Ảnh: ShoppingOnlineGuide.

Không cần trốn làm, không cần cào cấu ăn tạm ổ bánh giữa trưa để có thời gian đi "lượn", ngồi thảnh thơi trước máy tính và hưởng điều hòa mát rượi, dân công sở vẫn có thể săn được những món đồ độc và những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thường.

Từ thời trang...

Chị Hoa (32 tuổi, Lò Đúc) tự nhận mình là một "shopaholic" (kẻ nghiện mua sắm) thực thụ. Cứ biết ở đâu có chăng biển sale là "người ngợm, chân tay" ngứa ngáy hết cả. Thế nhưng sếp mới của chị là một người cực kỳ khó tính, nghiêm khắc và đặc biệt là rất hay "soi" nhân viên đi sớm về muộn.

Thời gian đầu, chị tìm đến các shop online một cách miễn cưỡng, như thể không còn "giải pháp nào khác khả dĩ hơn". Thế nhưng rồi theo thời gian, giờ chị đã nổi tiếng là kẻ lọ mọ nhất công ty. Một ngày không vào Net, không lượn qua các topic bán hàng quen thuộc trên muare hay lamchame là chị bứt rứt không yên. Chị Hoa cho biết gần như tất cả các vụ mua sắm thời gian từ Tết ra của chị đều là qua mạng, từ quần áo, giày dép, phụ kiện cho chính mình, cho đến sữa, thực phẩm, đồ chơi cho cô con gái 3 tuổi ở nhà.

"Tôi có thể tìm thấy mọi thứ trên mạng. Các shop bây giờ rất nhạy bén, mặt hàng kinh doanh cũng cực kỳ đa dạng. Hôm trước tôi đã đặt mua mấy chiếc váy và sơ mi xách tay từ Anh về. So về chất liệu thì hàng trong nước và hàng Tàu chạy đuổi mướt mồ hôi không tới rồi, mà giá thì chỉ nhỉnh hơn một chút vì tôi rình sale mãi", chị Hoa chia sẻ.

Không chỉ mua đồ ở Anh, chị Hoa cho biết các shop xách hàng từ Nhật, Hàn Quốc, từ Mỹ, Pháp và Đức về bán tại Việt Nam hiện nay khá nhiều. Mẫu quần áo, phụ kiện, túi, giày... đều được người bán update liên tục trên topic bán hàng, trên website riêng (nếu có) và trên các dịch vụ chia sẻ ảnh như Photobucket, Flickr hay Opera. Chỉ cần ngồi tại văn phòng, chị Hoa vẫn có thể chọn mẫu và đặt hàng như thường.

Khó nhất khi mua hàng thời trang qua mạng là chọn cỡ. Nhưng một khi đã xác định được cỡ chính xác của mình thì mọi việc trở nên khá đơn giản. Tuy nhiên, để cẩn thận, chị Hoa thường chỉ hay mua áo và túi xách, còn quần và giày thì ít hơn. "Quần thì size có thể thay đổi tùy theo dáng cắt, giày cũng vậy - cao gót, hở mũi, dép bệt thường đòi hỏi đặt rộng hơn một size, nếu không sẽ rất kích và đau chân. Nhiều khi tôi không dám liều đặt cả đống tiền để rồi lại phải rao thanh lý, vì đặt hàng từ nước ngoài về đâu có mang đi đổi được", chị Hoa cho biết.

Theo chị, ưu điểm khi lựa chọn hình thức đặt mua hàng từ nước ngoài là hàng đảm bảo "chính hãng", mẫu mã phong phú và độc. Có những thời điểm săn được giá sale "hời" tới mức chỉ còn bằng 20-30% so với giá niêm yết ban đầu. "Có đợt tôi mua được một cái áo khoác dạ thanh lý tồn kho của Guess. Cộng công xá, tiền vận chuyển về Việt Nam các kiểu cũng chỉ còn 1 triệu. Mấy hôm sau lượn lên một trung tâm mua sắm lớn ở Hà Nội, thấy áo khoác của nhãn hiệu đó bày bán vừa ít, mẫu xấu mà không có cái nào dưới 5 triệu. Bảo sao mua sắm qua mạng lại có sức hút đến thề".

Tất nhiên, thời kỳ bỡ ngỡ "trứng nước", chị Hoa cũng vấp phải nhiều lần "đau thương". Không phải dịch vụ nhận đặt hàng qua mạng nào cũng làm ăn có uy tín và thật không may, chị đã một lần trao gửi niềm tin nhầm chỗ.

"Tôi chuyển khoản đặt trước 70% giá trị đơn hàng cho họ qua ngân hàng, vì người này ở tận trong Sài Gòn. Trên muare, người ta giao dịch vì tin nhau là chính. Thế rồi 1 tháng trôi qua, hàng hóa vẫn lặn mất tăm. Nhắn tin, gọi điện, hỏi trực tiếp trên topic đều không thấy trả lời. Không riêng gì tôi, nhiều bạn khác cũng bị cô ta bỏ bom như vậy. Chúng tôi đau đớn nhận ra mình đã bị lừa. Đợt ấy tôi thiệt hại tới cả triệu, nhưng vẫn không là gì so với một bạn bị lừa tới gần chục triệu vì đặt hàng hiệu", chị Hoa kể lại.

Một đặc điểm nữa cũng khiến các dịch vụ nhận xách tay từ nước ngoài mất điểm là thời gian chờ đợi lâu. Thông thường, bạn phải chờ khoảng 1 tháng mới được chạm tay vào món đồ đã đặt. Cá biệt có những lần vận chuyển trục trặc, người mua phải chờ tới tháng rưỡi. Thế nên mới có cái cảnh tréo ngoe là đặt được chiếc áo len về tới Việt Nam thì cũng vừa vặn... hết rét, chưa kịp diện được lần nào đã phải cất tủ.

"Cái gì cũng có mặt trái cả. Thường thì đến cuối mùa, các site nước ngoài họ mới sale mạnh. Thanh lý hàng để chuyển sang mùa mới mà. Cuối mùa đông, mua áo len và áo khoác bao giờ cũng được giá cực rẻ. Tương tự, cuối hè thì mua váy, áo phông, quần sóc, tha hồ mà sale. Nhưng cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần là mua cho năm sau mặc", chị Hoa bỏ nhỏ.

Tới đi chợ

Không ham hố quần áo thời trang như chị Hoa, chị Hạnh (37 tuổi, Láng Hạ) lại kết mua sắm qua mạng theo một cách khác. Là nhân viên hành chính của một công ty công nghệ, chị bận rộn bù đầu với hàng tá những việc "bếp núc" cơ quan không tên. Đợt này, người giúp việc lại nghỉ nên chị phải giao phó việc trông con cho bà ngoại. Hậu quả là chợ búa rất khó khăn.

"Những khi hết việc tan sở, tôi lại vắt chân lên cổ phi xe ra chợ, mua đại mớ rau, miếng thịt về nấu. Bà ngoại yếu rồi, lại quần thảo cả ngày với cháu không rời ra được phút nào. Nhiều hôm về muộn, chợ chẳng còn món nào tươi tốt, lại đành phải giò lụa, thịt quay qua ngày. Chồng tôi lúc nào cũng nhăn nhó".

Thế rồi một hôm, bà bạn cùng phòng với chị Hạnh chia sẻ cho chị một dịch vụ "cứu tinh", như lời chị Hạnh tự nhận. "Nhận đi chợ giúp các mẹ trong diễn đàn", tôi đọc dòng quảng cáo của topic mà cũng bán tin bán nghi. Không biết họ đi chợ có yên tâm không, mua hàng có tươi tốt, đảm bảo chất lượng không. Nhưng rồi tất cả đều trên cả kỳ vọng".

Giờ đây, cứ sáng ra là chị Hạnh lại đưa danh sách những món cần mua cho "chủ shop". Đến chiều, họ sẽ giao hàng đến tận công ty, kèm theo hóa đơn từ siêu thị và cửa hàng đầy đủ. Công mua khá hợp lý, chỉ từ 10-15% đơn hàng, cộng thêm 10.000 VND tiền vận chuyển.Chị Hạnh thở phào nhẹ nhõm khi bữa ăn gia đình đã có cơ hội cải thiện, trong khi công việc của chị không hề bị ảnh hưởng chút nào.

Không chỉ đi chợ siêu thị, nhiều dịch vụ "nhận mua hàng ở Metro, Big C... giao hàng tận công sở" cũng đang xuất hiện trên các trang rao vặt như Rongbay, muare, lamchame. Khách mua hầu hết là nhân viên văn phòng, những người eo hẹp về thời gian nhưng lại có sẵn máy tính và kết nối Internet.

Mới đi làm trở lại sau 4 tháng nghỉ sinh, nhưng chị Hương (27 tuổi, Lê Văn Hưu) luôn tỏ ra nhàn nhã, thảnh thơi. Đồng nghiệp trong phòng ít bao giờ thấy cảnh chị đầu tắt mặt tối, trốn làm chạy đi mua bỉm, mua sữa, mua quần áo, đồ dùng cho con - một tình cảnh thường thấy ở các bà mẹ có con mọn.

Hỏi ra mới biết, tất cả các công việc mua sắm này, chị đều thực hiện tại chỗ. "Các dịch vụ cung cấp đồ dùng, thực phẩm cho em bé giờ mọc lên như nấm. Chỉ cần ít phút chạy vào Lamchame là mình đã có thể tìm thấy mọi mặt hàng quan tâm. Từ sữa cho đến tã giấy, từ bình sữa cho đến đồ chơi, xe tập đi, ghế ăn bột.... cái gì cũng có thể đặt mua qua mạng.

Sau khi chuyển khoản cho người bán, họ sẽ chuyển phát nhanh món đồ đến cho mình ngay trong ngày, hoặc một ngày sau. Quần áo cho bé cũng thế, mình toàn xem mẫu trên mạng rồi đặt họ mang đến đấy chứ. Có lần là cái váy, có khi chỉ là cái cặp tóc xinh xinh và đôi giày xuất khẩu cho con.

Gần như tuần nào mình cũng mua hàng kiểu này, tới mức các anh chuyển phát nhanh quen mặt cả rồi. Cứ nhìn thấy mặt mình là họ là cười: "À, ra lại là em", chị Hương tủm tỉm. Bà giúp việc thì cứ nhìn thấy bóng mình đi làm về là lại quay ra nựng cháu: "Mẹ về kìa, mẹ đi làm lại vác quà về kìa".

Chiều chuộng "bà chị ruột"

Ảnh
Những món đặc sản như bề bề cũng có thể mua được qua mạng. Ảnh: Lamchame.

Không chỉ thời trang, đồ dùng..., những dân văn phòng là tín đồ của "dạ dày" còn có thể mua cả đặc sản các miền qua mạng. Không hiếm những dòng rao "Bánh bột lọc Huế, bánh khọt, cua ghẹ tươi ở biển... giao tận nơi" xuất hiện trên các diễn đàn như lamchame, otofun... Thậm chí vào hè, nhiều shop còn cung cấp cả dịch vụ "sấu dầm" qua mạng.

Những ngày cuối tuần, các dịch vụ kiểu này đông tơi tới khách. Nào là cua, nào là ghẹ, nào là các loại cá, rồi thì mực một nắng, mực ống, tôm, tôm hùm, bề bề, ốc nhảy, ốc mút, ngao, ngán, rồi thì mắm tép chưng thịt đặc biệt, lợn Mường gác bếp....ngoài chợ có gì, trên mạng có nấy.

Chỉ việc đặt hàng trên topic, hoặc chat qua YM, hay nhanh nhất là nhấc điện thoại lên để gọi cho chủ hàng theo số điện thoại có sẵn, rất tiện và dễ dàng. Ăn ngon, các chị các cô lại mách nhau. Nhiều hôm liên hoan văn phòng, ngoài hoa quả tự mua, họ cũng đặt cả nem chua, bánh Huế trên mạng cho thêm phần xôm tụ.

"Nhiều anh ăn xong, kết quá, lại xin địa chỉ để mang về cho vợ đặt mua nữa cơ đấy", chị Trang (29 tuổi, nhân viên một hãng bảo hiểm) cho biết. Cuối tuần rồi, nhà chị vừa "đổi gió" bằng món bề bề và cua lột hấp đặc sản, tất cả đều đặt qua Web và được giao hàng "tận chân công trình". "Cả nhà cứ nắc nỏm khen mãi. Ai bảo cứ phải ra chợ mới mua được đồ tươi. Đúng là muôn năm mạng Net".

Hồi đầu chỉ có một vài hàng cung cấp thực phẩm qua mạng, nhưng thấy đông khách, nhiều người cùng nhảy vào. "Giá chào bán rất cạnh tranh, chỉ ngang ở chợ mà cũng rất nhiều món độc", chị Trang hào hứng. Không chỉ đồ hải sản, các shop còn cung cấp cả sữa tươi Mộc Châu giao tận nơi, rồi thì patê gan, đồ Tây xách tay, các loại bánh đặc sản Huế, đặc sản Phan Thiết..

Shop nào cũng quảng cáo "tươi ngon nhất", "nhà tự làm", chất lượng đảm bảo... Thế nên để cẩn thận, chị Trang bao giờ cũng đọc kỹ topic xem mọi người bình phẩm, phản hồi thế nào về chất lượng món ăn.

"Những topic nào càng có nhiều người cám ơn hoặc tặng sao thì càng yên tâm. Các thành viên trên diễn đàn cũng rất tích cực chia sẻ ảnh chụp và cảm tưởng của mình về món ăn, về chất lượng phục vụ để những người đi sau tham khảo. Bản thân tôi nếu thấy hài lòng cũng sẽ nhiệt tình, hào hứng chia sẻ như vậy. Đó là giá trị và ích lợi thực sự của các diễn đàn thời Net".

Sáng đi làm người ngợm gọn gàng, chiều tối về cũng túi to túi nhỏ, tay xách nách mang như ai..., một bộ phận dân công sở đang tận dụng rất tốt thời gian rảnh rỗi của mình. Trưa hè đổ lửa, mua sắm qua mạng lại càng là sự lựa chọn lý tưởng. Với nhiều người, Internet thậm chí đã trở thành kênh mua sắm chủ lực, bởi gần như cái gì họ cần cũng có thể tìm thấy trên mạng. Thấy người bên cạnh shopping"cật lực", những người khác cũng rập rình mua thử. Thế rồi "kết". Cứ thế, mua sắm qua mạng đang từng bước ngấm vào các văn phòng, nhiệm sở nhờ những giá trị không thể phủ nhận.

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)