Danh sách những nhân vật đang làm thay đổi lĩnh vực công nghệ dây trên toàn thế giới. Ảnh LaptopMag.

Tạp chí máy tính LaptopMag (Mỹ) liệt kê danh sách những người đang có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực công nghệ di động toàn cầu. LaptopMag cho biết họ đã đưa hàng tá những ứng viên từ rất nhiều lĩnh vực, cuối cùng chọn ra được 25 ứng viên xuất sắc nhất.

Dưới đây là danh sách 8 trong số 25 ứng viên có ảnh hưởng nhất đến ngành công nghệ di động. (xem thêm phần I)

Shantanu Narayen, 44 tuổi

CEO của Adobe Systems

Đố bạn có thể sống một ngày mà không có Adobe - công ty này đứng sau Acrobat, Photoshop, và các chương trình như TweetDeck và công nghệ Flash cho phép xem phim trực tuyến trên YouTube và Hulu. Sự thâm nhập của công nghệ Flash trên máy tính đã đạt gần như 100%, nhưng hầu hết di động hiện không hỗ trợ công nghệ này, chủ yếu là vì lo ngại thời gian pin và năng lực xử lý. Tuy nhiên, Adobe dự kiến công nghệ Flash sẽ sớm xuất hiện trên di động, cùng với netbook và thiết bị Internet di động dùng chip ARM.

Narayen là người chủ xướng công nghệ Flash. Ông tin rằng với việc cung cấp một môi trường thống nhất, Flash sẽ được ứng dụng trên tất cả các hệ điều hành và các thiết bị.

Andy Rubin, 46 tuổi

Giám đốc nền tảng di động của Google

Andy Rubin là bộ não đằng sau Android, nền tảng di động dựa trên Linux được Google mua vào năm 2005. Trong năm 2008, T-Mobile và HTC đã ra mắt thiết bị Android đầu tiên là G1. Từ khi ra mắt, đã có hơn 1 triệu chiếc G1 được bán ở thị trường Mỹ và Vodafone cũng đã ra mắt phiên bản thứ hai, gọi là HTC Magic ở châu Âu. Mặc dù mới chỉ có một thiết bị Android ở thị trường Mỹ nhưng tiềm năng của Android như là hệ điều hành cho di động và netbook bắt đầu được hiện thực hóa. Thomas Kang, chuyên gia phân tích ở công ty Strategy Analytics dự đoán doanh số di động thông minh Android sẽ tăng 900% trong năm 2009.

Liên minh thiết bị cầm tay mở (OHA - Open Handset Alliance) hiện có 47 thành viên là các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ hậu thuẫn cho Android, trong đó có hai nhà sản xuất chip Intel và Nvidia. Samsung gần đây đã giới thiệu về di động I7500 chạy Android, là một trong số nhiều di động sử dụng hệ điều hành của Google mà công ty này nói sẽ ra mắt cuối năm nay. Motorola cũng đã chính thức thông báo về việc sẽ ra mắt các thiết bị dùng Android cuối năm nay. Thậm chí cả các nhà sản xuất netbook cũng tuyên bố sẽ dùng Android: Acer nói đang xem xét ra mắt netbook dùng Android và có tin đồn Dell cũng sẽ dùng Android cho netbook.

Andy Rubin là người sáng lập Danger, Inc – công ty chế tạo ra di động Sidekick đầu tiên và được Microsoft mua lại với giá 500 triệu USD vào năm 2008.

Paul Jacob, 46 tuổi

CEO kiêm Chủ tịch Qualcomm

Từ truyền hình trực tiếp trên di động đến cung cấp truy cập băng rộng không dây cho laptop và netbook, hầu như không thiết bị di động nào không có sự hiện diện của Qualcomm. Paul Jacobs là người tham gia nghiên cứu từ đầu tiêu chuẩn CDMA, gần đây giám sát việc ra mắt nền tảng chipset GOBI. GOBI cho phép các khách hàng sử dụng laptop để truy cập Internet băng rộng không dây dựa trên công nghệ HSPA (công nghệ truy cập gói tốc độ cao) hoặc EV-DO (công nghệ tối ưu hóa dữ liệu mở rộng).

Một dự án khác nằm trong chiến lược của Paul Jacobs là chipset Snapdragon chạy trên netbook, các thiết bị Internet di động (MID) và di động thông minh. Snapdragon cho phép netbook chạy ứng dụng video độ nét cao (720p), đồ họa 3D, GPS, MediaFLO, Wi-Fi, EV-DO, HSPA, hỗ trợ hiển thị XGA cho máy ảnh tới 12MP. Hiện có hơn 15 nhà sản xuất như Acer, ASUS và Toshiba đang tiến hành tích hợp Snapdragon vào trên 30 loại sản phẩm khác nhau. Hãng ABI dự báo Snapdragon sẽ tạo tiếng vang lớn trong làng thiết bị di động toàn cầu với lượng tiêu thụ đạt 2 triệu chiếc trong năm nay. Cha của Paul Jacobs là người sáng lập Qualcomm, Irwin Jacobs.

Jen-Hsun Huang, 46 tuổi

Đồng sáng lập, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Nvidia

Với việc ra mắt nền tảng Ion và bộ vi xử lý Tegra, Jen-Hsun Huang đã chính thức tuyên chiến với các đối thủ trong lĩnh vực bộ vi xử lý đồ họa (GPU) được ông ta gọi là “cuộc chiến vì linh hồn của máy tính”.

Ion (được thiết kế cho netbook và nettop – máy tính để bàn giá thấp) cặp đôi chip Atom của Intel với bộ vi xử lý đồ họa mạnh GeForce 9400M của Nvidia. Trong khi Tegra bổ sung thêm tính năng 3D cho các thiết bị Internet di động và hứa hẹn sẽ có thời gian pin 10-15 giờ, gần gấp đôi thời gian pin của netbook. Với việc cả hai nền tảng này của Nvidia có khả năng xử lý độ nét cao, những người sở hữu các thiết bị điện toán di động sẽ không lo bỏ lỡ nội dung và game độ nét cao.

Thiết bị đầu tiên dùng bộ vi xử lý Tegra dự kiến phải cuối năm nay mới có sản phẩm thương mại, nhưng Ion gần đây đã được một số hãng sản xuất laptop lớn ứng dụng như Lenovo và Apple. Dự kiến những laptop dùng nền tảng Ion với khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay với giá đắt hơn từ 50-100 USD so với laptop thường. Chiếc laptop Lenovo IdeaPad S12 dùng nền tảng Ion sẽ có giá 499 USD.

Lowell McAdam, 54

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Verizon Wireless

Với 25 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ viễn thông, Lowell đã giúp Verizon Wireless tăng 28,8% lượng thuê bao, đạt con số 86,6 triệu khách hàng trong vào quý I/2009, nhờ phần lớn vào việc sáp nhập Alltel.

Trở thành nhà cung cấp lớn nhất vẫn chưa đủ đối với MacAdam, người đang cố gắng phá vỡ các giới hạn công nghệ bằng cách mở mạng CDMA/EV-DO của Verizon Wireless cho các thiết bị thứ ba và bắt đầu chuyển sang cuộc cách mạng 4G với mạng LTE siêu nhanh dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2010.

Verizon gần đây đã ra mắt Trung tâm cải tiến LTE được coi là chất xúc tác cho việc phát triển các sản phẩm phi truyền thống cho mạng LTE sắp tới. “Không quá cường điệu để nói rằng chúng tôi đang đạt những kết quả chắc chắn sẽ mở ra làn sóng sáng tạo không dây to lớn”, McAdam nói. “Tốc độ và băng thông của LTE sẽ cho phép các ứng dụng sáng tạo làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn, cải thiện được chất lượng và giảm chi phí chăm sóc y tế, cách mạng hóa việc các gia đình quản lý năng lượng, mờ ra những ứng dụng mà chúng tôi chưa thể tưởng tượng ra”.

Có tin đồn rằng iPhone 4G (LTE) và máy tính bảng đa phương tiện của Apple đang nằm trong kế hoạch của MacAdam trong năm tới.

Horace Luke, 39 tuổi

Giám đốc sáng tạo của HTC

Horace Luke không phải là tân binh trong lĩnh vực thiết kế. Sau khi làm việc cho Nike và Microsoft (giúp thiết kế Xbox), Luke đã chuyển đến HTC với một mục tiêu duy nhất: giúp HTC trở thành công ty lớn cạnh tranh với Sony và Samsung. Nhóm thiết kế của Luke ở HTC đã ra mắt hai di động Android đầu tiên là G1 và HTC Magic.

Sức tưởng tượng của Luke có thể thấy trong nhiều sản phẩm của HTC, đặc biệt trong những thiết bị mới nhất như HTC Snap và Touch Pro 2 có những thiết kế độc đáo. HTC Snap có một nút hộp thư gọi là Inner Circle, cho phép bạn lọc email để ưu tiên một số người bạn muốn quan tâm. Và khi bạn đặt Touch Pro 2 xuống bàn, nó sẽ tự động tắt chuông, chuyển sang chế độ hội nghị. Nếu những tin đồn là sự thật, có thể vào cuối năm nay HTC sẽ ra mắt netbook chạy hệ điều hành Android.

Ted Clark, 52 tuổi

Phó chủ tịch, giám đốc mảng notebook toàn cầu của HP

Ted Clark là người cứ mỗi giây bán được một notebook. Trên cương vị đứng đầu mảng kinh doanh laptop bán chạy nhất của HP, Clark quản lý mọi thứ từ chiến lược netbook của công ty đến việc ứng dụng công nghệ mới. Trong 18 năm làm việc tại HP, Clark đã khởi phát nhiều xu hướng: như thiết kế vỏ ngoài bóng loáng của laptop HP được nhiều hãng khác bắt chước hay HP TouchSmart tx2z là laptop đầu tiên dùng màn hình cảm ứng đa điểm.

Hiện tại, Clark đang chú tâm vào việc ra mắt những laptop siêu mỏng nhẹ như Pavilion dv2 (sử dụng chip Neo của AMD) và lên kế hoạch mở rộng chức năng máy tính bảng cảm ứng đa điểm của HP. Đặc biệt, Clark cho rằng sự phát triển của điện toán đám mây sẽ làm giảm sự cần thiết phải có những laptop đủ tính năng. “Càng ngày laptop sẽ càng mỏng và nhẹ, và chúng có xu hướng sẽ là máy tính giản thể (thin client) hoặc thiết bị ảo”, Clark dự đoán.

Ralph de la Vega, 57 tuổi

Chủ tịch kiêm CEO phụ trách di động của AT&T

Từng là giám đốc điều hành của Cingular, Ralph de la Vega mang lại tinh thần cạnh tranh và giúp AT&T vững ngôi vị tiên phong trong lĩnh vực viễn thông ở Mỹ với sự hỗ trợ của một thiết bị duy nhất, đó là iPhone. AT&T đã kích hoạt 1,6 triệu iPhone trong quý đầu tiên của năm 2009, trong đó có 40% là thuê bao mới. AT&T cũng tiên phong trong việc cung cấp cho thuê bao di động nhắn tin bàn phím QWERTY tiêu chuẩn (hiện có 22 thiết bị) và netbook.

Thách thức tiếp theo của Ralph de la Vega là mang kết nối đến một nhóm thiết bị không dây không phải di động như đầu đọc sách điện tử (ebook reader), thiết bị chỉ dẫn GPS và thiết bị đa phương tiện di động. AT&T coi đó là nhóm thiết bị mới nổi dự kiến sẽ có khe cắm SIM card để gọi điện thoại như di động.

Ralph de la Vega cho biết trong tương lai gần, AT&T sẽ tiếp tục tăng tốc độ mạng 3G, mở ra nhiều thiết bị di động và netbook mới làm cho người dùng sử dụng tin nhắn và các ứng dụng dữ liệu dễ dàng hơn. Ngoài ra, AT&T cũng sẽ đưa khả năng di động vào những thiết bị điện gia dụng trước đây chưa được kết nối.

Theo ICTnews (LaptopMag)



Bình luận

  • TTCN (0)