“Google còn hiểu rõ về bạn hơn cả mẹ đẻ của bạn”. Đó là câu mà nhiều chuyên gia phân tích ngày nay đều muốn nói với người dịch vụ tìm kiếm Internet nổi tiếng này.

Biết những gì?

Nếu câu nói này được đưa ra một vài năm trước đây thì có nói nó sẽ bị người dùng Google phản đối mạnh mẽ. Nhưng ngày nay khi mà Google ngày càng “bành trướng” với nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn thì người dùng đã phải ngồi lại để cân nhắc trước khi có phản ứng đối với câu nói trên đây.

Sở dĩ các chuyên gia phân tích phải đưa ra “cảnh báo” trên đây bởi thực tế này hiện đang gây ra rất nhiều lo ngại về vấn đề bảo vệ tính riêng tư người dùng trên thế giới mạng Internet.

Và Google chỉ là cái tên được lấy ra làm đại diện mà thôi đơn giản vì hãng này quá nổi tiếng và có quá đông khách hàng sử dụng dịch vụ. Nếu bạn sử dụng công cụ tìm kiếm của Google thì Google sẽ biết bạn thường tìm kiếm những gì. Hay nếu bạn truy cập vào website của đối tác nào đó có sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google thì Google sẽ biết bạn đã thao tác những gì trên trang web đó. Còn nếu bạn sử dụng trình duyệt Chrome mới ra mắt của Google thì Google sẽ biết được tất cả những website mà bạn đã truy cập.

Google còn có trong tay email của bạn nếu bạn sử dụng Gmail, lịch hẹn làm việc nếu bạn sử dụng Google Calendar, và thậm chí là cả chỗ gần đây nhất của bạn nếu bạn có dùng dịch vụ Google Latitude. Hãng này còn biết bạn đã xem những gì trên YouTube hay biết bạn đã gọi cho ai – thậm chí toàn bộ lời thoại cuộc gọi – nếu bạn sử dụng Google Voice.

Và nếu bạn có một album ảnh nào đó trên dịch vụ Picasa Web Albums thì chỉ cần ứng dụng một công nghệ nhận dạng gương mặt là Google đã có thể biết được gương mặt bạn cũng như những người bạn khác của bạn qua những bức ảnh có trong album.

Còn nữa nếu bạn có sử dụng Google Books thì Google còn có thể biết được cả sở thích đọc của bạn, khoảng thời gian mỗi ngày mà bạn thường dành cho việc đọc cũng như những gì mà bạn đã ghi lại trên trang web dịch vụ này.

Cái gốc của lo ngại

Nói vậy chứ thực tế Google không biết bất kỳ cái gì về bạn cả đâu. Nói nghe có vẻ hơi mâu thuẫn chứ thực tế Google đâu có đủ thời gian để tìm hiểu sâu về bạn như thế được. Cái mà Google có được chính là một cơ sở dữ liệu khổng lồ về bạn cũng như những hoạt động trên thế giới mạng Internet của bạn – từ những nội dung mà bạn đã tạo ra trong quá trình tìm kiếm cho đến những website mà bạn đã truy cập đến và những quảng cáo nào bạn đã nhắp chuột vào.

Có thể nói Google đang mong đợi “người dùng tin tưởng vào hãng này là chính”.

Nguyên tắc ứng xử với thông tin cá nhân người dùng của Google rất rõ ràng: “Chúng tôi không bán những thông tin cá nhân người dùng. Chúng tôi không thu thập thông tin nếu không được sự cho phép của người dùng. Chúng tôi không sử dụng thông tin cá nhân người dùng phục vụ cho mục đích quảng cáo mà không được sự cho phép của người dùng”.

Nguyên nhân làm nảy sinh những lo ngại trong cộng đồng mạng đều bắt nguồn từ một gốc duy nhất. Đó là chuyện thuật ngữ “thông tin cá nhân” đến nay vẫn chưa có được một định nghĩa chung nhất. Mỗi người có vẻ như vẫn có một cách hiểu khác nhau.

Google không phải là công ty duy nhất theo đuổi mô hình kinh doanh như trên. Nói như tác giả cuốn sách “Google biết được bao nhiêu về bạn?” – Greg Conti, Giáo sư Học viện quân sự Mỹ West Point – thì: “Công cụ trực tuyến không hoàn toàn miễn phí. Cái giá mà chúng ta phải trả chính là thông tin cá nhân của chính chúng ta”.

Nắm trong tay một khối lượng thông tin cá nhân khổng lồ, những nội dung mà người dùng đã tạo ra, những hoạt động mà người dùng đã thực hiện khi bước lên thế giới mạng Internet … chính là nguyên nhân khiến Google “bị lôi ra làm bia đỡ đạn”.

Pam Dixon – Giám đốc điều hành World Privacy Forum – khẳng định: “Không một công ty nào trên thế giới có được một cơ sở dữ liệu khách hàng lớn như Google”.

Minh bạch hay không minh bạch

Một nguyên nhân nữa khiến Google “trở thành tấm bia đỡ đạn trước nòng súng của các nhà hoạt động bảo vệ tính riêng tư cá nhân người dùng” chính là chuyện hãng này chưa minh bạch hóa cách thức mà hãng này đã dùng để thu thập thông tin người dùng, cách thức chia sẻ sử dụng những thông tin này giữa các dịch vụ và đối tác quảng cáo của hãng này, cách thức bảo vệ những thông tin này trước “con mắt” của các nhân viên điều tra chính phủ cũng như việc thời gian những dữ liệu này được lưu trữ trên máy chủ của hãng, bao nhiêu lâu thì những dữ liệu đó sẽ được xóa hoàn toàn khỏi máy chủ của Google?

Ngoài ra Google cũng chưa hề giải thích rõ những quyền cơ bản của người dùng đối với những thông tin mà hãng đã thu thập. Tổng hợp tất cả những nguyên nhân này thì rõ ràng ai cũng thấy chuyện Google trở thành “bia đỡ đạn” là một điều tất yếu…

Nói vậy chứ việc không minh bạch trong chính sách không chỉ giới hạn ở riêng Google mà đang là một tình trạng rất phổ biến trên mạng Internet. Nó phổ biến đến mức mà gần đây Ủy ban thương mại liên bang Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ thắt chặt quản lý đối với kinh doanh trực tuyến nếu như ngành này không thể giải thích “rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và nhất quán” những thông tin được thu thập, cách thức sử dụng những thông tin này cũng như việc người dùng có thể làm gì để loại bỏ những thông tin mà họ không hề mong muốn bị thu thập.

Trong khi đó Google cho rằng thực tế những lo ngại về tính không minh bạch và lượng dữ liệu người dùng mà hãng này đã thu thập được đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Trái lại người dùng Google được cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết ngay trong dịch vụ mà họ sử dụng cũng như có đầy đủ quyền kiểm soát với những thông tin dữ liệu sẽ bị dịch vụ thu thập.

Nhưng trên thực tế dữ liệu mà Google thu thập được từ người dùng lại có cả “phần nổi” và “phần chìm”. Phần nổi là những dữ liệu do người dùng tạo ra – phần này thì người dùng có thể thấy và kiểm soát được – và dữ liệu nhật ký được lưu trên máy chủ của Google.

Có thể thấy phần dữ liệu nhật ký máy chủ là người dùng không thể nào tiếp cận và kiểm soát được. Dữ liệu này có thể bao gồm cookie trình duyệt, mã số nhận dạng PC, yêu cầu truy cập web, lịch sử tìm kiếm, địa chỉ IP … Cho đến nay Google vẫn từ chối cung cấp chi tiết về cấu trúc dữ liệu nhật ký máy chủ mà lúc nào cũng chỉ nói rằng hãng này liên tục duy trì một hệ thống dữ liệu nhật ký máy chủ duy nhất cho mọi dịch vụ.

Google tuyên bố hãng này sẽ không bao giờ cho phép truy cập đến nhật ký yêu cầu tìm kiếm cũng như các loại dữ liệu nhật ký máy chủ khác bởi những dữ liệu này gắn kết đến một trình duyệt hoặc một địa chỉ IP của một PC nhất định chứ không dính dáng gì đến tài khoản cá nhân Google nào hết. Nếu “mở cửa” những dữ liệu này thì sẽ gây ra rất vấn đề bảo vệ tính riêng tư cá nhân mà bản thân hãng này không có đủ năng lực để xử lý.

Mới đây Google đã công bố một thay đổi mới trong chính sách bảo vệ tính riêng tư người dùng nhằm giúp người dùng có thêm quyền kiểm soát đối với những dữ liệu mà họ đã tạo ra. Cụ thể, Google tuyên bố những dữ liệu này sẽ chỉ được lưu trên máy chủ của hãng tối đa là 14 ngày. Đối với Gmail có thể kéo dài lên tới 60 ngày.

Người dùng cũng có thể kiểm soát được những quảng cáo được hiển thị khi họ sử dụng các dịch vụ của Google bằng cách bổ sung hoặc loại bỏ những lĩnh vực quảng cáo được lưu trong Google Ads Preferences Manager hoặc loại bỏ Google Doubleclick Cookie.

Lãnh đạo Google tuyên bố người dùng không có gì phải lo lắng. Các dịch vụ ứng dụng đều chạy trên các máy chủ khác nhau. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định sẽ có sự chia sẻ dữ liệu giữa các dịch vụ khác nhau. Đa phần những sự chia sẻ này đều bắt nguồn từ phía người dùng là chính.

Ví dụ, người dùng Google Health có một cuộc hẹn đi khám bác sĩ thì chắc chắn họ sẽ muốn lịch hẹn này có trên Gmail và Google Calendar. Rõ ràng nhìn vào thì là do người dùng chủ động liên kết chia sẻ thông tin nhưng thực tế là nếu Google không cho phép thì họ sẽ không thể làm được điều đó. Có thể nói chính sách bảo vệ tính riêng tư do Google soạn ra nên có rất nhiều chỗ có lợi cho họ.

Có vẻ như Google đang mong đợi một điều rằng sự thiếu minh bạch trong chính sách bảo vệ tính riêng tư cá nhân người dùng sẽ được hãng này sử dụng để giúp họ tạo nên tính mạch bạch cho các dịch vụ.

Như ví dụ ở trên thì rõ ràng Google không hề tuân thủ quy định bảo vệ thông tin bí mật liên quan đến bác sĩ – bệnh nhân. Google tuyên bố không cho phép quảng cáo trên Google Health nhưng lại cho phép chia sẻ dữ liệu của dịch vụ này với các dịch vụ khác. Rõ ràng thông tin cá nhân người dùng Google Health vẫn đang được sử dụng ở chỗ khác.

Thay đổi phong cách

Mới đây Google đã quyết định thay đổi phương pháp và định hướng tiếp cận tìm hiểu người dùng nhằm tìm đúng đối tượng quảng cáo cho từng mặt hàng cụ thể. Quyết định này cũng đã ngay lập tức làm dấy lên rất nhiều lo ngại.

Cho đến tận gần đây Google vẫn đặt quảng cáo vào trong Gmail theo phương pháp “thụ động” phụ thuộc vào bối cảnh chủ đề email mà người dùng đang quyệt. Để tránh người dùng Gmail phải đối mặt với những quảng cáo nhạy cảm liên quan đến các chủ đề chủng tộc, tôn giáo, giới tính, sức khỏe, chính trị … hãng đã quyết định loại bỏ hoàn toàn những chủ đề này. Hình ảnh dưới đây sẽ minh họa rõ cách làm của Google.

Ảnh
Chủ đề của email về bệnh đường ruột thì quảng cáo cũng liên quan đến bệnh này.
Ảnh
Chủ đề email về thuốc điều trị AIDS nhưng quảng cáo không hề có liên quan. Chủ đề có tính nhạy cảm.

Có thể thấy kiểu cách quảng cáo này cần rất nhiều thông tin về người dùng. Chính vì thế mà Google đã quyết định từ bỏ phương pháp này.

Ngày 11/3 vừa qua Google chính thức công bố phương pháp “quảng cáo dựa trên sở thích của người dùng”. Điều này có nghĩa rằng Google giờ đây sẽ không cung cấp quảng cáo dựa trên bối cảnh chủ đề nữa mà dựa trên những thông tin hay website mà trước đó người dùng thường xuyên truy cập đến.

Thông tin liên quan đến lịch sử duyệt web của người dùng lại dính rất nhiều đến “cookie trình duyệt”. Mà “cookie trình duyệt” lại không chỉ chỉ rõ một người dùng cụ thể hoặc một loại trình duyệt cụ thể mà còn có thể khiến người dùng phải xem những quảng cáo của những người dùng khác nếu PC đang dùng là PC được dùng chung bởi nhiều người.

Điều này đồng nghĩa với việc Google đã sử dụng những dữ liệu mà người dùng không bao giờ được tiếp cận đến để phục vụ cho mục đích quảng cáo. Đáp lại lo ngại này lãnh đạo Google tuyên bố họ sẽ tìm mọi cách để tăng cường tính minh bạch.

Các nhà hoạt động bảo vệ tính riêng tư cá nhân người dùng lo ngại rằng “quảng cáo dựa trên sở thích người dùng” mới chỉ là bước đi đầu tiên của Google nhằm hướng tới một hình thức quảng cáo khác cao hơn có thể tận dụng hết mọi thông tin mà Google đã thu thập được về người dùng.

Song bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng Google cũng đã có những động thái cần thiết để giúp người dùng kiểm soát tốt hơn những thông tin mà họ cung cấp. Có thể kể đến ở đây là Privacy Center cùng một số công cụ giúp kiểm soát tốt hơn một số dịch vụ của Google mà họ có sử dụng.

Và Google không phải là hãng duy nhất mà hiện đang có rất nhiều hãng khác cũng đang tập trung hướng tới phát triển phương pháp quảng cáo theo sở thích của người dùng cũng như làm thế nào để tận dụng hết mọi “hiểu biết” về người dùng để cung cấp những quảng cáo phù hợp nhất với họ.

Hình thức quảng cáo này sẽ không thể được thay đổi nếu như người dùng không lên tiếng phản đối. Song có vẻ như người dùng sẽ không làm như thế bởi trong mắt họ hình thức quảng cáo này có vẻ thích thú hơn nhiều so với thư rác.

Nói gì đi chăng nữa thì vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân người dùng cần phải được thắt chặt. Song bên cạnh đó nói thẳng ra thì người dùng cũng cần phải “chấp nhận” một chút quảng cáo bởi phải để ngỏ cho những nhà cung cấp như Google “kiếm chút tiền” để trang trải những chi phí mà họ đã bỏ ra để vận hành và cung cấp những dịch vụ hoàn toàn miễn phí như hiện nay.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)