Nhờ vào sự kiên nhẫn, chút may mắn cùng với thói quen thường xuyên trau dồi kỹ năng, rất có thể bạn sẽ sở hữu những kiệt tác độc nhất vô nhị, phần thưởng quý giá nhất trong giới nhiếp ảnh

Chứng kiến những cảnh tượng vĩ đại của tự nhiên như sấm chớp là một trải nghiệm “đau tim”, chụp được những tấm hình để đời cảnh tượng ấy còn đặc biệt hơn nhiều. Nhưng để thỏa được ý nguyện này, bạn cần phải có một camera tốt, chọn vị trí chụp hình lý tưởng, cài đặt máy chính xác và có tay nghề xử lý hậu kỳ.

1. Chọn máy ảnh phù hợp
 

Để ghi lại hình ảnh những tia chớp lấp lóe, điều kiện đầu tiên là bạn phải có máy ảnh phù hợp cùng với những phụ kiện “khủng”. Chiếc SLR số là lựa chọn đáng giá cùng với một ống kính thu hình ở góc rộng. Lý do cần tới một chiếc SLR số đơn giản là bạn có thể dễ dàng thay đổi tiêu cự của máy, khẩu độ, tốc độ màn chập và thông số ISO. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng chế độ Bulb (cho phép mở ống kính lâu). Chế độ này rất thiết yếu một khi các nhiếp ảnh gia muốn ghi hình ánh sáng.

Nếu không có Bulb mode, bạn cần phải sử dụng tốc độ màn chập chậm nhất vốn cho phép thay đổi từ 8-60 giây. Những camera compact không có thông số cài đặt bằng tay này nên kém hiệu quả khi lựa chọn để chụp hình ánh chớp. Những bức hình được minh họa ở bài viết này được ghi lại với chiếc Nikon D80 SLR số và thấu kính Nikkor 18-135mm.

2. Chọn phụ kiện hợp lý

Một trong những phụ kiện quan trọng khác mà bạn cần phải chuẩn bị để ghi lại kiệt tác của thiên nhiên là tripod (chân máy ảnh). Hãy chọn một tripod đủ để giảm tải mức lay của gió.

3. Điều khiển từ xa 

Ảnh
Một trong những phụ kiện khác của máy ảnh SLR số là điều khiển từ xa

Mặc dù không thật quan trọng nhưng với remote này, người chụp sẽ rất thuận lợi khi điều khiển thông số của máy. Với chi phí khoảng 30 USD, bạn có thể sử dụng chế độ Bulb mà không cần phải động tay động chân giữ nút điều khiển màn chập (việc này có thể làm rung máy). Nhờ vào remote điều khiển, chỉ cần nhấp một lần để mở màn chập và để mở bao lầu tùy ý, sau đó nhấp lại để đóng. Chụp ban đêm cũng như khi ghi hình chân dung, remote này sẽ tỏ ra rất hữu ích.

4. Tìm địa điểm chụp

Sẽ không an toàn nếu bạn muốn tác nghiệp với cảnh thiên nhiên nổi giận bão bùng, nhất là khi sấm chớp bay lượn trên đầu. Nguy cơ ướt nhoét và mắc cảm cúm cũng là điều đáng quan tâm. Đừng sợ, hãy chọn bancông hay hiên nhà làm nơi chụp hình thay thế. Bạn có thể an tâm trước gió bão đùng đoàng. Ngoài ra “sang” hơn, bạn hoàn toàn có thể chụp hình từ ngay trong căn nhà mình, nhất là khi bạn ở nhà cao. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng không có bất cứ thứ ánh sáng nào chiếu trong nhà, nếu không nó sẽ tạo nên những ánh phản chiếu...

5. Chọn khung hình

Nếu bạn thấy vùng nào có nhiều ánh sáng, hãy đưa camera theo hướng đó. Sử dụng thấu kính có góc rộng để chụp hình vùng rộng là một lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, bạn còn có thể điều chỉnh khung hình cho rõ nét hơn bằng cách zoom chút ít để loại bỏ ánh sáng hoặc những vật cản cận cảnh. Những vật tiền cảnh như mái nhà hay cần ăngten tivi có thể khiến bức tranh thú vị, nếu bạn lựa chọn hướng sáng tác “thiên nhiên” hơn.

6. Lấy nét

Chế độ lấy nét tự động hầu như vô dụng trong trường hợp này, bởi vì đối tượng cần chụp là tia sét. Bạn hãy để ống kính lấy nét ở vô cực. Tia sét đột ngột xuất hiện sẽ được đặt vào trong tầm ngắm khá lý tưởng. Bạn có thể quan sát bức ảnh được chụp với chế độ tiêu cự tự động. Mặc dù vẫn còn một số vấn đề nho nhỏ như góc méo hay màu sắc hiển thị chưa tốt, nhưng nên nhớ rằng việc lựa chọn hướng chụp là hoàn toàn chủ quan.

7. Phơi sáng

Quy tắc chung là bạn cần để ISO thấp, khẩu độ bé và tốc độ cửa chập thấp. Hãy dùng khẩu độ nhỏ (khoảng f22), đặc biệt nếu tia sét lớn làm sáng cả bầu trời. Các tia sét ở xa có thể sẽ phải được chụp ở khẩu độ lớn hơn (f8 chẳng hạn), nếu không chúng sẽ bị chìm trong nền tối. Hãy dùng ISO thấp, tốt nhất là ISO 100 hoặc ISO 200; mức lớn hơn có thể làm ảnh của bạn cháy (thừa sáng) cũng như bị nhiễu. Bức ảnh trên là một ví dụ cho trường hợp thừa sáng, tia sét bị lẫn hoàn toàn vào vùng bị dư sáng. Bức ảnh này được chụp với khẩu độ f8, ISO 200 và màn chập mở trong 38,5 giây.

8. Tự tạo cơ hội

Phải để thời gian mở màn chập lâu (chế độ Bulb) là do bạn không biết khi nào tia sét sẽ xuất hiện. Tùy thuộc vào các nguồn sáng cố định (ví dụ như đèn đường) mà bạn phải điều chỉnh khẩu độ thích hợp. Nếu khung cảnh không có ánh sáng thì dù có mở màn chập cả năm cũng chả làm bức ảnh sáng lên chút nào. Bức ảnh này được chụp bằng một máy compact cao cấp (Panasonic DMC-FZ20) với ISO 100, khẩu độ f5.6 và tốc độ 6 giây. Chúng tôi đã thử rất nhiều lần để có thể chụp được tia sét này với thời gian mở màn chập ngắn như vậy và rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua giữa các lần chụp.

9. Khi ảnh dư sáng gây ấn tượng

Đôi khi một bức ảnh dư sáng lại đem đến kết quả ấn tượng. Trong bức ảnh này, chúng tôi dùng khẩu độ f19, ISO 200 và phơi sáng trong 68,6 giây. Tia sét xuất hiện mạnh mẽ như một cơn bão. Thực tế chúng tôi đã có chủ ý từ trước, nhưng tia sét sáng đến mức chúng tôi phải ngạc nhiên. Và trong lần chụp tiếp theo, chúng tôi đã phải giảm bớt khẩu độ.10. Jackpot.

10. Thành công lớn 

Ảnh
Ảnh đã xử lý

Với bức ảnh này, chúng tôi dùng khẩu độ nhỏ (f22), ISO 200 và phơi sáng trong 128,5 giây. Cả ba tia sét đều xuất hiện cùng lúc và chúng tôi đã đóng màn chập ngay khi tia sét biến mất. Đây là bức ảnh chụp tia sét đẹp nhất từ trước đến nay của chúng tôi.

11. Vài mẹo cho xử lý hậu kỳ

Bạn có thể dùng phần mềm biên tập ảnh để điều chỉnh thông qua biểu đồ. Kéo lùi chấm đen một chút (đánh dấu trong ô vuông xanh) để tăng độ tương phản và làm tối tiền cảnh. Không nên nghĩ tới việc tăng sáng cho bức ảnh vì sẽ làm tia sét mỏng hơn và có thể làm xuất hiện hiện tượng viền tím. Việc tăng độ sắc nét cũng khiến tia sét mất đi sự mượt mà và làm ảnh bị nhiễu. Nếu bức ảnh bị ám màu, hãy thử chỉnh cân bằng màu bằng cách chọn một điểm trắng trên tia sét.

12. Cắt cúp

Đôi khi, dù đã cân nhắc kỹ khi chọn khung hình nhưng bạn vẫn không thể quyết định vị trí cho tia sét trên bức ảnh. Hậu quả là có khá nhiều không gian thừa trong bức ảnh. Hãy cắt cúp lại để người xem tập trung ngay vào phần bạn muốn họ xem - tia sét. Điều này đặc biệt cần thiết nếu có ánh sáng tiền cảnh hay những hàng cây mờ mờ mà chúng lại chẳng đem lại hiệu quả gì cho bức ảnh.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có được những bức ảnh ấn tượng trong mùa hè này...

(Theo PcWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)