Một công nhân Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cắp mẫu thử của iPhone thế hệ 4 đã nhảy lầu tự tử.
Sun Danyong, 25 tuổi, là một kỹ sư mới tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm ở bộ phận thiết bị viễn thông của hãng sản xuất và gia công thiết bị điện tử Foxconn ở phía nam Thẩm Quyến (Trung Quốc). Hãng này của Đài Loan và chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple.
Ngày 9/7, Sun được giao nhiệm vụ chuyển 16 mẫu thử của chiếc điện thoại iPhone thế hệ 4 từ một dây chuyền lắp ráp về văn phòng của hãng.
Một chiếc bị mất không rõ lý do
Sun khai rằng anh ta không biết chiếc điện thoại kia ở đâu. Ban đầu anh ta tưởng đã để quên ở nhà máy nên đã quay lại tìm rất kĩ, nhưng không thấy. Tới thứ hai (13/7), Sun báo cáo trường hợp này với cấp trên và Foxconn ngay lập tức mở cuộc điều tra nội bộ. Sun bị bắt giam ngay tại công ty. Ba ngày sau, 16/7, anh ta tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ tầng 12 xuống.
Trước khi tự sát, Sun đã lên mạng tâm sự với những người bạn cùng lớp rằng đây là khoảng thời gian “đáng xấu hổ” nhất cuộc đời mình. Cũng theo lời khai từ những người bạn của Sun thì anh ta đã bị nhân viên an ninh đánh đập. Nhà riêng bị khám xét còn anh ta thì bị nhốt trong căn phòng giam giữ tại công ty.
Foxconn bày tỏ sự cảm thông với gia đình người quá cố, và không ngờ sự việc lại diễn ra theo chiều hướng này. Đại diện Apple cũng tỏ ý thương tiếc với trường hợp của Sun, nhưng khẳng định họ vẫn đang chờ đợi kết quả cuộc điều tra từ phía công ty phải chịu trách nhiệm giữ bí mật kinh doanh cho mình.
Thông tin về vụ tự sát đã gây chấn động giới kinh doanh và CNTT. Theo một nguồn tin cho hay, thái độ của giới CNTT thế giới hiện nay khá đa dạng. Có người tỏ ra hết sức phẫn nộ với Apple – một công ty khét tiếng về bảo mật thông tin – “thật đáng ghê tởm… một chiếc iPhone mà đáng một mạng người?”. Trong khi đó có người lại tỏ ý nghi ngờ và cho rằng chưa nên kết tội ai khi chưa có kết quả điều tra rõ ràng. Họ đặt dấu hỏi cho lý do vì sao một kĩ sư trẻ tuổi, và có lẽ là có cả tài năng, lại không vượt qua được quá trình điều tra mà chọn cái chết?
Những chi tiết mới nhất về các sản phẩm của Apple luôn là khao khát của các hãng cạnh tranh “đói” thông tin. Việc giữ bí mật tuyệt đối để kích thích trí tò mò đồng thời “làm giá” với người tiêu dùng là chiến lược kinh doanh bấy lâu nay của Apple. Nó khiến cho việc chạy đua kiếm tin “tuyệt mật” càng trở nên khốc liệt.
Bản thân Foxconn cũng vấp phải những sự cạnh tranh rất gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc đại lục đang muốn làm nhà sản xuất cho hãng điện thoại đáng khao khát của hàng vạn người trên thế giới.
Việc đánh mất một mẫu thử của dòng sản phẩm chủ lực nhất của Apple sẽ khiến cho uy tín của Foxconn giảm sút nghiêm trọng. Cho dù kết quả cuộc điều tra nội bộ có đi đến đâu chăng nữa thì chắc hẳn các đối thủ Trung Quốc của Foxconn đang “mở cờ trong bụng”.
(Theo Vietnamnet)
Bình luận
Áp lực tạo ra ko chỉ do Apple mà còn do Foxcomn hành xử với nhân viên của mình có vấn đề.
Thực ra áp lực của apple đâu có đè lên vai nhân viên của Foxcomn, đó chỉ là quy tắc trong hợp đồng và các bên liên quan phải tuân thủ. Vấn đề là ở Foxcomn, họ đã làm gì để một người phải thiệt mạng.
Không lẽ một chủ đầu tư yêu cầu đấu giá cho dự án, một anh làm trong một công ty xây dựng nào đó cũng tham dự đấu giá, anh ta làm lộ thông tin hồ sơ của công ty mình rồi tự tử, vậy chẳng lẽ đổ tội cho chủ đầu tư?
Ai bảo là vì 1 iphone đánh đổi mạng người chứ? Cả triệu iphone đây chứ, nó liên quan đến công ăn việc làm, cuộc đời sự nghiệp của biết bao công nhân-kỹ sư khác...vân vân và vân vân hihi