Mấy ngày nay, hiện tượng cướp nick Yahoo! Messenger, chat lừa tiền thẻ (card) điện thoại liên tục diễn ra ở Hà Nội. Dù là chiêu quá cũ, nhưng vì cả tin, nhiều người vẫn mất oan tiền triệu.
Liên tục mấy ngày qua, khoảng chục người làm cùng một cơ quan ở Hà Nội, bị một đối tượng hack Yahoo! Messenger, chat với những nick trong danh sách (list), kể lể hoàn cảnh như bị mất điện thoại hoặc đang ở xa, nhờ mua và gửi mã thẻ điện thoại cho số 0168 696 4414 và một loạt các số khác. Trò lừa đảo này quá quen thuộc với cư dân mạng vài năm trước nhưng, do cả tin và chủ quan, rất nhiều người vẫn gửi tiền triệu vào số điện thoại đó.
Sáng 11-6, chỉ cách nhau chục phút, ba nhân viên làm việc của cơ quan trên bị hack nick Yahoo! Messenger. Sau khi bẻ khóa, kẻ lừa đảo thay đổi mật khẩu (password), rồi chủ động buzz các nick khác trong list. Hắn lựa lời xưng hô cho hợp lý, trình bày bị mất điện thoại, phải dùng tạm số khác, đang ở nơi rất xa, hay bị kẹt trong nhà… Sau đó, hắn nhờ mua hộ thẻ điện thoại, gửi vào số máy 0168 696 4414.
Cả tin, nhiều người tưởng bạn mình gặp khó khăn nên sẵn sàng mua thẻ. Chỉ trong ngày 11-6, bạn bè những người bị mất nick gửi cho kẻ lừa đảo hơn một triệu đồng, thông qua hình thức nạp thẻ điện thoại.
Một nạn nhân tên Đ bị hack nick cho biết, sau khi rời công sở, bạn bè khắp nơi, trong đó có cả người ở tận Sơn La, gọi điện thông báo gửi thẻ điện thoại cho số 0168 696 4414, theo như lời cầu cứu trên Y!M. “Giật mình, vào mạng đăng nhập Y!M không được, tôi mới biết mình bị hack nick” - nạn nhân cho biết.
Cũng với hình thức này, kẻ lừa đảo lừa được cả một chiến sĩ công an đang làm việc tại TPHCM - bạn của một phóng viên. “Do tin bạn gặp khó khăn, sẵn lòng giúp đỡ, anh bạn công an của tôi liền gửi mã số thẻ điện thoại trị giá 500.000 đồng qua Y!M. Rất may, tôi kịp thông báo, anh nhanh tay nạp thẻ trước kẻ lừa đảo” - Nạn nhân cho hay.
Nữ nạn nhân xin giấu tên này cũng cho biết, trong một buổi chiều, nhiều bạn bè ở TPHCM gọi điện thông báo gửi card điện thoại cho số máy giời ơi. Trong chốc lát, những người thân của chị này mất gần 700.000 đồng. Tổng số tiền kẻ lừa đảo kiếm được trong chiều qua là hơn một triệu đồng…
Cảnh giác
Ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội (Bkis) cho biết, thực tế cho thấy, kẻ xấu có nhiều cách đánh cắp nick Y!M của người khác để làm những việc không tốt.
Những cách kẻ xấu thường áp dụng là gửi link, file làm cho máy tính của bạn bị nhiễm virus. Máy tính sẽ lưu phần mềm ghi lại tất cả những thao tác trên bàn phím của bạn, rồi gửi đến một địa chỉ mặc định từ trước. Có trường hợp lừa click vào đường link dẫn tới trang web Yahoo giả (giống như thật), yêu cầu đổi tên đăng nhập và mật khẩu.
Ngoài ra, khi chiếm được nick của người khác, kẻ xấu có thể chat và giả vờ mượn nick của các thành viên trong list để thử nghiệm gì đó. Nếu tin và làm theo, các nick khác cũng sẽ bị khống chế.
Ông Quảng khuyên, người sử dụng Y!M nên cài phần mềm diệt virus, bảo vệ máy và cảnh giác trước những hiện tượng lạ.
Lấy lại nick Y!M bị mất
Khi lập tài khoản Yahoo, bạn thường mặc định tài khoản Yahoo thuộc quyền quản lý của Yahoo US (giao diện tiếng Anh). Do đó, trong trường hợp bị người khác đánh cắp mật khẩu mà không nhớ các thông tin khai báo để phục hồi, bạn chỉ có thể nhờ nhà cung cấp dịch vụ (Yahoo US) giải quyết.
Bạn hãy click vào http://help.yahoo.com/l/us/yahoo/myblogl..., trong trang web này, điền thông tin tài khoản Yahoo vào hai ô “What is your name and Yahoo ID?”.
Tại ô “What is your email address?”, bạn điền địa chỉ email đang dùng. Dòng “what are you writing about” là chủ đề bạn muốn hỏi. Cuối cùng, bạn viết nội dung thư bằng tiếng Anh vào khung “Type in your question” và nêu rõ những yêu cầu muốn đề nghị tới nhà cung cấp dịch vụ.
Nếu nick Yahoo của bạn có tiếng Việt, hãy click vào địa chỉ http://help.yahoo.com/l/vn/yahoo/edit/ge... và làm tương tự như trên.
Sau khi thông tin bạn nhập gửi đi, trung tâm chăm sóc khách hàng của Yahoo Việt Nam sẽ giúp lấy lại tài khoản bị mất. Sau khi khai báo email mới, đảm bảo ngày hôm sau, bạn sẽ nhận thư trả lời của nhà cung cấp dịch vụ cùng hướng dẫn lấy lại nick.
Khi bạn khai ngày, tháng, năm sinh, câu hỏi và câu trả lời bí mật, họ biết chắc chắn đó là account của bạn nên sẽ giúp.
Theo NGỌC ĐINH, XUÂN MAI - Tiền Phong
Bình luận