Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) đang là giải pháp tối ưu được nhiều quốc gia thực hiện để hạn chế nạn ùn tắc giao thông. Triển khai ứng dụng ITS điều phối giao thông là một lựa chọn để hiện đại hóa mạng lưới giao thông của TP Hồ Chí Minh hiện tại và trong tương lai.
Thực trạng về tình hình ùn tắc giao thông ở TP Hồ Chí Minh
Cho đến nay, ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Theo thống kê năm 2008, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 48 vụ tắc đường hơn 30 phút, tăng 19 vụ so với năm 2007. Năm 2009, tình hình ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục gia tăng. Ba tháng đầu năm, toàn thành phố đã xảy ra 15 vụ tắc đường. Nguyên nhân gây ra các vụ tắc đường chủ yếu là do đường đang thi công; mưa lớn gây ngập đường phố... Trong khi người dân thành phố đang "ngán" cảnh tắc đường hằng ngày thì những giải pháp của chính quyền vẫn chưa cải thiện được tình hình. Chỉ trong vài ngày nghỉ lễ cuối tháng 4 vừa qua, tình trạng tắc đường nghiêm trọng lại xảy ra khắp nơi, nhất là các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố và ở các bến xe, điểm vui chơi giải trí.
Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ là "siêu đô thị" với hệ thống các đô thị vệ tinh như Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vũng Tàu, Ðức Hòa, Bến Lức... Thành phố sẽ có bốn đường vành đai kết nối các đô thị vệ tinh, sáu tuyến me-trô kết nối các khu vực trong thành phố và một số tuyến đường trên cao. Theo đó, cơ cấu phương tiện tham gia giao thông trong thành phố sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng và giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân xuống dưới 50%. Từ nay đến năm 2020, số lượng tuyến xe buýt tăng lên, thành phố sẽ có một mạng lưới các tuyến BRT (Bus Route Traffic - tuyến đường dành riêng cho xe buýt) được xây dựng và đưa vào khai thác nhằm giảm sức ép về lưu lượng giao thông trên các trục đường chính hiện nay.
Nhưng để đáp ứng nhu cầu quản lý và điều phối hoạt động giao thông theo mạng lưới đã quy hoạch, ngay từ bây giờ, thành phố nên xem xét và nghiên cứu các giải pháp giao thông thông minh cho một đô thị hiện đại trong tương lai.
Lời giải cho nạn ùn tắc giao thông
ITS là một giải pháp ứng dụng kết hợp nhiều lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB) và các giải pháp truyền thông. Khi ứng dụng hệ thống ITS, nhân viên tại trung tâm có thể giám sát được các hoạt động giao thông theo thời gian thực và có thể điều phối được hoạt động giao thông bằng cách gửi thông báo đến các bảng hiệu trên các trục lộ nhằm giúp cho người điều khiển phương tiện giao thông có thể nắm bắt được tình hình giao thông tại một số nơi, nhất là các nút giao thông và có phương án xử lý hiệu quả.
TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai, ứng dụng công nghệ mới, nhưng đến nay, công nghệ mới cho giao thông gần như chưa được triển khai. Trong thời gian không xa, mạng lưới giao thông thành phố sẽ đạt tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới nên việc nghiên cứu, ứng dụng ITS là điều tất yếu. Vấn đề là nghiên cứu, ứng dụng từng bước như thế nào cho phù hợp điều kiện thành phố hiện nay.
Ðể thiết lập được hệ thống ITS, trước mắt, thành phố nên tin học hóa tất cả các cơ quan, ban, ngành liên quan đến giao thông như trung tâm vận tải hành khách công cộng, các bến xe lớn như bến xe miền Ðông, bến xe miền Tây, các bến xe buýt Bến Thành, An Sương... Lãnh đạo ngành cần xây dựng hệ thống thông tin tổng thể cho tất cả các cơ quan này. Trên cơ sở đó, các dữ liệu về hoạt động giao thông được quản lý và lưu trữ nhằm hỗ trợ các chuyên gia trong việc phân tích các vấn đề giao thông. Ngoài ra, cần tự động hóa hệ thống thanh toán tại các trạm thu phí, trạm đăng kiểm nhằm giảm bớt thời gian dừng xe, giảm tốc độ di chuyển.
Sau khi hoàn thành việc tin học hóa toàn bộ các cơ quan quản lý giao thông, bước tiếp theo là triển khai lắp đặt các hệ thống giám sát tình hình giao thông như IP camera, các hệ thống điều khiển đèn giao thông tự động, bảng điện tử thông báo tình hình giao thông. Việc kết hợp các ứng dụng thành giải pháp khép kín là bước quan trọng nhất. Ðể giám sát và điều phối hoạt động giao thông theo thời gian thực, hệ thống cần phải khép kín và tự động trong việc phân tích, ra quyết định. Ðây là khâu quan trọng nhất và tốn kém nhất kể cả nguồn lực và vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ý tưởng xây dựng hệ thống ITS đã được một doanh nghiệp trẻ là Công ty cổ phần Truyền thông và Công nghệ thông tin Thần Tốc (Công ty Thần Tốc) khởi xướng và bước đầu đã thu hút được nhiều người vào trang thông tin của công ty này để tìm hiểu và cập nhật tình hình giao thông hằng ngày. Tuy nhiên, do khả năng có hạn và chưa kết nối được với các cơ quan liên quan nên việc mở rộng quy mô thông tin của công ty chưa được như mong muốn.
Giữa năm 2008, công ty đã gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề án nêu ý tưởng ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố. Ðề án nêu ra hướng giải quyết nạn ùn tắc giao thông bằng cách ghi nhận các hoạt động giao thông và cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về giao thông qua các kênh truyền thông như điện thoại, tin nhắn và truy cập mạng Internet. Công ty chịu trách nhiệm xây dựng Trung tâm điều khiển để lắp đặt thiết bị xử lý thông tin, tổng đài điện thoại và phòng thông tin. Thông tin ùn tắc giao thông sẽ được tiếp nhận và cung cấp cho công chúng bằng hình thức tự động, hệ thống máy tính tại trung tâm điều khiển sẽ nhận và trả lời tự động các tin nhắn hoặc được xử lý thủ công nhờ điện thoại viên tại trung tâm điều khiển hoặc website cung cấp thông tin, bản đồ giao thông dành cho người truy cập mạng.
Ðề án trên được UBND chuyển sang cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hướng triển khai. Trong cuộc họp giữa đại diện Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Thần Tốc, Công an thành phố và các ban, ngành liên quan đến giao thông, sau khi nghe ý kiến các bên liên quan, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, giải pháp xây dựng hệ thống cung cấp thông tin giao thông của Công ty Thần Tốc là phù hợp chủ trương của thành phố. Ðây là giải pháp quan trọng đã được UBND TP Hồ Chí Minh xem như là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Sở GTVT cũng yêu cầu công ty này tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp xây dựng hệ thống cung cấp thông tin giao thông, hoàn thiện báo cáo về hình thức đầu tư, nguồn vốn thực hiện, nguồn thu dự án và phạm vi thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Tấn Hoàng Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và CNTT Thần Tốc: Giải pháp hệ thống giao thông thông minh do Công ty Thần Tốc đề xuất là hướng mở để cải thiện tình hình giao thông hiện nay cũng như hoàn thiện về lâu dài cho hệ thống giao thông của TP Hồ Chí Minh.
Theo Nhân Dân.
Bình luận