Lâu nay người ta vẫn nghe về những cụm từ kiểu như “máy tính xanh”, “thiết bị công nghệ xanh”…, vậy dựa vào đâu để một chiếc laptop được xếp hạng "xanh", và có những tiêu chí nào để đánh giá chỉ số xếp hạng này?

Bài viết này chỉ đề cập tới khái niệm “laptop xanh” - một trong những sản phẩm được ưu chuộng nhất hiện nay, và được xem là xu hướng thiết kế laptop trong tương lai.

Khi cầm trên tay một chiếc laptop có chứng nhận “xanh”, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc bạn đã mua một sản phẩm quan trọng, đắt tiền, và bản thân bạn có ý thức rất cao về môi trường. Nhưng liệu đằng sau những chứng nhận tưởng chừng như thời thượng đó, các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm liệu có quảng cáo quá đáng và “bịt mắt” người dùng hay không?

Những chiếc laptop an toàn với môi trường được Hội đồng điện tử xanh (GEC) chứng nhận bằng tem EPEAT (Công cụ đánh giá yếu tố môi trường sản phẩm điện tử - Electronic Product Environmental Assessment Tool). Công cụ này sẽ giúp phân loại laptop dựa trên tác động về môi trường, vật liệu chế tạo, đóng gói, tiêu thụ điện năng và nhiều tiêu chí khác. Tùy thuộc vào số tiêu chí mà GEC sẽ đưa ra các chứng nhận EPEAT Vàng, Bạc hoặc Đồng.

Tất cả mọi thứ từ cách thức chế tạo, đóng gói laptop… đều ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu chí đánh giá “xanh” của laptop. Dưới đây là 5 nhân tố mà GEC dựa trên đó để đưa ra chứng nhận “xanh” EPEAT cho laptop.

Tiêu thụ ít năng lượng

Tiêu chí này sẽ do tổ chức Energy Star phụ trách, theo đó đưa ra các xếp loại sản phẩm dựa trên mức tiết kiệm điện năng, cụ thể là đánh giá laptop dựa trên mức tiêu thụ năng lượng. Cách thức và hiệu quả quản lý năng lượng của laptop sẽ được đánh giá ở 3 chế độ: chờ, ngủ và sử dụng. Một số chủng loại laptop cao cấp hiện nay đã chuyển sang sử dụng đèn màn hình LED để tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa. Màn hình LED có mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, ít hơn 30% so với các loại màn hình LCD truyền thống. Những chiếc laptop được Energy Star chứng nhận phải có cả bộ nguồn đảm bảo yếu tố tiết kiệm năng lượng. Người dùng có thể sử dụng công cụ tìm kiếm của Energy Star tại địa chỉ www.energystar.gov để tìm những chủng loại laptop (theo thương hiệu và tên) được tổ chức này chứng nhận.

Không sử dụng các chất liệu nhạy cảm

Các chất liệu sử dụng trong quy trình chế tạo laptop là nhân tố quan trọng để đánh giá mức độ “xanh hóa” của sản phẩm này. EPEAT thường lấy tiêu chuẩn RoHS (Restriction of Hazardous Substances Directive) của châu Âu để đánh giá các chất độc hại trong thiết bị điện tử. Những chất liệu nguy hiểm với môi trường như cátmi, thủy ngân, chì, crom hóa trị 6, chất chống cháy, chất làm dẻo và PVC đều không được khuyến nghị sử dụng. Ngoài ra, pin của laptop phải là loại không chì, không cátmi và không chứa thủy ngân. 

Vòng đời sản phẩm dài hơn

Nếu bạn mua một chiếc laptop có các thành phần đã quá bảo hành 6 tháng thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang sử dụng một chiếc laptop “rác thải”. EPEAT thường phân loại mức độ nâng cấp các phần của laptop, chẳng hạn như RAM và ổ cứng, dựa trên yếu tố dễ hay khó. Nếu người dùng có thể tự mình nâng cấp những thành phần của laptop mà không cần tới sự trợ giúp chuyên nghiệp thì mức độ nâng cấp của laptop được xếp ở mức dễ, và ngược lại. GEC thường đưa ra yêu cầu các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ phải tăng thời gian bảo hành thêm cho laptop lên khoảng 3 năm.

Đóng gói thân thiện

Không chỉ vật liệu chế tạo laptop mới quyết định mức độ “xanh hóa” của sản phẩm, mà quy trình đóng gói cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Nếu chất liệu chế tạo laptop phải là loại không chì, không thủy ngân, không cátmi…, thì bao bì đóng gói cũng phải đảm bảo các yêu cầu tương tự. Chuẩn EPEAT chỉ ra rằng các kim loại nặng không được sử dụng trong bao bì đóng gói sản phẩm. Rất nhiều nhà sản xuất, trong đó có Apple và HP đã bắt đầu sử dụng những vật liệu tái chế để đóng gói laptop, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa giúp bảo vệ môi trường.

"Thân thiện" ngay cả khi bị phân hủy

Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng mỗi năm chỉ riêng người Mỹ đã thải ra bãi rác khoảng 19 nghìn tấn laptop. Cách thức tiêu hủy và tái chế laptop cũng được EPEAT đưa vào tiêu chí đánh giá vòng đời cuối cùng của sản phẩm. EPEAT yêu cầu các nhà sản xuất laptop phải cung cấp cả lựa chọn mua lại “rác thải” laptop hoặc tái chế sản phẩm đã qua sử dụng. EPEAT cũng đưa các yêu cầu tương tự đối với pin laptop. Những chiếc laptop “xanh nhất” đều phải đảm bảo các tiêu chí phân hủy và tái chế rất chặt chẽ.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)