Đích thân Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cùng Thứ trưởng Lê Nam Thắng chủ trì Hội nghị.

Dù nhìn nhận tiềm năng viễn thông, CNTT của Việt Nam còn rất lớn, muốn phát triển nhanh phải tập trung lo thực hiện tốt hai nhiệm vụ đó là xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT - Truyền thông song đây lại không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều thách thức, rào cản đặt ra trong việc phát triển hạ tầng CNTT-TT Việt Nam đang cần được tháo gỡ, vượt qua.

Và đây cũng chính là lý do để ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa có một “Hội nghị diên hồng” với chủ đề “Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin” dành cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp diễn ra trọn vẹn ngày hôm qua, 28/5 thông qua cầu truyền hình trực tuyến tại ba địa điểm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hạ tầng phải đi trước một bước

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định tại Hội nghị, để có thể phát triển được các dịch vụ thông tin và truyền thông mọi nơi, mọi lúc, việc phát triển mạng lưới, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đến mọi miền đất nước và kết nối băng thông rộng cố định và di động tới mọi người dân được xác định cần đi trước một bước.

Ở bất kỳ một quốc gia nào, hạ tầng mạng lưới đều được vận hành và khai thác bởi các doanh nghiệp hạ tầng mạng viễn thông, trên cơ sở đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ triển khai việc cung cấp dịch vụ tới người sử dụng bằng cách cho phép thiết bị đầu cuối của người sử dụng truy cập vào mạng và sử dụng các dịch vụ mạng.

Trên cơ sở hạ tầng mạng lưới CNTT-TT, các dịch vụ ứng dụng như đào tạo từ xa, khám chữa bệnh từ xa, ngân hàng, tài chính,… có thể được triển khai một cách thông suốt. Người cung cấp dịch vụ và khách hàng có thể liên lạc với nhau ở bất cứ nơi đâu và vào bất kỳ lúc nào với dung lượng thông tin ngày càng cao, không giới hạn.

7 vấn đề cần tháo gỡ

Hạ tầng CNTT-TT được hiểu bao gồm các hệ thống thiết bị được lắp đặt tại các Trung tâm CNTT-TT kết nối với nhau bằng các đường truyền dẫn hữu tuyến như cáp quang, cáp đồng hoặc vô tuyến với các công nghệ tiên tiến, tốc độ cao tạo thành một mạng lưới thống nhất, đồng bộ truyền dẫn các tín hiệu hội tụ giữa thoại và dữ liệu, hội tụ giữa viễn thông, máy tính và phát thanh truyền hình.

Vai trò của hạ tầng CNTT-TT đã được nhìn nhận, việc triển khai xây dựng các mạng lưới hạ tầng CNTT-TT vì vậy mang tính chất sống còn đối với sự phát triển của xã hội trong thời gian tới, và nó đòi hỏi một nguồn đầu tư lớn, đặc biệt là phát triển mạng tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thế nhưng, mặc dù là ngành kinh tế có cơ hội phát triển nhanh, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, song với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng mạng viễn thông, cũng có không ít các vấn đề nảy sinh cần có sự quan tâm, chỉ đạo. Hàng loạt các vấn đề này đang cần có biện pháp triển khai ngay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, trong các quy hoạch xây dựng đô thị chưa có quy hoạch về các công trình viễn thông thụ động như điểm phục vụ công cộng, nhà, trạm, cột ăng ten, cống bể cáp ngầm… Vì vậy khi tiến hành xây dựng hạ tầng mạng viễn thông, doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ sở hạ tầng dùng chung liên ngành với các công trình công cộng, điện lực, cấp thoát nước, giao thông… Trường hợp đã có cơ sở hạ tầng thì việc sử dụng chung giữa các ngành còn gặp khó khăn, chưa có cơ chế thống nhất phối hợp.

Thứ hai, việc ngầm hóa các mạng cáp thông tin, cáp truyền hình tại các khu đô thị còn gặp nhiều khó khăn do chưa có công trình ngầm hoặc nếu đã có thì cũng chưa có cơ chế sử dụng chung hoặc thuê mướn. Điều này gây nên khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai xây dựng hạ tầng mạng.

Thứ ba, thủ tục cấp phép xây dựng đối với các công trình viễn thông thụ động như cột ăng ten (BTS) đối với thông tin di động, đào đường xấy dựng cống bể cáp ngầm tại một số thành phố, khu đô thị chưa được ưu tiên đúng mức. Người dân còn hiểu sai về ảnh hưởng của sóng điện từ của các BTS.

Thứ tư, việc phát triển hạ tầng Viễn thông, Internet, Phát thanh truyền hình đến vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo đủ bù đắp chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, cơ chế thị trường hoạt động hiệu quả tại các khu đô thị, sinh lời nhưng không thể vận hành tốt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng công ích. Ngoài ra nội dung thông tin thiết thực cho nông dân, nông thôn, miền núi chưa nhiều dẫn đến nhu cầu sử dụng Internet tại các vùng sâu, vùng xa chưa cao.

Thứ năm, việc triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước còn chưa được các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đang được hoàn thiện song chưa được sử dụng hiệu quả.

Thứ sáu, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông chưa được thực hiện nhiều. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau còn hạn chế.

Thứ bày là chưa có cơ chế ưu tiên đối với việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp viễn thông nhằm mở rộng thị trường và hình thành các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mạnh, hoạt động trên phạm vi đa quốc gia.

Cùng với những vấn đề này, Ngành đang cần cả một hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý và tạo điều kiện để tăng cường đầu tư, phát triển nhanh hơn nữa trong giai đoạn tới.

Bộ, ngành, doanh nghiệp cùng chung tay

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã khẳng định, vai trò quyết định mọi sự phát triển chính là phát triển hạ tầng. Để phát triển tốt hạ tầng CNTT-TT, cần có một sự phối hợp, liên kết thực hiện từ các bộ, ngành, địa phương tới doanh nghiệp. Khi tỉnh vào cuộc, Bộ chỉ đạo, doanh nghiệp phối hợp với nhau sẽ tạo nền sức mạnh vững chắc thực hiện thành công.

Theo Bộ trưởng, ở đâu lãnh đạo tỉnh quan tâm tới phát triển hạ tầng CNTT-TT ở đó sẽ có sự phát triển tốt. Bản thân các doanh nghiệp Thông tin và Truyền thông cũng phải có sự liên kết, hợp tác với nhau, sau đó là hợp tác với nước ngoài. Chính bởi vậy, phát triển phải tính tới cả bài toán dùng chung cơ sở hạ tầng CNTT-TT. Hiện giờ, chủ trương mà Bộ đưa ra là khuyến khích.

Cách quản lý riêng biệt hiện nay sẽ không còn cho phép cung cấp các dịch vụ khác nhau trên cùng một hạ tầng và tạo nên lãng phí trong đầu tư vào phát triển hạ tầng. Hội tụ về mặt hạ tầng đòi hỏi công tác quản lý hạ tầng thống nhất nhằm cho phép trên cùng một hạ tầng có thể cung cấp nhiều loại hình dịch vụ khác nhau, dịch vụ nào thì được quản lý theo quy định đó, đặc biệt là về nội dung thông tin. Cần phân tách rõ việc quản lý hạ tầng chung và việc quản lý nội dung truyền trên hạ tầng đó. Thực tế trên thế giới, sự hội tụ đang diễn ra rất nhanh chóng.

Với Việt Nam, luật Viễn thông được xây dựng theo hướng quản lý thống nhất hạ tầng viễn thông, Internet và truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Luật Báo chí cũng quy định việc quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)