Ảnh: Reuters.

Facebook nở rộ ở Ấn Độ, lượng người sử dụng YouTube tăng nhanh ở Việt Nam… Nhưng đây không hẳn là một tin tốt lành vì một số công ty Internet còn định ngừng cấp dịch vụ do nguồn lợi quá bé nhỏ tại những nước này.

Niềm hoan hỉ khi các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đang dần mất đi, thay vào đó là thực tại trần trụi rằng các quốc gia đang phát triển chính là nơi hoạt động tốn kém nhất do băng thông hạn chế nên nhà cung cấp phải đầu tư thêm máy chủ để đảm bảo nội dung thông suốt. Nhưng tại đó, quảng cáo hiếm khi đạt kết quả khả quan.

Nghịch lý này đang trở thành gánh nặng cho nhiều mạng xã hội, site chia sẻ ảnh và video. Năm ngoái, Veoh, dịch vụ video trực tuyến ở San Diego (Mỹ), quyết định không cung cấp nội dung cho người sử dụng châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và Đông Âu trước sự chênh lệch quá lớn giữa lợi nhuận và chi phí truyền tải dữ liệu.

"Tôi tin vào một nền truyền thông mở và miễn phí", Dmitry Shapiro, Giám đốc của Veoh, giải thích. "Nhưng họ (người dùng ở các nước đang phát triển) dường như quá khát thông tin. Họ chỉ xem, xem và xem. Họ tiêu tốn quá nhiều băng thông mà chúng tôi lại không thu được lợi gì từ việc đó".

Các công ty Internet trong kỷ nguyên Web 2.0 từng quan niệm rằng: Cứ mở rộng lượng độc giả toàn cầu càng lớn càng tốt bằng cách mang đến những dịch vụ miễn phí và sẽ bù lại bằng doanh thu quảng cáo. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra một thực tế cay đắng rằng trong số 1,6 tỷ người có khả năng tiếp cận Internet, chưa tới một nửa có thu nhập đủ hấp dẫn các nhà quảng cáo.

Có lẽ không công ty nào cảm nhận nghịch cảnh này rõ hơn YouTube. Họ được cho là sẽ lỗ khoảng 470 triệu USD trong năm nay một phần vì phí truyền tải hàng tỷ video mỗi tháng quá cao. Google phản bác dự đoán trên nhưng từ chối tiết lộ tình hình tài chính của site.

"Băng thông ở châu Á và Trung Đông rất đắt nhưng quảng cáo lại chẳng đáng là bao", Michelangelo Volpi, Giám đốc website chia sẻ video Joost với nửa số khán giả nằm ngoài nước Mỹ, cho hay. "Nếu các công ty web thực sự muốn kiếm tiền, họ sẽ ngừng hoạt động ở tất cả những nước này".

Hiếm có nhà cung cấp nào đưa ra quyết định "khắc nghiệt" như trên nhưng nhiều công ty đang tìm cách tăng thu giảm chi ở quốc gia đang phát triển, như MySpace, mạng xã hội thu hút 130 triệu thành viên, đang thử nghiệm phiên bản rút gọn mang tên Profile Lite đòi hỏi ít băng thông hơn.

Tom Pickett, Giám đốc kinh doanh trực tuyến tại YouTube, cho biết họ vẫn cung cấp video cho toàn thế giới nhưng hạn chế mở các cổng quốc tế mới và tập trung hơn vào việc kiếm tiền. Facebook cũng đang xem xét kế hoạch giảm chất lượng video và ảnh được truyền đến một số khu vực trên thế giới.

"Chúng tôi sẽ quyết định dựa trên tình hình mỗi nước hoặc trên nhu cầu của người dùng để kiểm soát chất lượng dịch vụ", Jonathan Heiliger tại Facebook cho hay. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng vì 70% trong số 200 triệu thành viên của họ sống bên ngoài nước Mỹ và công ty đang phải gồng mình lưu trữ 850 triệu ảnh và 8 triệu video được đăng lên site mỗi tháng.

Còn những doanh nhân như Shapiro của Veoh vẫn đang trăn trở liệu thu hẹp nhóm người sử dụng có phải quyết định khôn ngoan hay không. "Một nửa trong tôi nói điều đó thật bất công, không nên làm như thế, nhưng nửa kia với góc nhìn kinh tế lại cho rằng phục vụ video cho cả thế giới là không phù hợp trong thời điểm này", Shapiro chia sẻ.

(theo Vnexpress/NY Times)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Một trang web có thể phát triển theo chiều rộng hoặc chiều sâu. Lí do phát triển theo chiều rộng bị "hắt hủi" là vì kinh tế đang khủng hoảng, người ta không thích bỏ quá nhiều tiền ra mà 1-2 năm chưa có lợi nhuận.

Nhưng VN vẫn có nhiều công dịch vụ vẫn đang cố gắng phát triển rộng (điển hình như Zing), vì thị trường đang còn mới, nên khi có nền tảng người dùng thì dễ thu lợi sau này.