Việc bảo vệ BQPM chỉ đơn giản là thanh tra và xử phạt. Ảnh thanh tra BQPM tại công ty Kumho Asiana Plaza Saigon (Hàn Quốc) vào 15-10-2008

Các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định việc bảo vệ bản quyền phần mềm (BQPM) sẽ không tới đâu nếu không có biện pháp làm người mua dễ dàng tiếp cận hơn với phần mềm.

Quản lý bản quyền phần mềm: Một là đủ

Lễ trao giải Sao Khuê 2009 tổ chức hôm 24-4 vừa qua tại Hà Nội vinh danh các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng phần mềm có bản quyền không thấy bóng dáng đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan đang thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất nhằm trừng trị nạn vi phạm bản quyền phần mềm. Đây không phải là điều mới mẻ đối với các sự kiện phần mềm, công nghệ thông tin lớn của Việt Nam từ trước đến nay nhưng rõ ràng, hoặc các doanh nghiệp phần mềm không để ý đến người đang bảo vệ bản quyền phần mềm cho mình hoặc mối quan hệ giữa ngành phần mềm và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn quá lỏng lẻo.

Năm nay, Sao Khuê 2009 lần đầu tiên được trao cho các doanh nghiệp tiêu biểu về sử dụng phần mềm có bản quyền. Một số “Sao Khuê” tỏ ra ngạc nhiên về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt về vi phạm bản quyền phần mềm. Có “Sao Khuê” từ chối bình luận cơ quan nào thực thi chống vi phạm bản quyền hợp lý hơn nhưng đều cho rằng chỉ một cơ quan là đủ.

Ông Trần Nguyên Sơn, Giám đốc CNTT của Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), “Sao Khuê” tiêu biểu về sử dụng phần mềm bản quyền cho rằng các doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT ở mức cao sẽ tự động tuân thủ BQPM không cần chờ đến sức ép của cơ quan thanh tra. Ông Sơn nói, mỗi năm Vinamilk đầu tư khoảng 1 triệu USD cho bản quyền phần mềm nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và có được sự hỗ trợ tốt nhất từ các nhà sản xuất.

Cũng đồng tình với quan điểm trên của các “Sao Khuê” tiêu biểu về sử dụng phần mềm có bản quyền, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT cho rằng thanh tra BQPM nên có một đầu mối là cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông. “Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông là thanh tra chuyên ngành. Còn nếu tranh chấp quyền tác giả thì mới cần đến sự tham gia của thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, việc thanh tra BQPM, sử dụng phần mềm nên được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Ngọc nói.

Chỉ thanh tra vi phạm sẽ như “ném đá ao bèo”

Đối với luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng luật Thành và Công (Hà Nội) cơ quan chức năng nào thanh tra, xử phạt vi phạm về BQPM không quan trọng bằng việc cân đối với điều kiện Việt Nam là nước sử dụng phần mềm là chính. 

Cũng đồng tình với ý kiến ông Thành, đại diện một nhà phân phối máy tính (không muốn nêu tên) cho rằng nếu chỉ thanh tra, xử phạt mà không có chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận phần mềm thì như “ném đá ao bèo”. Hiện nay, giá một bộ phần mềm Windows và Office phổ biến nhất là khoảng 500 USD - một mức giá vượt quá rất nhiều khả năng của người dân Việt Nam với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 1.024 USD. 

Còn ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc CNTT của Công ty Đại Đồng Tiến – “Sao Khuê” giải doanh nghiệp tiêu biểu về sử dụng phần mềm bản quyền - cho rằng thanh tra không phải là cách để giảm vi phạm BQPM. “Cách tốt hơn để chống vi phạm bản quyền là tăng cường tuyên truyền để người dùng biết về phần mềm và hỗ trợ ngân sách để cho phần mềm có chi phí thấp hơn với người dùng”, ông Sơn nói.

Tương tự, theo ông Quách Tuấn Ngọc, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể thực hiện việc thanh tra về BQPM một cách quyết liệt được bởi chính các cơ quan Nhà nước, các cơ quan hành pháp cũng có khi vi phạm. Ông Ngọc nói “đây không phải là cổ vũ cho việc vi phạm bản quyền nhưng là thực tế. Việc giảm tỉ lệ vi phạm BQPM cũng phải thực hiện có lộ trình, cũng giống như chiếc máy bay muốn cất cánh cũng không thể “vụt” một cái là lên”.

Ông Ngọc cho rằng giải pháp hữu hiệu hiện nay là cần tăng cường sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Vào thời điểm này, Open Office 3 là phần mềm mã nguồn mở rất tốt. Ngành giáo dục cũng sẽ dần dần làm cho học sinh “ngấm” rằng không nên quá phụ thuộc vào Window, Microsoft, phải chuyển sang sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Vì vậy, năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) được Chính phủ giao nhiệm vụ đàm phán với Microsoft để mua bản quyền phần mềm cung cấp cho hệ thống cơ quan công quyền.

(Theo tuổi trẻ online/ICTNews)



Bình luận

  • TTCN (0)