Mozilla sử dụng những thuật ngữ khó hiểu với người Việt.

Các hãng phần mềm lớn trên thế giới hiện đều có những sản phẩm Việt hóa dành cho thị trường Việt Nam. Microsoft, Mozilla và Google… đã ra mắt những phiên bản trình duyệt web có giao diện tiếng Việt. Dù được cung cấp phiên bản tiếng Việt, nhưng đa số người dùng Việt Nam vẫn lựa chọn tiếng Anh để làm việc với sản phẩm của các hãng phần mềm nước ngoài.

Sử dụng tiếng Anh còn dễ hiểu hơn

Thế nhưng, hầu hết người sử dụng lại chọn tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc với phần mềm. Nếu nhỡ cài bản tiếng Việt, thì người dùng thường thao tác theo thói quen làm việc với tiếng Anh chứ không dựa vào chỉ dẫn tiếng Việt.

Theo TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện tượng trên là do đội ngũ phụ trách ngôn ngữ của các hãng phần mềm dịch dở và dùng văn từ không chuẩn. 

Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về sự khó hiểu và xa lạ của tiếng Việt trong các phần mềm kể trên. Ví dụ, khi cài đặt trình duyệt Firefox bản tiếng Việt của Mozilla, người dùng sẽ nhận được thông báo: “Chào mừng đến với trình thuật sĩ cài đặt Mozilla Firefox. Trình thuật sĩ sẽ hướng dẫn bạn việc cài đặt Mozilla Firefox”.

Một cảnh báo của Mozilla khi người dùng cài đặt tiện ích FireGestures: “D" xung đột với điệu bộ cho “Mở liên kết trong Thẻ mới (thẻ hậu cảnh)”. Xóa điệu bộ của “Mở liên kết trong Thẻ mới (thẻ hậu cảnh)”. Hoặc một cảnh báo khác mà người dùng trình duyệt Chrome nhận được: “Để biết thông tin chi tiết về các vấn đề với những yếu tố này, hãy truy cập vào Google Trang chẩn đoán Duyệt an toàn cho www.spyware-system.info”...

“Với thứ tiếng Việt như vậy, sử dụng bản tiếng Anh còn dễ hiểu hơn”, TS Quách Tuấn Ngọc nhận xét.

Ảnh
Với đoạn thông báo này của Firefox, nhiều người sẽ chọn dùng tiếng Anh cho chương trình máy tính của mình.

Tiếng Việt cho CNTT, bài toán hóc búa

Anh Nguyễn Tử Hoàng, Giám đốc phần mềm Bkis, phân tích: “Bản thân các thuật ngữ CNTT trong tiếng Anh là những khái niệm mới. Vì vậy, khi dịch sang tiếng Việt gây rất nhiều tranh cãi là chuyện bình thường”.

Phải mất rất nhiều thời gian, các thuật ngữ như file (tập, tệp tin), pointer (con trỏ), browser (trình duyệt), taskbar (thanh tác vụ), e-mail (thư điện tử)… tìm được một nghĩa tiếng Việt tương đối chuẩn cho mình. Bên cạnh đó, vẫn còn những thuật ngữ chưa tìm được sự đồng thuận trong tiếng Việt như tab, menu, hibernate, slideshow, undo… Trước khó khăn này, có chuyên gia CNTT cho rằng, tìm cách dịch mọi thuật ngữ sang tiếng Việt là biện pháp cực đoan. 

Một nguyên nhân nữa dẫn tới sự lộn xộn tiếng Việt trong các sản phẩm CNTT. Đó là khi thiết kế phần mềm và trình bày giao diện, các nhà phát triển phần mềm thường chú ý mặt hình thức, tính thẩm mỹ nên đã cố gắng sử dụng những từ ngữ ngắn gọn nhất có thể dành cho các lựa chọn, chú thích, hướng dẫn thực hiện… của sản phẩm, do đó, quên đi nhiệm vụ làm sản phẩm trở nên thân thiện đối với người dùng.

Ảnh
Phần mềm ác ý có thể hiểu là phần mềm mã độc hoặc malware. Còn Tác giả chưa được xác minh có thể hiểu thông báo về việc tác giả của tiện ích Download Statusbar không chịu trách nhiệm với những lỗi mà người dùng gặp phải khi cài đặt sản phẩm.

Nhìn vào các phần mềm thông dụng do người Việt Nam phát triển như Unikey, BKAV, Phần mềm kế toán Misa... có thể thấy không phải lúc nào cũng có thể sử dụng các thuật ngữ CNTT thuần Việt. Hiện tại, cách sử dụng tiếng Việt trong phần mềm của các hãng trong nước thường dựa vào kinh nghiệm, yêu cầu và đóng góp của khách hàng hoặc khi chưa tìm được từ “đắt nghĩa” thì để nguyên tiếng Anh và có giải thích đi kèm.

Ảnh
Người dùng dễ lúng túng khi phải chọn giữa: No Thanks và Bỏ qua.

Cùng với trường hợp tiếng Việt “dị dạng” trong các phần mềm nước ngoài, việc không có quy chuẩn, thiếu chuyên gia ngôn ngữ am hiểu để có thể Việt hóa các thuật ngữ CNTT cho thấy, khả năng người dùng máy tính tiếp cận tiếng Việt trong sáng, dễ hiểu còn là bài toán hóc búa, chưa có lời giải.

Theo Báo Đất Việt.



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30904

Chắc tác giả bài viết không biết rằng người Việt hoá những phần mềm trên, đa số đều là người Việt và đang sinh sống ở Việt Nam Wink

Còn anh Quách Tuấn Ngọc, Nguyễn Tử Hoàng có thể không để ý rằng nếu người dùng không biết tiếng Anh, thì liệu chuyển sang tiếng Anh có dễ hiểu hơn không?