Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT tin rằng Việt Nam có thể trở thành nước mạnh về CNTT trong khoảng năm 2015-2020 hoặc sau đó một hai năm.
Trung tuần tháng 3/2009, trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng Công ty viễn thông Quân đội (Viettel), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Báo BĐVN đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia (nhiệm kỳ 2009-2013), Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia CNTT về những vấn đề xung quanh chủ trương lớn này.
Là người đã nhiều năm gắn bó với lĩnh vực CNTT, ông có thể cho biết khái niệm “nước mạnh về CNTT” bao gồm những nội dung gì?
Có thể nói, “nước mạnh về CNTT” là nước đã có sự chuyển biến, phát triển nhảy vọt sang xã hội lấy thông tin làm nền tảng. Mặt khác, “nước mạnh về CNTT” cũng đồng nghĩa với một quốc gia mà tất cả mọi lĩnh vực đều dựa vào CNTT để phát triển, ví dụ như CN sinh học, CN gia công chính xác trong chế tạo máy, CN vật liệu mới, CN vũ trụ, CN tự động hoá, CN năng lượng mới… phải nhờ tới sự hỗ trợ của CNTT. CNTT thực chất là một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng cũng đóng vai trò là cơ sở hạ tầng cho các ngành khác phát triển nên phải đi trước. Có thể khái quát nước mạnh về CNTT thì cần có 4 điểm cơ bản sau:
Một là, phải có một mạng lưới cơ sở hạ tầng CNTT-TT hiện đại, có chất lượng cao về mọi chỉ số và thể hiện sự hội tụ của các dịch vụ: viễn thông, Internet, phát thanh - truyền hình... trên mạng lưới đó. Đồng thời, phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo thông suốt mọi lúc mọi nơi với chất lượng cao, đủ sức cung cấp cho xã hội mọi loại thông tin cần thiết, phục vụ cho quản lý, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo và nhiều ngành kinh tế xã hội khác, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Hai là, ứng dụng một cách hiệu quả CNTT không những chỉ phục vụ đời sống mà phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực về KH&CN, nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, nâng cao tính chất quản lý hiện đại thông qua ứng dụng CNTT.
Ba là, phải có sự phát triển mạnh của công nghiệp CNTT, trong đó quan trọng là phải sáng tạo ra công nghệ, tạo ra được những sản phẩm độc lập của mình, không sao chép, không lắp ráp đơn giản như hiện nay.
Bốn là, vấn đề đào tạo nhân lực. Nhân lực ở đây không phải chỉ dành cho giới CNTT mà muốn nói đến dân trí, sự hiểu biết CNTT của toàn dân, khả năng biến CNTT thành công cụ cho mọi hoạt động của con người.
Vậy bao giờ Việt Nam có thể trở thành “nước mạnh về CNTT”, thưa ông?
Khi còn là Bộ trưởng Bộ BC-VT, tôi đã có đề xuất là giai đoạn 2010 - 2020, chúng ta thực hiện chiến lược “cất cánh”, trong đó xác định khoảng năm 2015 Việt Nam cơ bản là một nước mạnh về CNTT. Tôi cho rằng, thời điểm chúng ta “sánh vai” được với những nước mạnh về CNTT trong khu vực và thế giới chắc nằm trong khoảng 2015-2020, hoặc có thể chậm hơn 1 vài năm. Điều này còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu GDP còn khiêm tốn mà tiêu quá nhiều cho CNTT-TT cũng không hẳn là hay. Cần phải làm sao để CNTT có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP, làm sao để chỉ một tỷ lệ nhỏ đầu tư cho CNTT mà có thể đạt tỷ lệ lớn về tăng trưởng GDP.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, ông có thể cho biết để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, chúng ta cần phải làm gì?
Tôi cho rằng trách nhiệm chính trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trước hết thuộc về Bộ TT&TT. Bộ cần căn cứ trên các bộ tiêu chí của những nước mạnh về CNTT như: Canada, Mỹ, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc... để xây dựng đề án. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù phát triển thế nào cũng phải gắn với đặc thù của Việt Nam. Dự thảo đề án đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về CNTT cần có những cái đích theo kịp với thế giới nhưng cũng phải có những cái đích phù hợp với văn hóa, truyền thống, môi trường của Việt Nam.
Với Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, trong chương trình công tác từ nay đến 2013, chúng tôi cũng xác định nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chính sách để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT là một trong những trọng tâm công tác. Thời gian tới, Hội đồng sẽ tổ chức hội thảo tập trung vào các nội dung, lĩnh vực chuyên sâu nhằm tập hợp ý kiến của những chuyên gia. Thậm chí, các thành viên trong Hội đồng có thể đi thực tế để nghe các địa phương, đơn vị, DN “kêu” thế nào về cơ chế, chính sách để tư vấn lên Thủ tướng.
Theo tôi, để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT, riêng về mặt cơ chế chính sách, chúng ta cần nghiên cứu để trả lời hàng loạt câu hỏi như: làm thế nào để các DN hăng hái đầu tư cho CNTT? Muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì cần có những cơ chế tài chính như thế nào cho việc nghiên cứu phần mềm, giải pháp ứng dụng? Cần có chính sách gì để khuyến khích các DN tham gia phát triển dịch vụ CNTT, biến nó thành một ngành công nghiệp thực sự? Có chính sách, cơ chế ưu đãi như thế nào cho việc phát triển, sáng tạo sản phẩm công nghiệp CNTT? Làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho CNTT?...
Hướng tới thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT, theo ông, chúng ta cần chú trọng phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nào?
Như tôi đã đề cập, nước mạnh về CNTT bao gồm 4 mảng chính: tạo cơ sở hạ tầng CNTT (hạ tầng mạng và hạ tầng cơ sở dữ liệu cùng các nội dung trên đó), đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp CNTT. Đã trở thành nước mạnh về CNTT thì một phần hết sức quan trọng, không thể thiếu là nước đó phải có sản xuất, sáng tạo về CNTT. Vì vậy, phát triển công nghiệp CNTT được coi là nội dung trọng tâm trong nhiệm vụ đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT. Trong công nghiệp CNTT, cần nhấn mạnh CN phần mềm và sắp tới CN phần mềm sẽ được xây dựng như một ngành trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng đến công nghiệp dịch vụ CNTT, ví dụ các trường học muốn quản lý học sinh bằng công cụ IT, không nhất thiết trường nào cũng phải có bộ phận làm CNTT mà có thể “thuê ngoài” để tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Theo ông, để công nghiệp phần mềm phát triển mạnh thì các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần phải làm gì?
Qua nghiên cứu, từ kinh nghiệm của một số nước như: Ấn Độ, Trung Quốc... có thể thấy rằng các doanh nghiệp phần mềm của chúng ta cần chú trọng, đẩy mạnh việc gia công phần mềm, xuất khẩu phần mềm nhưng tránh “bỏ” thị trường nội địa. Đơn cử như, các doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ đã rất thành công trong việc “chạy” ra nước ngoài làm, trong khi đó thị trường trong nước đã bị các doanh nghiệp nước ngoài “nhảy” vào khai thác. Và trong giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay, nhiều công ty phần mềm Ấn Độ trở gặp nhiều khó khăn và bị canh tranh quyết liệt khi muốn quay về khai thác thị trường trong nước. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam cần lấy đó làm bài học.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, xuất khẩu vẫn là mục tiêu mà ngành phần mềm Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh. Không có phần mềm xuất khẩu, coi như không có tên trên bản đồ CNTT.
Vấn đề quan trọng nhất trong việc thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh CNTT là gì, thưa ông?
Chúng ta đã nói nhiều đến nhận thức nhưng đến giờ tôi vẫn muốn nhấn mạnh vấn đề nhận thức. Đồng thời, cần có những bước đi bài bản hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, cả nhân lực ngành CNTT nói riêng và nhân lực sử dụng, ứng dụng CNTT nói chung. Tôi cho rằng cần có một phong trào toàn dân học tập về CNTT.
Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia (nhiệm kỳ 2009-2013), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ TT&TT đã có kế hoạch xây dựng bộ chỉ tiêu định nghĩa thế nào là nước mạnh về CNTT. Hiện nay có rất nhiều chỉ tiêu khác nhau về CNTT, tuy nhiên vẫn còn chưa có một hệ thống chỉ tiêu được nhiều người thừa nhận. Dự kiến trong quý II hoặc quý III/2009, sẽ hoàn thiện dự thảo để đưa ra lấy ý kiến. Khi xác định được 1 bộ chỉ tiêu rõ ràng thế nào là nước mạnh về CNTT thì sẽ có cơ sở để có các cơ chế, chính sách kèm theo nó nhằm nâng các chỉ tiêu này lên, hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNTT, phần nào đáp ứng sự mong đợi của xã hội và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.
Theo ICTnews
Bình luận