Đó là mục tiêu mà Chính phủ đề ra đối với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trực thuộc nhà nước. Theo đó, đến hết năm 2009, 70% máy trạm phải được cài đặt phần mềm nguồn mở (PMNM); 70% cán bộ phải được tập huấn về PMNM; và ít nhất phải có 40% cán bộ phải biết sử dụng PMNM cho công việc.

Nguồn mở không chỉ thể hiện tốt vai trò là một chuẩn của cộng đồng mà còn cho phép mỗi quốc gia phát huy tiềm năng nội lực nhằm xây dựng các dịch vụ tích hợp mở phục vụ Chính phủ điện tử (CPĐT). Do đó, chính phủ đã yêu cầu sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các cơ quan nhà nước để phát huy thế mạnh này.

CPĐT sẽ được đặt trên nền tảng hướng dịch vụ tích hợp và các chuẩn liên kết mở nhằm xây dựng một cấu trúc ổn định, uyển chuyển và dễ mở rộng trong tương lai. Việc làm này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa ranh giới công nghệ và xây dựng nguồn lực công nghệ của quốc gia.

Điều hành và quản lý văn bản trên nguồn mở

Xác định được lợi ích do PMNM mang lại nên Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành về việc sử dụng nguồn mở trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Theo như chỉ thị này, chậm nhất đến ngày 31/12/2009 phải đảm bảo 70% máy trạm trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được cài đặt PMNM; 70% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, trong đó tối thiểu 40% cán bộ, nhân viên sử dụng PMNM trong công việc. Từ đó, từng bước nâng cao công tác xử lý văn bản, tài liệu, thông tin trao đổi trong các Bộ, ngành nhằm đảm bảo đến hết ngày 31/12/2010 hầu hết cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước sử dụng các phần mềm trong danh sách phần mềm nguồn mở mà Chính phủ đã yêu cầu.

Theo ông Phạm Quang Sơn, Giám đốc điều hành của công ty Hanel Communication, do sức ép của khối lượng lớn giấy tờ cần xử lý trong công việc nên nhu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và điều hành hiện nay là rất lớn. Ngày càng có nhiều các Bộ, ngành và địa phương ứng dụng mã nguồn mở trong hệ thống thông tin của mình. Điển hình đã có 12.000 trong tổng số 20.000 máy tính của hệ thống thông tin của Đảng từ trung ương đến địa phương đã sử dụng OpenOffice, trình duyệt Web FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey và được đánh giá rất cao. Khoảng 1000/3000 máy chủ đã chạy hệ điều hành Linux, hầu hết Website nội bộ của hệ thống được phát triển trên nền nguồn mở.

Hơn nữa, việc làm này đã tháo gỡ rất lớn các quy trình xử lý văn bản, giấy tờ trong cải cách thủ tục hành chính và góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong các cơ quan nhà nước.

Lợi ích của phần mềm nguồn mở

Đầu tiên phải kể đến chi phí đầu tư và phát triển cho nguồn mở sẽ thấp. Các cơ quan sẽ không phải đầu tư nặng gánh cho mua bản quyền phần mềm, đồng thời tránh luôn cả nguy cơ vi phạm bản quyền phần mềm. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư của doanh nghiệp cũng được giảm đáng kể do khả năng mở rộng dễ dàng và phí bảo trì PMNM không lớn. Ngoài ra, PMNM còn một đặc điểm nữa đó là dễ thích ứng và có thể sử dụng lại trong nhiều dự án, qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Khác với phần mềm thương mại, PMNM có khả năng chuyển đổi rất nhanh nhờ được cả cộng đồng hỗ trợ, ai cũng có thể tham gia vào quá trình này. Khả năng linh hoạt của PMNM rất lớn do được xây dựng trên các chuẩn cơ bản và không mang tính độc quyền.

Ngoài ra, phần mềm nguồn mở còn có tính bảo mật và tương thích cao. Mọi thay đổi và bổ sung tính năng được tiến hành khá dễ dàng và phù hợp với từng cơ quan, tổ chức và vùng lãnh thổ. Tính bản địa của PMNM được phát huy rất cao và được xem là sự lựa chọn thông minh nhất cho các quốc gia trong việc xây dựng CPĐT với chi phí đầu tư thấp và tính hiệu quả lâu dài. Theo nghiên cứu của Gartner, tới năm năm 2012 sẽ có 80% các ứng dụng thương mại cần có sự tham gia của nguồn mở.

Nhiều lựa chọn cho PMNM

Môi trường CNTT ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nên ngày càng có nhiều lựa chọn cho việc ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính. Hiện có rất nhiều các phần mềm văn phòng trực tuyến nhằm hỗ trợ cho các cán bộ, nhân viên dễ dàng áp dụng cho công việc của mình như: vOffice của công ty VietSoftware; eOffice (Bkis); S-office (Công ty Giải pháp Phần mềm Việt - VSS); Smart-office (Công ty Hanelcom); G-officeOnline (Công ty TNHH Tin học Gò Công); Zoho Office; và Google Docs and Spreadsheets.

Mỗi phần mềm nguồn mở này có những ưu điểm và tính năng đặc trưng để phù hợp với chức năng và thích ứng với từng cá nhân, bộ phận hay từng cơ quan. Nhưng nhìn chung, các phần mềm này sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước quản lý công việc hiệu quả hơn, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà không phải cài đặt thêm phần mềm hỗ trợ cũng như giảm được chi phí đầu tư.

Theo VnMedia.




Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Ở cuối bài có nói các phần mềm của Bkis, VSS... là phần mềm nguồn mở. Ngạc nhiên đấy! Vì nghe nói Bkis bán eOffice cho Vũng Tàu được tầm 10 tỉ, nó mà là PNMM vì Bkis sống bằng niềm tin.