Trong vài năm trở lại đây, tình trạng trộm cắp qua ATM ngày càng trở nên phố biến tại Việt Nam với thiệt hại không phải là nhỏ. Ngoài những vụ lỗi ATM gây ra tình trạng mất tiền (thường xuyên diễn ra), hay lấy trộm thẻ ATM để rút tiền, thì vụ việc đặt máy quay camera mới đây đã dấy lên hồi chuông báo động về một loại hình trộm cắp mới khá nguy hiểm.
Nghiêm trọng
Trong liên tiếp hai ngày 12 và 13/4 vừa qua, hai trạm ATM của Ngân hàng Đông Á trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, đã được phát hiện có gắn camera quay trộm. Đây là loại camera USB có chức năng ghi hình, được gắn ở nóc trên cây ATM, gần với camera chính của ngân hàng, nhằm ghi lại các thao tác bàn phím của người sử dụng. Vụ việc ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại của người dùng về tình trạng an toàn của các cây ATM hiện nay.
Mặc dù đại diện Ngân hàng Đông Á không nhìn nhận đây là một nguy cơ nghiêm trọng, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn thì việc gắn camera để lấy cắp mã PIN như trường hợp này là rất nghiêm trọng. Khi đã có trong tay mã PIN thì việc in một chiếc thẻ mới có thông tin của khách hàng (cùng với mã PIN) để rút trộm tiền là công việc không quá khó khăn với những tên trộm tay nghề cao.
Có lẽ tại Việt Nam chưa có những vụ rút trộm tiền ATM với số lượng lớn như tại nước ngoài nên người dùng vẫn chưa ý thức hết về mối nguy hiểm này. Việt Nam đã và đang hướng tới việc trả lương cán bộ công nhân viên qua thẻ ATM nên đây sẽ lĩnh vực làm ăn mới và rất hấp dẫn của giới tội phạm.
Trong trường hợp trên, mặc dù việc quay lén mật khẩu và số PIN chưa đủ điều kiện để làm giả thẻ nhưng nếu kẻ trộm đặt một thiết bị giống như đầu đọc thẻ vào khe ATM thì có thể đánh cắp các thông tin liên quan khác như họ tên, thông tin chủ tài khoản, số tài khoản, chữ ký chủ thẻ… Khi có đầy đủ các thông tin này, kẻ gian hoàn toàn có thể làm giả thẻ ATM để rút tiền.
Một số phương pháp gian lận ATM điển hình
- Nhái thẻ (cloning): Còn được gọi là “cào lén” (skimming), phương pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng để sao chép thông tin từ thẻ gốc rồi chuyển các thông tin này vào thẻ trắng để tạo ra một chiếc thẻ hợp lệ. Các thiết bị sao chép có thể gắn trực tiếp vào khe đọc thẻ mà người dùng ít khi để mắt tới.
- Đánh cắp thẻ: Kẻ gian thường gắn một đoạn film bằng nhựa vào khe cắm thẻ ATM để máy không thể nhả thẻ khi giao dịch hoàn tất. Khi đó người dùng cứ tưởng như hệ thống bị lỗi mà không để ý rằng thẻ của mình bị kẹt do chủ ý của kẻ gian.
- Trộm dữ liệu: Kẻ gian thường tạo ra những thiết bị có chức năng đọc thẻ để gắn vào máy ATM. Thiết bị này sẽ đọc thông tin từ trong lớp từ của thẻ, rồi sau đó sử dụng thông tin này để làm giả thẻ rút tiền, hoặc thực hiện các giao dịch mua bán.
- Sử dụng camera: Đây là phương pháp sử dụng trong vụ quay trộm thông tin tại cây ATM của Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên chiếc máy quay trong vụ này được kiểm tra không có khả năng truyền dữ liệu không dây. Những tên trộm ATM chuyên nghiệp thường sử dụng camera không dây. Chúng chủ việc ngồi một chỗ để thu thập thông tin, mà không phải tiếp cận với máy ATM để tránh nghi ngờ.
- Nhìn trộm qua vai: Nghe thì có vẻ thô sơ nhưng đây vẫn là nguy cơ khá thông dụng mặc dù tỉ lệ thành công không cao. Kẻ gian sẽ đứng gần người giao dịch để xem các thông tin về thẻ, đặc biệt là mã PIN.
Một số biện pháp phòng tránh
Rõ ràng nạn tội phạm ATM không còn là nguy cơ xa vời tại Việt Nam. Chẳng hạn như cuối năm 2008, công an TP Đà Nẵng đã bắt quả tang một trường hợp dùng thẻ ATM của khách bỏ quên để chuyển 60 triệu đồng sang tài khoản của mình. Rõ ràng việc có được số PIN của thẻ cộng với yếu tố lấy cắp được thẻ ATM của khách hàng đã giúp cho kẻ gian ăn cắp được tiền từ tài khoản của nạn nhân.
Để hạn chế nguy cơ bị mất tiền từ tài khoản ATM, người dùng không nên cài đặt mã pin là các số dễ nhớ như ngày sinh, số CMND, số xe. Cũng như mật khẩu máy tính, người dùng nên đổi mã PIN định kỳ, và khi mất thẻ cần phải thông báo ngay cho ngân hàng để khóa tài khoản, đề phòng nguy cơ bị tẩu tán tiền trong tài khoản.
Người dùng nên sử dụng dịch vụ SMS Banking (nếu có) để nhận được thông báo về số dư tài khoản qua tin nhắn SMS ngay khi có phát sinh giao dịch. Bằng cách này, người dùng có thể phát hiện những giao dịch nghi ngờ để kịp thời ngăn chặn.
Người dùng không nên cung cấp thông tin thẻ cho những nguồn không an toàn, hoặc những người không quen biết. Nên thường xuyên theo dõi tình trạng tài khoản để kiểm kê và phát hiện những dấu hiệu giao dịch khả nghi nếu có.
Khi giao dịch mà bị nuốt thẻ, nên kiểm tra kỹ tình trạng của thẻ (xem thẻ có bị nuốt thực sự hay không, hay chỉ bị kẹt mà không bị nuốt hẳn vào trong). Hãy liên lạc ngay với ngân hàng hoặc công ty phát hành thẻ để được trợ giúp trong những trường hợp khẩn cấp này.
Tốt nhất là nên dùng tay che bàn phím nhập mã PIN khi thực hiện giao dịch. Chỉ bằng động tác đơn giản này, bạn có thể ngăn chặn hành vi quay lén hoặc nhìn trộm của người bên cạnh hoặc đằng sau.
Theo VnMedia
Bình luận