm việc toàn thời gian và hàng chục nhân viên hợp đồng thời vụ.
Callaghan cho biết công ty của ông từng gặp phải những “ca khó” như nhận làm vệ sinh cho những phòng máy với những bộ máy tính đã nằm yên một chỗ suốt 5 - 10 năm qua. “Những chiếc vỏ máy bụi dày đến mức có thể làm sân bóng, màn hình đen kịt vì bồ hóng, số thức ăn mà chúng tôi lấy ra từ bàn phím đủ để “nuôi sống” cả một trang trại gia súc, thậm chí có những chiếc bàn phím chúng tôi đã lấy ra một lượng mỹ phẩm đủ để mở hẳn một beauty salon…”, Garth Callaghan “tếu táo” kể chuyện.
Trong suốt 3 năm qua, công ty của Callaghan đã “tắm rửa” cho khoảng 10.000 chiếc máy tính và hệ thống mạng. “Có lần để lôi được đoạn dây mạng gắn trên tường của một công ty nọ, chúng tôi đã phải huy động tới 2 nhân viên to khỏe nhất “cố hết sức bình sinh” và kết quả là có thêm một chai nước salad Ý đang dùng dở với hạn dùng đã hết cách đó 2 năm”, Callaghan kể.
Tư vấn cứu hộ dữ liệu kiêm… chuyên gia tâm lý
Trong thế giới CNTT, thông tin (dữ liệu) là những thứ đáng giá nhất và đó cũng là những thứ dễ mất nhất. Mất dữ liệu luôn luôn là một thảm họa đối với bất kể ai, từ những người dùng bình thường cho đến cả những chuyên gia IT hàng đầu. Đi kèm với thảm họa đó là đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố và nhân viên tư vấn cứu hộ dữ liệu sẽ là những người đầu tiên được “hưởng thụ” thứ đặc sản này.
Kelly Chessen là một nhân viên của Hãng chuyên cứu hộ và khôi phục dữ liệu DriveSavers có trụ sở ở Novato (bang California, Mỹ) là một ví dụ điển hình cho những người làm nghề này.
“Khách hàng của tôi gồm đủ thành phần. Đó có thể là một người nào đó đột nhiên đánh mất những bức ảnh hay đoạn video về cha mẹ đã khuất của họ. Đó có thể là những nha sĩ hoảng loạn gọi đến vì hệ thống của họ đột nhiên sập và họ không thể biết được khách hàng của mình yêu cầu những gì. Đó có thể là một vị giám đốc IT, khóc như mưa khi toàn bộ dữ liệu trong hệ thống máy chủ Microsoft Exchange của họ đột nhiên mất tích vì họ tưởng thiết lập hệ thống RAID 5 là đơn giản và hoàn toàn có thể tự làm được”, Kelly Chessen nói.
Nhưng Chessen cũng thừa nhận không phải ai cũng có thể và sẵn sàng làm công việc như của cô, đơn giản là người đó cần phải có những kỹ năng khá tốt về IT, nền tảng về các loại phần cứng, phần mềm vững chắc và khó khăn nhất là phải biết nhẫn nại.
“Đây là một nghề “độc” nhưng đôi khi phần thưởng cũng không đến nỗi nào, nhất là những khi chúng tôi giúp các khách hàng lấy lại bình tĩnh, đồng thời khôi phục toàn bộ dữ liệu cho họ”, Chessen kết luận.
Nghề lướt web… sex
Mã độc, virus, spam… luôn là nỗi ám ảnh của thế giới IT nhưng đáng mừng là có không ít những “chiến binh” sẵn sàng “xả thân vì đại nghĩa” khi không ngừng tìm kiếm tận những ngóc ngách tối tăm nhất, bí hiểm nhất và “bẩn” nhất để tìm ra những chủng mã độc mới xuất hiện, đưa chúng về phòng nghiên cứu của các hãng bảo mật để tìm ra phương pháp khống chế.
Nhưng “săn” mã độc ở đâu? Có thể nói trong thế giới web, không đâu có nhiều chủng loại mã độc hơn những trang web khiêu dâm và nhiệm vụ của các “chiến binh” này là hàng ngày “lang thang” hết trang nọ đến trang kia mà tất cả đều là những web sex “hạng nặng”.
Patrick Morganelli - phó giám đốc điều hành của Hãng bảo mật Enigma Software, cho biết những chuyên gia phát hiện mã độc là những người có công việc thuộc hàng “độc” nhất trong ngành công nghiệp IT của thế giới. Họ phải làm việc trong môi trường “tối tăm, bẩn thỉu” và phải chứng kiến hàng ngày những ngóc ngách đen tối nhất của những trò tấn công và làm giàu đê tiện nhất mà con người có thể nghĩ ra.
"Câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra đối với những ứng viên trong buổi phỏng vấn xin việc là: Anh (chị) có sẵn sàng ghé thăm và “mò mẫm cả ngày”những web sex hạng nặng và nhớp nhúa nhất thế giới không? Đó có thể là những địa chỉ mà có ngồi cả đời họ cũng không thể tưởng tượng nổi. Nhưng đó lại là nơi khởi nguồn của những nghiên cứu chống lại mã độc”, Patrick Morganelli kể.
Những “chiến binh” làm nghề này đòi hỏi phải có một sự lạnh lùng và đôi khi là vô cảm. Theo lời kể của Morganelli, đã có không ít nhân viên mới của ông phải vội vàng tắt ngay màn hình khi ghé qua những web sex và rồi đưa những gì ẩn chứa bên trong ấy ra hiển thị trước màn hình. "Đó là những thứ rác rưởi mà họ phải thu lượm về hàng ngày. Những gì ẩn chứa bên trong thật khủng khiếp và đầy thú tính nhưng không còn cách nào khác, nếu bạn muốn chiến đấu chống lại chúng, bạn phải là những người hiểu rõ hơn ai hết về chúng", Patrick Morganelli nói tiếp.
Andrew Brandt, một chuyên gia nghiên cứu về mã độc của Hãng sản xuất phần mềm bảo mật Webroot còn cho biết có những khi anh cảm thấy dạ dày cuộn lên và muốn ói mửa khi ghé qua những trang web đen dạng này, bất chấp thâm niên làm việc của anh không phải là ít. Tuy vậy, Andrew cho biết những kẻ chuyên viết mã độc đã phát hiện chiến thuật này của các hãng bảo mật nên ngày nay chúng ít khi phát tán các “tác phẩm mới” của mình qua web khiêu dâm hơn, thay vào đó là những trang web cho tải phần mềm miễn phí như BitTorrents hay địa chỉ để tải các chiêu ăn gian, hack game.
Nghề theo dõi máy tính ma
Không chỉ là nghề “độc” trong ngành IT, nghề theo dõi và phát hiện các máy tính bị mã độc chiếm quyền kiểm soát (máy tính ma - zombie) còn là một nghề thuộc hàng nhàm chán và buồn tẻ nhất thế giới. Công việc hàng ngày của các chuyên gia này là dán mắt vào màn hình, nơi hiển thị những bản ghi (log report) của các hệ thống và mạng lưới trên khắp thế giới, theo dõi từng biến động nhỏ của chúng để phát hiện các hệ thống đó đã bị mã độc xâm nhập hay chưa, và nếu bị chiếm quyền kiểm soát rồi thì những chủng loại mã độc đang điều khiển các máy tính ma làm gì;tấn công vào đâu và tấn công như thế nào.
Tuy mang tiếng là buồn tẻ và nhàm chán như thế nhưng những chuyên gia làm công việc này lại là những người phải hội đủ 2 kỹ năng cao cấp và khó nhất ngành IT: phân tích dữ liệu hệ thống, phân tích bản ghi và theo dõi sự hoạt động của các mạng lưới. “Có rất ít người trụ lại được lâu dài với công việc này và chúng tôi cũng rất khó tuyển thêm người mới”- Lawrence Imeish, trưởng chuyên gia tư vấn và là một trong những người có thâm niên làm nghề này lâu nhất Hãng cung cấp dịch vụ và giải pháp Dimension Data, phát biểu.
"Các trung tâm điều hành thường chỉ một số ít người được giao nhiệm vụ giám sát sự hoạt động của hệ thống. Thông thường họ chỉ phát hiện sự cố khi những chiếc đèn xanh chuyển sang đỏ (báo hiệu trục trặc) nhưng họ không biết rằng có hàng tá thông điệp tưởng chừng như vô bổ nằm trong những tiếng bip, những cái nháy đèn lại có thể báo trước sự cố và giúp họ ngăn chặn sự cố xảy ra", Lawrence Imeish cho biết.
"Cái khó của nghề này là sự trái ngược trong nguyên tắc hoạt động của lĩnh vực IT. Sáng tạo ư? Quên nó đi, công việc của bạn là đọc từng ký tự “vô hồn”, ghi chép, phân tích và tổng hợp… Đó cũng chính là lý do tại sao nhiều người gọi nghề này là “nghề của những thây ma”", Imeish kết luận.
Theo ICTNews (IT World)
Bình luận