Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của ScriptLogic, có tới 60% số doanh nghiệp sẽ không vội vàng nâng cấp lên hệ điều hành Windows 7.
34% có thể sẽ chờ đến cuối năm 2010 mới triển khai cài đặt, tuy nhiên, Microsoft vẫn còn một điều để tự an ủi mình. Bởi đến năm 2011, lần đầu tiên, một hệ điều hành 10 năm tuổi như Windows XP sẽ vẫn là hệ điều hành desktop được sử dụng nhiều nhất.
Tất nhiên, chính sách bán phần mềm của Microsoft sẽ đảm bảo rằng tỷ lệ đón nhận nghèo nàn dành cho Windows 7 nói trên cũng không thể ảnh hưởng quá nặng đến tình hình tài chính của hãng.
Dù thị trường hệ điều hành có thể tĩnh tại, nhưng phần cứng vẫn là phần cứng. Chúng sẽ hỏng và cần được thay thế. Đó là khi Microsoft sẽ bán cho bạn thêm một hệ điều hành nữa.
Việc Microsoft quyết định gia hạn hỗ trợ XP cho thấy, bản thân gã khổng lồ phần mềm cũng hiểu rõ thực tế: người dùng không dễ dàng từ bỏ Windows XP để chuyển lên Windows, giống như trước đây họ đã từng nói "Không" một cách lạnh lùng với Vista.
Chuyện giới phân tích đánh giá, ca ngợi Windows 7 "tốt hơn nhiều so với Vista" cũng chẳng thể thay đổi được tình hình. Vấn đề không phải là Vista hay Windows 7 chưa sẵn sàng cho doanh nghiệp. Đơn giản, đại đa số doanh nghiệp chỉ cần Microsoft XP và Microsoft Office 2000 là đủ.
Suy cho cùng, bạn nghĩ vì sao Office 2007 lại phải cải tổ hoàn toàn giao diện người dùng cơ chứ? Bởi vì đó là cách duy nhất để tạo ra sự khác biệt giữa nó với Office 2003.
Những tính năng mới kiểu như hỗ trợ Định dạng tài liệu mở (OpenDocument) hoàn toàn có thể được chèn vào Office 2003 giống như với Office 2007. Về cơ bản, Office 2007 giống như một miếng đề can "Mới và Cải tiến" dán đè lên Office 2003 vậy.
Không còn bắt buộc
Đã có một thời, việc nâng cấp là chuyện đương nhiên phải làm trong tư duy của các doanh nghiệp. Suốt 15 năm qua, họ đã làm công việc này một cách không ngừng nghỉ và không mệt mỏi, từ Windows NT 4 đến Windows Server 2000, rồi Windows Server 2003 (đối với máy chủ), hoặc từ Windows 95 lên 98, 2000 và XP (đối với desktop).
Việc nâng cấp hệ điều hành mỗi năm giống như một yêu cầu nhất thiết vậy: làm hoặc là chết. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của điện toán doanh nghiệp, dường như người ta đã đạt tới cảm giác "thỏa nguyện" và "thế là đủ". Đại bộ phận ứng dụng hiện nay đều hỗ trợ XP chứ không chính thức ủng hộ Vista. Kẻ tiền nhiệm XP vẫn được ưa chuộng hơn hẳn.
Thực ra thì lỗi cũng không hoàn toàn thuộc về Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm đã để thời gian chết giữa hai hệ điều hành quá lâu, trong khi Vista lại là một sản phẩm lỗi thời, chậm chạp, nhiều lỗi, đắt đỏ, vô tác dụng.
Sau đó, họ cố gắng sửa sai bằng việc thổi phồng Windows 7 quá sớm (một năm trước thời điểm phát hành chính thức). Suy thoái kinh tế toàn cầu càng khiến cho tình hình trở nên u ám hơn.
"Môi trường điện toán doanh nghiệp đã tương đối hoàn thiện và ổn định, cả về phần cứng lẫn phần mềm, máy chủ lẫn cấu trúc mạng. Mục tiêu mà họ hướng tới bây giờ là hiệu suất di động, khả năng liên thông và ảo hóa. Thật không may cho Microsoft, hãng đang tụt hậu khá nhiều ở cả 3 lĩnh vực này.
Theo VietnamNet (PCWorld)
Bình luận