Hồi đầu năm vừa rồi khi CEO Intel Paul S. Otellini nói rằng hãng này sẽ đầu tư 7 tỉ USD để nâng cấp các nhà máy sản xuất chip hiện tại ở Mỹ, nhiều người đã nhìn nhận rằng đây là bước tiến của gã khổng lồ này. Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố đó còn rất nhiều vấn đề mà Intel phải đối mặt.
Các giám đốc và quản đốc cao cấp của Intel đang rất tranh cãi về kế hoạch trên. Mặc dù trong quá khứ, Intel đã nhiều lần đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng sản xuất ngay cả khi nền kinh tế đi xuống, nhưng các thành viên ban giám đốc hãng này băn khoăn rằng liệu chiến lược truyền thống có còn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Không phải là cơn suy thoái kinh tế hiện nay nghiêm trọng hơn trong quá khứ, mà bởi thực tế chứng minh những khoản đầu tư lớn của Intel trong những năm gần đây không đem lại hiệu quả tương xứng.
“Thắt lưng buộc bụng”
Otellini có vẻ như rất quả quyết về kế hoạch trên và tin chắc sẽ thực hiện được. Trong khi đó, ban giám đốc thì không phải ai cũng chống lại kế hoạch này. Duy chỉ có một số ý kiến đề nghị Otellini cắt giảm bớt chi phí trong bối cảnh hãng này phải sa thải 6.000 nhân công và đóng cửa một số nhà máy sản xuất cũ kỹ. Về các khoản tiền thưởng thì chắc sẽ không có. Còn hội đồng tiền thưởng (đứng đầu là Reed Hundt – Cựu chủ tịch FCC) thì đã gắn việc thưởng cho giám đốc với giá cổ phiếu biến động trên thị trường. Có nghĩa là cổ phiếu lên thì mức thưởng sẽ hậu hĩ hơn, còn cổ phiếu giảm sẽ đồng nghĩa với mức thưởng giảm, hoặc cắt thưởng.
Lương cơ bản bị giảm bớt, các khoảng thưởng khác bị cắt hoặc giảm tới mức tới đa, còn ưu tiên cổ phiếu (thường gấp 10 lần tiền lương) cũng sẽ quy theo biến động của giá trị cổ phiếu trên thị trường. “Những động thái này là nhằm cho nhân viên thấy rằng đây đang là thời điểm khó khăn cần vượt qua”, Reed Hundt nói trong thông báo chung của Intel.
Doanh thu giảm mạnh
Về phần Otellini, ông này cũng gặp một số khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư mới. Mặc dù Intel đang chiếm tới hơn 82% thị phần chip PC và là đầu mối cung cấp chip cho những tên tuổi lớn như Apple, Cisco và General Electric, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa hài lòng về hãng này. Giá cổ phiếu của Intel giảm gần 40% trong vòng 5 năm qua khi những nhà đầu tư lớn như Fidelity Investments, T. Rowe Price (TROW), HSBC Holdings (HBC), và BlackRock (BLK) rút bớt vốn đầu tư.
Những nhà đầu tư trên lo lắng cũng phải bởi báo cáo doanh thu quý đầu năm 2009 của Intel (công bố 14/4) cho thấy lợi nhuận thuần của hãng giảm tới 55%. Bản thân Otellini cũng từng nhìn nhận quý 1 vừa qua là thời điểm đáy của thị trường PC toàn cầu, đồng thời từ chối đưa ra dự đoán về doanh thu trong năm nay.
Câu hỏi của các nhà đầu tư cũng giống như câu hỏi của ban giám đốc hãng này đặt ra, đó là liệu Intel có tiếp tục dẫn đầu ngành công nghiệp chế tạo chip như trong quá khứ hay không. Trong nhiều thập kỷ qua, Intel đã đổ hàng tỉ USD vào các nhà máy sản xuất để cải tiến, nâng cấp và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm chip. Tâm lý khách hàng luôn muốn sử dụng những con chip mới nhất ngay sau khi chúng ra mắt. Điều này giúp Intel có thể lợi nhuận hóa tối đa các dòng sản phẩm của mình và tái đầu tư cho dây chuyền sản xuất hiện đại của mình.
Tuy nhiên, xu thế hiện tại là khách hàng không còn quá chú tâm vào tốc độ chip nữa, bởi chúng đã đủ nhanh, và quá đủ cho những nhu cầu sử dụng thông thường. Cùng lúc sản lượng PC toàn cầu chậm lại khiến Intel cũng gặp bao sóng gió. Doanh thu năm ngoái của gã khổng lồ này là 37,6 tỉ USD, bằng với mức doanh thu năm 2005. Lợi nhuận thuần năm ngoái của Intel là 5,3 tỉ USD, thấp hơn 40% so với 4 năm trước đây. Trước thực tế đó, các nhà đầu tư đã công khai yêu cầu Intel phải xem xét lại chiến lược phát triển của mình, cụ thể là giảm bớt mức đầu tư xây dựng nhà máy và nâng cấp dây chuyền sản xuất chip.
Trong khi đó, ông chủ của Intel là Otellini lại không quan tâm nhiều về sự đi xuống này. Ông chỉ quan tâm tới việc thúc đẩy doanh số sản phẩm trong các ngành kinh doanh chính của Intel. Otellini cũng nhìn thấy cơ hội hứa hẹn trong việc đa dạng hóa dòng chip mới có tên Atom của hãng này – dành cho các sản phẩm cầm tay có khả năng truy cập web và thực hiện các chức năng cơ bản của một chiếc laptop. Những loại hình kinh doanh kiểu này có thể mang lại cho Intel khoảng 10 tỉ USD trong năm 2011. “Atom là sản phẩm cơ bản giúp khai thác tốt nhất công nghệ của chúng tôi trong việc tiếp cận thị trường mới”, phát biểu của Otellini.
Cạnh tranh gay gắt
Rất nhiều các nhà đầu tư lớn hoài nghi về chiếc “bánh vẽ” của Intel bởi trước đây hãng này cũng từng có “truyền thống” thay đổi kế hoạch như chong chóng. Cuối những năm 90, Intel đã chi hàng chục tỉ USD để tiếp cận thị trường mới trong thời kỳ đầu của “dot-com”, nhưng rốt cuộc chỉ thu lại một phần đầu tư nhỏ. Sau đó, vào cuối năm 2003, Intel lại đánh mất khá nhiều thị phần chip máy chủ doanh nghiệp vào tay đối thủ AMD. AMD đã đi trước Intel 2 năm trong lĩnh vực này, và chủ yếu tại các thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực đang phát triển khác.
Ngày nay Intel đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra. Trong khi đó, các tên tuổi khác có cùng lĩnh vực kinh doanh như Qualcomm, Texas Instruments, và Nvidia lại đang lớn mạnh và đe dọa vị thế độc quyền của Intel. Sự lớn mạnh của những tên tuổi này sẽ giúp tạo ra nhiều loại hình thiết bị điện toán di động mới, từ điện thoại cao cấp tới những chiếc netbook giá rẻ cung cấp cho các thị trường mới nổi. IDC dự đoán thị trường này sẽ có quy mô lớn gấp đôi so với thị trường PC truyền thống hiện nay.
Qualcomm và một số hãng khác đang sử dụng kiến trúc chip cạnh tranh của một công ty có tên là ARM Holdings. Không giống chip Intel, nền tảng chip này có thể chạy thông suốt mà không tiêu tốn pin của thiết bị. ARM Holdings cũng đang hướng tới việc thỏa thuận với Microsoft và một số hãng phần mềm khác để viết những ứng dụng thân thiện cho khách hàng trước khi Intel giành mất thị trường này. Nếu Intel không đầu tư mạnh cho Atom, mà cụ thể là rút bớt mức tiêu thụ năng lượng của con chip này thì rất có thể sẽ đuối hơi trong cuộc chạy đua với các hãng đối thủ khác.
Theo VnMedia
Bình luận