Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài giải quyết tranh chấp giá thuê cột điện giữa Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông.
Báo Bưu điện Việt Nam Phỏng vấn ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội xung quanh vấn đề giá thuê cột điện giữa EVN và các doanh nghiệp viễn thông.Thưa ông, dự án Luật Quy hoạch đô thị Quốc hội đang thảo luận có xử lý vấn đề tranh cãi giữa điện lực và viễn thông về treo cáp?
Luật Quy hoạch không xử lý được tranh chấp về giá cả giữa điện lực và viễn thông nhưng xử lý được vấn đề cho đầu tư như thế nào. Chính quyền đô thị sẽ quy định đầu tư của điện lực và viễn thông, trách nhiệm của mỗi bên ra sao chứ không thể để trong một đô thị có rất nhiều đơn vị đầu tư hạ tầng chồng chéo. Ví dụ như nay mai lại thêm một hệ thống cột viễn thông nữa là hoàn toàn không được.
Nhưng vấn đề tồn tại hiện nay phải xử lý như thế nào?
Thực ra đúng là có vấn đề vì ngành điện đã đầu tư hạ tầng trước đây, bây giờ các ngành khác sử dụng lại nên có cách giải quyết mối quan hệ này. Tôi nghĩ là Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài. Có thể là các bộ chủ quản của các ngành này phải giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa người đầu tư hạ tầng và người sử dụng hạ tầng đó. Vấn đề này phải có nguyên tắc của nó chứ không phải muốn lấy bao nhiêu cũng được.
Nếu viễn thông, truyền hình cáp không chịu giá ngành điện đưa ra thì ngành điện cắt cáp treo. Điều đó có chấp nhận được không và ai bảo vệ quyền lợi của người dùng trong trường hợp này?
Không nên để đến tình hình như vậy. Bây giờ giữa ngành điện với người sử dụng cột điện là mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp với nhau nhưng cũng phải xuất phát từ lợi ích chung là quyền lợi người tiêu dùng. Về mặt quy hoạch tương lai thì không thể để như vậy được. Không thể ai cũng dựng cột trong thành phố được mà hướng là đi ngầm rồi.
Nếu ngành điện cắt cáp viễn thông, truyền hình, thì người sử dụng sẽ khiếu nại với ai, thưa ông?
Quan hệ giữa điện và viễn thông không thể dồn lên người tiêu dùng được. Ngành viễn thông phải chịu trách nhiệm với khách hàng của mình. Còn giữa điện và viễn thông như thế nào thì hai doanh nghiệp phải giải quyết với nhau cho hài hoà. Bản thân ngành điện cũng phải xem xét vấn đề này một cách hợp lý. Tôi nghĩ là như vậy.
Cảm ơn ông!
Trên hết là vì sự phát triển và phục vụ người dân
"Thành phố mong muốn sự phát triển của thành phố ngày càng hiện đại, hệ thống cáp phải được chôn dưới đất, có hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Điều đó phải có sự thống nhất quản lý, sự hợp tác giữa các ngành. Chủ trương ngầm hoá các cáp có nhưng khi thực hiện, nếu chúng ta không có một sự phối hợp thì sẽ gặp khó khăn, bị chậm trễ.
Người dân đòi hỏi rất cao bởi hiện nay dây điện mắc như mạng nhện, một cột có đến ba bốn chục cái dây. Việc này đòi hỏi có một sự quản lý và điều hành như thế nào cho tốt.
Ở đây tôi nghĩ có sự mắc mứu trong thực tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một sự phối hợp tốt, gặp gỡ, trao đổi làm cho các lợi ích gặp nhau. Vì lợi ích của sự phát triển và phục vụ nhân dân thì chúng ta có thể giải toả những điều khúc mắc.
Trong thực tế, ngành điện đầu tư rất lớn và họ cũng thiếu vốn. Chính vì vậy, cần phải có một sự thông cảm lẫn nhau. Phải có một sự gặp gỡ hợp tác chứ ai cũng khăng khăng thì người dùng thiệt hại, và thành phố bị chậm trễ trong hiện đại hoá".
Bà Phạm Phương Thảo-Chủ tịch HĐND TP.HCM
Bình luận