Gizmodo và Engadget – 2 blog về đồ công nghệ hàng đầu thế giới luôn gằm ghè, chực nuốt danh tiếng của nhau bằng mọi thủ đoạn.
Gần 2 giờ sáng, Brian Lam, biên tập viên của Gizmodo, một weblog công nghệ chuyên đánh giá nhận xét các sản phẩm điện tử tiêu dùng có trụ sở tại San Francisco cảm thấy vô cùng hoan hỉ. Lam đã có một hành động thật táo bạo, đó là chụp trộm từ xa chiếc ti vi plasma 150 inch hiệu Panasonic đang được trưng bày tại cuộc triển lãm đồ điện tử tiêu dùng (CES) được tổ chức thường niên lần thứ 41 tại Las Vegas (Mỹ) năm 2008. Vậy là Lam đã có thể công bố cho độc giả của mình biết một sản phẩm lẽ ra sẽ được tiết lộ trong vòng 34 tiếng nữa. Dù bức ảnh không được rõ ràng và láng mịn như thông thường nhưng Lam tin chắc rằng độc giả của anh sẽ thích bức ảnh này. Hơn thế nữa, việc công bố trước sản phẩm sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho Gizmodo trước đối thủ Engadget.
Tuy nhiên, trước khi post sản phẩm mới lên Gizmodo, Lam đã vào thử Engadget (Lam thường hạn chế vào Engadget bởi việc này sẽ làm anh mất ngủ). Đập vào mắt là hình ảnh màn hình Panasonic 150 inch với tác giả là Ryan Block đã được đăng trước đó 15 phút, Lam cảm thấy choáng váng. 3 giờ sáng, dù tâm trạng đang rất buồn bực, Lam cố trèo lên giường ngủ lấy sức bởi cuộc triển lãm thậm chí còn chưa bắt đầu.
Mối thù truyền kiếp
Đây chỉ là một góc nhỏ trong thế giới blog công nghệ, nơi mà những vụ đặt cược được tính bằng lượng độc giả truy cập. Engadget và Gizmodo, hai trong số những blog phổ biến nhất về công nghệ trên thế giới với lượng 4,1 triệu và 3,4 triệu khách (unique visitor) truy cập hàng tháng đều có kỷ lục về tin nhanh. Engadget là blog công bố những hình ảnh đầu tiên về Xbox 360 trong khi Gizmodo công bố những shot hình đầu tiên về phiên bản thứ 2 của Microsoft – Zune. Chưa đầy 6 năm, 2 kì phùng địch thủ này đã trở thành những blog có tiếng nói nhất trong thế giới công nghệ.
Engadget và Gizmodo – cặp đối thủ tại chính quê nhà (Mỹ) coi nhau như mối thù truyền kiếp và họ sẵn sàng giở những thủ đoạn bất hợp pháp để hạ bệ đối thủ. Engadget hiếm khi có đường link kết nối tới Gizmodo và thường xuyên nhạo báng đối thủ như một blog luôn dự đoán không chính xác. Chủ của Gizmodo, Nick Denton từng tuyên bố Engadget "a ma tơ" và không đáng tin cậy. Lam cho rằng 2 blog không bao giờ chơi đẹp và cư xử lịch thiệp với nhau, giữa họ chỉ tồn tại thù ghét và những hành động đê tiện. Block cho rằng Lam, một người từng xây dựng và biên tập cho tạp chí Wired sẽ sử dụng mối quan hệ của mình để cô lập Engadget. Tuy nhiên chính Wired – đối thủ của cả Engadget và Gizmodo - đã nói xấu Block rằng anh đã cấm nhân viên của mình không được nói chuyện với phóng viên của Wired.
Nhất tốc độ
Yếu tố chính tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là tốc độ, thước đo này được blog sản phẩm công nghệ sử dụng để tự đánh giá khả năng của mình. Chỉ cần chậm vài giây là chiến thắng và vinh quang đã thuộc về người khác. Engadget và Gizmodo có nhiệm vụ gần giống nhau, đưa nhanh những tin tức nóng bỏng tới một lượng lớn độc giả là những người hâm mộ công nghệ, tuy nhiên họ lại tạo ra những sự khác biệt hoàn toàn. Tin tức của Engadget khá hay và hoàn chỉnh trong khi Gizmodo quá sa đà vào những câu chuyện phiếm. Phóng viên của Gizmodo thì thường xuyên tuyên bố trên blog rằng mình thích những thứ không lành mạnh như rượu, cần sa và những cô đào nổi tiếng.
Tuy nhiên, cuộc triển lãm công nghệ, nơi mà có khoảng 2.700 doanh nghiệp giới thiệu hơn 20.000 sản phẩm kéo dài trong 4 ngày, lại trở thành mục tiêu chính của các blog. Tổng kết sau sự kiện này, Gizmodo sản xuất thêm được 400 bài và Engadget thì đáng nể hơn với 750 bài - những con số này gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cường độ làm việc thông thường của họ.
Nhì cự ly
Để làm được như vậy, Lam đã phải lên chiến lược từ cả năm trước đó. Khi mà cuộc triển lãm công nghệ năm 2007 vừa kết thúc, anh đã đặt phòng trước tại Hilton, khách sạn gần với trung tâm triển lãm nhất để phục vụ cho công việc tác chiến của Gizmodo và là nơi tạm trú của các thành viên. Lam cũng đặt một dãy phòng tại khách sạn ImperialPalace bởi khu này gần với khu tàu điện Las Vegas, điều này sẽ giúp các thành viên của Gizmodo đỡ mất thời gian đợi taxi mỗi lần tới khu triển lãm. Và tất nhiên Lam cũng hy vọng nhân viên của mình cống hiến hết mình vì công việc.
Trụ sở chính của Gizmodo được sắp đặt như một phòng họp thông thường với la liệt laptop và thiết bị video dọc 2 dãy bàn. Nhân viên chạy hối hả quanh phòng và cuống cuồng xuất bản những bài viết ngắn khoảng 200 từ. Trong khi đó, Lam dành hầu hết thời gian của mình để soi mói blog của đối thủ, lên lịch xuất bản trong ngày và biên tập bài.
Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng cũng tạo cho Gizmodo cơ hội lớn để tạo mối quan hệ với các hãng điện tử. Khi Pioneer chuẩn bị tung ra sản phẩm ti vi plasma siêu mỏng, Gizmodo là nơi đầu tiên biết bởi Lam và đồng nghiệp đã tạo được mối quan hệ với công ty này.
Lam bắt đầu ra nhập và tiếp năng lượng cho Gizmodo vào năm 2006. Dù Lam và Block một mực khẳng định họ là bạn lâu năm thì việc chơi bẩn lẫn nhau của 2 blog này là một điều hiển nhiên. Cả hai đổ tội lẫn nhau rằng người nọ “vạch áo” của người kia. Lam nói Engadget đã chơi xấu khi cho đăng những bài viết đã được Gizmodo đăng từ tháng trước trong khi Block cho rằng Lam đã phạm pháp khi sử dụng hình ảnh của Engadget để minh họa cho chuyên mục Macworld của Gizmodo.
Cuộc chiến không phân thắng bại
Dĩ nhiên biên tập viên của 2 blog đều phải thừa nhận và xin lỗi đối thủ vì hành động xấu của mình bởi thế giới blogger luôn có chỗ cho đạo đức dù họ có muốn hay không và dù cuộc canh tranh có sôi sục tới cỡ nào thì rõ ràng họ đang làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nhau. Hầu như các cuộc chiến kinh tế đều xoay quanh những đối tượng “khan hiếm” như khán giả, khách hàng và tiền tệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cuộc chiến giành độc giả không hề có một sự phân thua thắng bại bởi chẳng ai cấm độc giả tham gia cả 2 blog. Theo Jeff Jarvis, giám đốc chương trình đào tạo thực tập báo chí và blog tại Đại học City, trạng thái truyền thông này hết sức tự nhiên và sự cạnh tranh giữa các blog sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Theo ICTnews (Wired)
Bình luận