Mặc dù mọi thành phần trong hệ thống âm thanh đều quan trọng, loa lại là thiết bị đưa âm thanh trực tiếp đến tai người nghe và vì vậy phải chọn rất cẩn thận.
Những kiến thức cơ bản về loa khá đơn giản và chưa hề thay đổi nhiều trong gần 50 năm qua. Nhiều bộ loa vẫn giữ đặc điểm cơ bản là kết hợp các driver và phân tần ngay trong cùng một thùng. Mạch điện phân tần sẽ chia tín hiệu audio thành nhiều dải tần khác nhau, sau đó gửi các dải tần này đến các driver có khả năng tái tạo chúng nhiều nhất. Đây được gọi là yếu tố căn bản để tái tạo chính xác âm thanh.
Các từ như “2 đường tiếng”, “3 đường tiếng” cho biết có bao nhiêu dải tần riêng biệt mà loa có thể xử lý. Do đó, một loa 2 đường tiếng, loa toàn dải có 2 driver (một loa cao và một loa trầm) xử lý các tần số cao và tần số từ trung tới thấp. Loa 3 đường tiếng lại có một tweeter phụ trách tần số cao, một loa trung phụ trách tần số trung và loa trầm xử lý tần số thấp.
Tất nhiên, loa hiện nay kêu hay hơn so với 50 năm trước. Có thể có người thích tiếng của loa cổ, nhưng có những người thích tiếng của loa hiện đại bởi chúng được thiết kế để thể hiện sống động các nguồn âm kỹ thuật số, tận dụng được những công nghệ mới để mang lại âm thanh chi tiết.
Hiện nay người mua có rất nhiều lựa chọn, từ loại lớn đến loại bé, về cơ bản có loa floor-standing (đặt ngay trên sàn), bookshelf (đặt trên giá cao), hệ thống loa siêu trầm kèm loa vệ tinh, các loại loa trong tường, trong trần nhà và ngoài trời.
1. Loa đặt trên sàn
Loa tweeter 9980-20BEA chất liệu Beryllium. Loa này còn gọi là loa tháp, là kiểu loa đã có từ nhiều năm và vẫn là tiêu chuẩn để các loa khác dựa vào so sánh. Nhìn chung, chúng lớn hơn các loại loa khác, tái tạo dải tần rộng lớn, có tiếng bass sâu, cho hiệu suất cao, nghĩa là cho volume lớn trên mỗi watt của công suất amplifier.
Loa tháp thường đắt hơn các loa bookshelf và đòi hỏi không gian lớn. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều loại mảnh mai phù hợp với gian phòng chật hẹp.
2. Loa đặt trên giá
Nếu có không gian nhỏ và ngân quỹ hạn chế, loa bookshelf là lựa chọn thay thế cho loa tháp. Với loại này, bạn cũng có thể được hưởng thụ âm thanh hay từ cặp “hộp” nhỏ nếu chọn được đúng loại tốt. Chúng thường được đặt trên giá cao vừa tầm tai nhưng ở một số gia đình hay quán karaoke, người ta hay treo lên tận trần nhà, làm giảm hiệu quả của thiết bị.
Các loa bookshelf thường là hai đường tiếng. Tuy nhiên, do kích thước nhỏ, chúng không thể mang lại tiếng bass như loa tháp và điều này khiến nhiều người đặt thêm subwoofer.
3. Hệ thống loa siêu trầm/vệ tinh
HTB2 mang lại âm trầm rất sâu. Nhờ những đổi mới về công nghệ, nhà sản xuất có thể tạo ra hệ thống loa nhỏ nhưng cho tiếng lớn. Người dùng cũng dựng được hệ thống riêng cho mình bằng cách mua loa subwoofer và loa surround riêng biệt rồi kết nối với nhau.
Loa vệ tinh có thể đặt trên tường, trần nhà hoặc giá sách. Do kích thước rất nhỏ, chúng chỉ thể hiện các tần số cao và trung. Chúng cần thêm loa trầm để có tiếng bass. Tất nhiên, loa siêu trầm thì lớn hơn và nặng hơn nhưng vì tính chất âm thanh của nó là không có hướng nên bạn đặt được ở vị trí đỡ vướng mắt.
Hiện nay còn có loa không dây , giúp cho gia chủ không phải lo đến việc bố trí đường dây điện lòng vòng trong phòng nhỏ.
4. Loa ngầm và loa ngoài trời
Loa Stone Outdoor AWR-650-SM được dành cho các hoạt động ngoài trời, có hình dáng như hòn đá để gần gũi với thiên nhiên. Loa ngầm trong tường và trong trần nhà có nguyên tắc hoạt động giống như các loa bình thường nhưng được đặt trong khung và ốp trong tường hoặc trần. Trong khi các loa khác có thùng, loại này lấy tường và trần làm “thùng” cho mình. Thông thường, loa ngầm là loa toàn dải nhưng nếu cần, người dùng vẫn có thể thêm subwoofer để có tiếng bass hay hơn. Loa ngầm cần có sự tính toán lắp đặt khi mới xây nhà, hoặc nếu không phải sửa lại phòng ốc.
Loa ngoài trời là hệ thống mang âm nhạc ra ngoài không gian lớn, do đó chúng phải chịu đựng được các kiểu thời tiết khác nhau như nóng, ẩm và có công suất lớn, đáp ứng tần số rộng.
(Theo Tuổi trẻ Online)
Bình luận