Thiết bị sạc pin cho di động, máy nghe nhạc MP3 và MP4. Thị trường Hà Nội hiện có khá nhiều những thiết bị sạc pin cho di động và laptop từ năng lượng mặt trời giá bán từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Dễ tìm, dễ mua
Mối lo nhà bị cắt điện… bất thình lình do không được “ông điện lực” báo trước đã khiến cho anh Thế (nhân viên công ty Phần mềm FPT) quyết định đầu tư tiền để tìm mua bằng được thiết bị sạc pin cho mobile, laptop bằng năng lượng mặt trời.
Ngay sau khi truy cập vào mạng, không khó để anh Thế có thể tìm được các thiết bị cần tìm. Như thiết bị sạc pin sử dụng nguồn năng lượng mặt trời hiệu “Plus Q101” có thể dùng cho các loại điện thoại phổ biến trên thị trường hiện nay như Nokia, Motorola, SamSung, thiết bị PDA… cho tới máy MP3, MP4… Kết nối thông qua cổng USB, đầu ra là 5,5V, kích thước nhỏ gọn (95x43x12mm) và chỉ nặng vẻn vẹn chưa đầy 100gram, “Plus Q101” cho phép người dùng mang theo mọi lúc mọi nơi để sẵn sàng “ứng cứu” chiếc điện thoại. Hiện nay, thiết bị được bán trên thị trường với giá 297.000 đồng.
Tại trang www.rongbay.com, anh Thế tìm được công ty Samcom (phố Đốc Ngữ, Hà Nội) là một trong những địa chỉ hiện đang rao bán thiết bị sạc pin cho cả laptop. Theo thông số kĩ thuật lý thuyết rao trên mạng, nguồn năng lượng hấp thụ tối đa của thiết bị là 20000 mAH (tương đương 74W/h) và cho nguồn điện đầu ra là 5V (tương thích điện thoại di dộng, máy MP3…) và 16V, 18V, 22V, 24V tương thích với máy tính xách tay (bộ sạc có các đầu chia “sẵn sàng” tương thích với hầu hết các dòng máy tính xách tay trên thị trường hiện nay như Asus, Acer, HP, Dell, IBM, Sony Vaio, Toshiba…thông qua cổng USB). Thiết bị có kích thước 205x282x18mm nhỏ gọn như một quyển sách thông thường, giá bán khoảng 2,5 triệu đồng.
Lưu ý khi dùng
Là dân kỹ thuật thường xuyên phải đi theo các công trình xây dựng tại các vùng rừng núi, điều kiện có nguồn điện lưới để sạc pin cho chiếc điện thoại và laptop không phải lúc nào cũng tiện, anh Minh (công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi) cho biết: “Tôi thường xuyên dùng thiết bị sạc pin năng lượng mặt trời cho chiếc laptop IBM T40. Dù đã dùng được hơn 1 năm nay nhưng đến giờ thiết bị vẫn hoạt động rất ổn định, duy chỉ có thời gian sạc đầy đã kéo dài thành 2 giờ thay vì hơn 1 giờ như trước”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, hiện các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập vào trong nước qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)... Tại chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) còn bán loại rất… “điệu đà” khi ngoài chức năng sạc cho chú dế còn trang bị thêm cả… đài thu sóng FM, đèn và còi báo động (rất phù hợp với người đi du lịch) mà giá lại rẻ hơn, chỉ khoảng 200.000 đồng.
Theo anh Hoà - người chuyên kinh doanh mặt hàng điện tử tại chợ Đồng Đăng, thì người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được loại sạc pin cho điện thoại với giá từ 150 – 200 nghìn, loại sạc dùng cho cả laptop chỉ khoảng 1,6 – 2 triệu tại các cửa khẩu, thay vì phải chịu giá bị đội thêm 500 – 700 nghìn tại Hà Nội như hiện nay. Tuy nhiên, tại các cửa khẩu giá tuy rẻ nhưng tất cả đều không được bảo hành hoặc bảo hành… 1 tuần ngay tại cửa hàng đóng ở chợ và do chủ đại lý cam kết.
Đứng trước thực tế dễ bị mất điện triền miên bất kể ngày đêm, các thiết bị sạc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch, an toàn và vô tận sẵn sàng “cấp cứu” điện thoại, laptop đang tỏ ra hữu hiệu đối với rất nhiều người dùng. Tuy nhiên, nếu sử dụng thì người dùng cần hết sức lưu ý vì các thiết bị chỉ hoạt động ổn định, độ bền cao khi để trong môi trường nhiệt độ từ -5 đến 60oC. Bên cạnh đó, dù các thiết bị đều tích hợp sẵn tính năng cảnh báo nguy hiểm nếu nhiệt độ vượt quá mức cho phép nhưng người sử dụng cũng nên lựa chọn vị trí, thời điểm đặt thiết bị thích hợp để tránh ánh nắng gắt, nguồn nhiệt lớn. Tại diễn đàn tvnol.com, thành viên có nickname “kĩ thuật Bách Khoa” còn “hiến kế” cho dân thường xuyên đi làm công trình: Hãy chế thêm cho dây dẫn nối thiết bị sạc với máy tính xách tay dài hơn, để hạn chế tình trạng laptop tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, mau hỏng.
Theo ICTnews
Bình luận