Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII. Ảnh: TTXVN.

Ngày 17/6/2009, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông. Đây là lĩnh vực kinh tế - kĩ thuật tổng hợp có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia và không cấp phép thêm mạng di động.

Các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc cần thiết có Luật viễn thông, đánh giá cao sự đóng góp của ngành viễn thông đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) nhìn nhận viễn thông như là ngành kinh tế kĩ thuật liên quan đến công nghệ cao, là cơ sở của nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế tri thức. 

“Do đó việc quản lý của nó cũng phải mẫu mực, thật khoa học. Chính đây sẽ là nơi góp phần làm giảm hệ số ICOR (tỷ suất vốn và sản lượng, còn gọi là tỷ suất đầu tư-PV), hệ số sử dụng đồng vốn của người đóng thuế một cách hữu ích nhất”, bà Tâm nói.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) nói ngành viễn thông đã phát triển rất ngoạn mục, người dân không những ở thành phố lớn mà cả vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện sử dụng điện thoại, Internet và có thể thậm chí giao dịch với cả thế giới. Do đó, theo ông phải coi viễn thông là một ngành kinh tế quan trọng và hơn thế nữa sự phát triển viễn thông còn là chỉ số đánh giá sự phát triển của quốc gia.

Các đại biểu cho rằng cùng với cạnh tranh tăng lên, giá cả dịch vụ rẻ đi và ngày càng phổ biến đến mọi tầng lớp dân cư, lĩnh vực viễn thông còn nhiều bất cập như cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi thẻ SIM tràn lan gây lãng phí và đặc biệt, phát triển hạ tầng cơ sở kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến đầu tư trùng lắp, lãng phí, mất mỹ quan…

Đơn cử về số mạng di động, bà Đỗ Thị Huyền Tâm lấy ví dụ Trung Quốc với 1,2 tỷ dân nhưng chỉ có 3 mạng di động trong khi đó Việt Nam có khoảng 85 triệu dân mà số mạng di động lên đến 7. Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cũng băn khoăn hiện nay có 7 mạng di động nhưng không biết có còn tăng nữa hay không?

Với nhiều mạng di động như vậy, mỗi mạng có hệ thống trạm phát sóng di động (BTS) riêng – hiện cả nước có hơn 30.000 trạm BTS - một số đại biểu đã bày tỏ lo ngại khó có đủ lực để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, lãng phí và thậm chí dẫn đến tình trạng hệ thống các trạm thu phát đường cáp sẽ phủ dày đặc trên mặt đất. Chính vì vậy, ông Nguyễn Danh đề nghị khi luật trong quá trình hoàn chỉnh, không cấp phép phát triển thêm mạng di động.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc chia sẻ sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông cần có chính sách để khuyến khích nhưng quan trọng nhất vẫn là quy hoạch phát triển mạng viễn thông quốc gia nhằm bảo đảm mục tiêu hiệu quả. Việc sử dụng chung hạ tầng cũng cần phải được tính toán hợp lý. Theo ông Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa), việc sử dụng chung này nên dựa trên 3 nguyên tắc: tự nguyện thông qua hợp đồng trên cơ sở lợi ích và cơ quan quản lý Nhà nước làm trọng tài trong việc quyết định về chia sẻ hạ tầng viễn thông nếu các đơn vị viễn thông không đạt được những thoả thuận trong quá trình thương thảo.

Bồi thường thiệt hại nếu chất lượng dịch vụ kém

Tại buổi thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến xung quanh việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Rút kinh nghiệm từ luật Luật hàng không dân dụng Việt Nam chưa quán triệt đầy đủ quan điểm bảo vệ người sử dụng dịch vụ hàng không, hành khách phải chờ bay trong nhiều trường hợp không vì lí do bất khả kháng, ông Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị Quốc hội ban hành luật Viễn thông cần đứng trên quan điểm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động viễn thông và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu Bá Thanh Kia (Phú Yên) cho rằng Luật Viễn thông cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng mạng viễn thông, tiêu chuẩn dịch vụ viễn thông buộc doanh nghiệp viễn thông phải tuân theo.

Mặc dù dự thảo luật Viễn thông đã quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ nhưng theo một số đại biểu Quốc hội vẫn chưa rõ. Có ý kiến còn đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp phải bồi thường cho những người sử dụng dịch vụ nếu làm phương hại đến lợi ích của họ, giảm chất lượng dịch vụ, không đảm bảo do bị gián đoạn dịch vụ hay các lý do khác.

Theo ICTNews




Bình luận

  • TTCN (0)