Windows 7 vẫn được Microsoft quảng cáo là có khả năng chạy tốt trên netbook. Tuy nhiên gần đây, ngay sau khi giới thiệu ứng dụng mới rất hấp dẫn là môi trường ảo hoá XP Mode, hãng đã phải lên tiếng thừa nhận, có thể nó sẽ không làm việc được trên netbook hay các máy đời cũ.

XP Mode - hi vọng nhiều, thất vọng… lớn!

Đây sẽ là “tin dữ” làm nản lòng những khách hàng có hầu bao eo hẹp cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Bởi để sử dụng được công nghệ ảo hoá trên Windows 7 RC, máy phải có cấu hình khá cao: RAM 2GB, sử dụng phiên bản Windows 7 Professional, Enterprise hoặc Ultimate editions và yêu cầu đáng quan ngại nhất là CPU phải hỗ trợ công nghệ ảo hoá.

Vấn đề nằm ở khả năng hỗ trợ của thiết bị

Giá của RAM không quá đắt và một số hãng sản xuất như HP cũng đã thử nghiệm thành công Windows 7 trên netbook. Tuy nhiên, vấn đề của hầu hết các model netbook hiện nay trên thị trường là chúng đều sử dụng vi xử lý Atom N270 của Intel, vốn thiếu khả năng hỗ trợ công nghệ ảo hoá. Ngay cả thế hệ vi xử lý tiếp theo N280 mới được phát hành gần đây cũng gặp phải hạn chế tương tự.

Thiếu khả năng hỗ trợ ảo hoá phần cứng còn là vấn đề của hàng loạt CPU dòng Atom dành cho nettop, ngay cả Atom 230 và Atom Dual-core 330.

Trong khi hàng loạt thành viên của dòng Z5 Atom (trước đây được biết đến với tên gọi Silverthorne) hỗ trợ tốt công nghệ ảo hoá, chúng lại chỉ mới được sử dụng trên các thiết bị siêu động như MID. Netbook tích hợp Z5 Atom vẫn còn bỏ ngỏ.

Jeff Price, giám đốc quản lý sản phẩm của Windows thừa nhận: thiếu khả năng hỗ trợ ảo hoá phần cứng cũng chính là chướng ngại cản trở hàng loạt model netbook và PC sản xuất gần đây có thể sử dụng được XP Mode.

Hơn 3 năm nay, cả Intel và Advanced Micro Devices (AMD) đều đã đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm mới hỗ trợ công nghệ ảo hoá tích hợp. Phiên bản của AMD là AMD-V, trước đó vốn có tên mã Pacifica.

Trong khi đó, hàng loạt dòng vi xử lý còn lại của Intel như Celeron, Pentium Dual-Core và Pentium M, thậm chí là một số model thuộc dòng Pentium D and Core và Core 2 thiếu khả năng hỗ trợ công nghệ hiện đại này. Sempron và các thế hệ Athlon 64 cũ của AMD cũng không sáng sủa gì hơn.

Giải pháp nào?

Ảnh
Kết quả kiểm tra khả năng hỗ trợ công nghệ ảo hoá nhờ vào SecurAble

Để kiểm tra xem liệu hệ thống của mình có hỗ trợ công nghệ ảo hoá phần cứng hay không, người dùng có thể sử dụng tiện ích miễn phí có tên SecurAble tải về tại http://www.grc.com/securable.htm

Tuy nhiên, trong trường hợp “thất bại” với XP Mode, người dùng vẫn có thể chạy Windows XP ảo nhờ vào phần mềm miễn phí tạo môi trường ảo hoá quen thuộc do chính Microsoft giới thiệu Virtual PC 2007. Tất nhiên, khả năng thực thi của XP ảo sẽ không nhanh bằng XP Mode, nhưng có thể đó sẽ là lựa chọn cuối cùng.

Có một vấn đề khác nảy sinh đó là giá cả. Khi cài Windows XP trên Virtual PC, người dùng buộc phải cung cấp một mã kích hoạt bản quyền XP riêng. Trong khi đó, sử dụng XP Mode trên Windows 7 là không bắt buộc.

Nếu như sử dụng Virtual PC không mang lại hiệu quả, người dùng có thể nhờ tới tính năng “compatibility mode" của Windows 7, vốn có trong cả XP, Vista nhằm để giả lập Windows trở lại thời Windows 95!

“Sử dụng công cụ hỗ trợ tương thích giữa các phiên bản Windows tích hợp sẵn trên hệ điều hành có thể là giải pháp nhanh gọn hơn so với Virtual PC hay XP Mode, tuy nhiên, giải pháp giả lập này rất khó tránh khỏi các lỗi phát sinh.”, Jeff Price cho hay.

(Theo Tuổi trẻ online/Computerworld)



Bình luận

  • TTCN (0)