Dường như cùng một thời điểm từ đầu tháng 6, các đại gia di động lần lượt tung ra chương trình giảm cước với khẩu hiệu "giảm cước tiên phong lớn chưa từng có" hâm nóng thêm nhiệt độ vào hè. Nhưng liệu rằng đây có phải một cuộc cạnh tranh thực sự vì lợi ích khách hàng, hay chỉ là một màn xào lại để tăng lượng thuê bao mới của các "đại gia"?
Nghe tưởng nhiều, nhưng được chẳng bao nhiêu
Theo mức giảm mà 3 "ông lớn" (VinaPhone, MobiFone, Viettel Telecom) công bố thì mức giảm cước lần này có thể lên tới 30%, áp dụng cho tất cả các gói cước và khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Theo MobiFone, mức giảm cước sẽ tập trung vào các gói thuê bao trả trước vốn đang chiếm tỷ lệ khá cao trong thành phần thuê bao của mạng này.
Còn về phần Viettel Telecom, mạng giảm đầu tiên thì có hình thức khuyến mãi dàn trải hơn với những con số giảm cũng khá ấn tượng dành cho các thuê bao. VinaPhone là nhà mạng cuối cùng đưa ra phương án cạnh tranh nhưng theo ông Hồ Đức Thắng, Phó GĐ VinaPhone thì các mức cước cơ bản của VinaPhone sẽ là thấp nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy tất cả những mức giảm mà các nhà mạng đang áp dụng chủ yếu hướng tới thuê bao trả trước, còn các thuê bao trả sau thì chỉ được giảm ở mức phí thuê bao cố định, cước cuộc gọi giảm chỉ xấp xỉ 3% chưa bao gồm thuế VAT.
Lý giải điều này, đại diện nhà mạng đều cho rằng, hiện nay thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh với sự gia tăng của các thuê bao trả trước. Do đó, nếu kích cầu vào các gói trả trước thì sẽ kích thích được người dùng mới, thu hút được thuê bao chuyển mạng. Con số "lên tới 30%" hiển thị trên các băng-rôn thì người dùng chỉ có thể tìm đỏ mắt tại các gói thuê bao "hiếm" hay ở các dịch vụ ít người dùng như gọi theo nhóm, gọi nội bộ phải đăng ký trước các số gọi tới...
Ai lợi, lợi ai?
Không thể phủ nhận rằng, việc giảm cước của các nhà mạng là một bước kích cầu và tạo thêm quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhưng nếu nhìn lại một cách tổng thể, sẽ thấy đợt giảm cước lần này hiệu quả chưa nhiều nhưng lại phát sinh nhiều hạn chế. Đó là việc những khách hàng đích thực là thuê bao trả sau, thuê bao lâu năm chưa được hưởng nhiều từ đợt giảm giá này. Các thuê bao trả trước vốn những tưởng là có mức giảm khá cao, thì nay nếu so với thực trạng chung thì chưa biết chừng lại thấp hơn cả trước khi có đợt giảm cước.
Lý do nằm ở chỗ, thời điểm trước 01/06/2009, các nhà mạng liên tục có những chương trình khuyến mại ngắn ngày với việc tăng giá trị thẻ nạp từ 150% cho tới 130% liên tục và rải rác, thì nay, mức giảm cố định sẽ là "rào cản" cho những chương trình khuyến mại tài khoản, khó có thể tặng nhiều như trước nữa. Thêm vào đó, nếu trước đây Viettel Telecom và MobiFone được người dùng đánh giá cao ở hình thức khuyến mại "tặng tiền mỗi phút nghe" thì giờ đây chương trình đã không còn song hành với mức cước mới.
Tiếp đó, việc Bộ TT&TT xiết chặt hình thức quản lý thuê bao trả trước với việc mỗi người dùng sẽ chỉ được đăng ký tối đa 3 thuê bao trả trước càng khiến phương án giảm cước hướng tới đối tượng thuê bao mới của các đại gia thêm u ám. Nếu trước đây người dùng coi việc mua SIM "rác" để dùng tài khoản khuyến mại và hưởng cước gọi rẻ dẫn tới tình trạng thuê bao ảo nhức nhối thì nay, việc chặt chẽ trong quản lý sẽ giảm thiểu những hình thức sử dụng này.
Theo đại diện các mạng, đợt giảm cước lần này sẽ đạt mức cước sàn toàn khu vực cũng như đạt mức giá bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Giảm cước, đương nhiên doanh thu sẽ giảm theo và việc quay ra triển khai các nền hạ tầng dịch vụ mới sẽ là lời giải duy nhất để kích thích thuê bao và tăng doanh thu.
Nhưng nhìn nhận thực tế chung cho thấy, trình độ sử dụng dịch vụ viễn thông của người Việt Nam chưa cao. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì trên tổng số 80 triệu thuê bao di động toàn quốc, chỉ có khoảng 10% người dùng sử dụng dịch vụ truy cập dữ liệu (GPRS/EDGE); 30% sử dụng các dịch vụ SMS đầu số ngắn và con số này đang ở mức bão hòa.
Giảm nữa, giảm mãi có tốt?
Nếu những năm đầu của thế kỷ 21, cước di động luôn là chủ đề nóng khi mà mức cước của nước ta cao hơn các nước trong khu vực vài lần thì hiện nay, con số cước hiện tại đã đang là xấp xỉ, thậm chí là rẻ hơn cả Singapore (Gói cước Classic mạng SingTel có mức gọi từ 10.70¢/phút đến 21.40¢/phút tùy thời điểm trong ngày). Nếu bỏ qua các vấn đề về chất lượng thoại hay dịch vụ gia tăng, thì người dùng Việt Nam đang được sử dụng dịch vụ di động gần như rẻ nhất thế giới.
Nhưng, nếu xét một cách tổng thể, đợt giảm cước lần này không tạo ra được sự kích cầu về mặt thuê bao mà khách quan đánh giá chỉ là cuộc đua giữa các ông lớn. Mà "trâu bò đánh nhau", thì đương nhiên các "tiểu gia" sẽ phải lách qua khe cửa hẹp hơn nữa nếu muốn tạo nên một thương hiệu, một sức hút mới.
Đơn cử như S-Fone, với gói cước E-Co 999 mới quảng cáo đình đám thì nay sẽ chẳng chênh lệch được với các đại gia là bao, nếu như không muốn nói cước nội mạng còn cao hơn. Về phía 2 nhà mạng GSM mới chập chững xuất quân trong tháng 6 và 7 là Beeline và Vietnamobile, chưa thấy một động tĩnh gì ngoài việc đưa ra các gói cước kèm chương trình khuyến mại nhưng không tạo được điểm nhấn. Vậy há chẳng phải các "đại gia" đang "thi triển" đòn độc quyền theo nhóm một cách "lách luật"?
Nhìn nhận lại sẽ thấy rõ ràng bài toán giảm cước vừa qua của các nhà mạng là chưa thực sự tạo độ kích cầu như mong muốn. Người dùng mới sẽ vẫn phân vân với các gói cước và thuê bao cũ vẫn không được lợi nhiều. Đó vẫn chỉ là một vết bánh xe hằn sâu trong bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam là cạnh tranh bằng giảm cước. Hiếm thấy có doanh nghiệp nào đưa kèm thông cáo báo chí cùng chương trình giảm cước là thêm BTS, thêm dịch vụ gia tăng.
Xin trích dẫn lời một thuê bao phản ánh về VietNamNet để thay lời kết: "Nghĩ lại thì cũng có gì đáng rầm rộ đâu. Đúng ra thì từ trước các mạng này đã giảm cước lâu rồi, giờ đến thời gian quy định thì hợp thức hóa. Từ 1/6, Viettel sau khi tuyên bố giảm cước thì cũng "hóa vàng" luôn cái vụ "giảm 100 đồng cho mỗi phút nghe" - tức là chuyển vụ giảm tiền từ người nghe sang người gọi, còn tiền thu về vẫn thế. MobiFone “tong tẩy” giảm cước theo ngay, nhưng cũng kịp khóa mấy vụ khuyến mại lại. Trước khi giảm cước, MobiFone cũng ngừng khuyến mại nghe từ 26/5. VinaPhone cũng không nằm ngoài cuộc đua giảm cước theo kiểu ’Bình mới rượu cũ’ này".
Theo Vương Long (VietnamNet)
Bình luận