Sau hơn một năm rưỡi "cò kè" đàm phán, cuối cùng thì hai gã khổng lồ cũng đạt được một thỏa thuận chung đường kéo dài 10 năm, mà mục tiêu hiển nhiên là nhắm vào kẻ thù chung Google, hãng đang kiểm soát tới 65% thị phần tìm kiếm trực tuyến.
Cuộc hôn nhân được nhiều người mong ngóng từ lâu, phút chót cũng thành hiện thực. Trong một thập kỷ tới, Yahoo.com và Bing.com sẽ vẫn duy trì thương hiệu của mình, song các kết quả tìm kiếm trên Yahoo.com sẽ có một dòng chú thích đi kèm là "Được cung cấp bởi Bing".
Đổi lại, Yahoo sẽ chịu trách nhiệm thu hút các nhà quảng cáo lớn về cho cả hai công cụ tìm kiếm. Microsoft sẽ trả cho Yahoo 88% doanh thu mà hãng này kiếm được từ các lượt tìm kiếm trên Yahoo. Gã khổng lồ phần mềm cũng có quyền tích hợp công nghệ tìm kiếm của Yahoo vào trong nền tảng tìm kiếm Web sẵn có của mình.
Yahoo tin rằng dù thỏa thuận có khiến tổng doanh thu của hãng bị sút giảm phần nào, song lợi nhuận hàng năm lại tăng lên khoảng 500 triệu USD/năm.
Sau khi tin được loan ra, giá cổ phiếu Yahoo đã giảm một mạch 12%, bởi giới đầu tư dự đoán Microsoft sẽ chi cho Yahoo tới 1 tỷ USD tiền mặt ngay lúc ký kết thỏa thuận, dù cho tỷ lệ chia sẻ doanh thu khiêm tốn hơn. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Microsoft lại tăng khoảng 1%, còn cổ phiếu Google tụt 1%.
Theo dự kiến, thương vụ sẽ được xúc tiến vào đầu năm 2010. Người dùng Mỹ sẽ bắt đầu chứng kiến những thay đổi sau quý I/2010 còn người dùng thế giới sẽ cảm nhận trọn vẹn các tác động của thương vụ trong vòng 2 năm.
"Thỏa thuận này thực chất là nhằm vào quy mô", Giám đốc điều hành Carol Bartz của Yahoo phát biểu trong cuộc họp báo. "Bằng việc kết hợp công nghệ của cả hai hãng, chúng tôi có thể tạo ra một lựa chọn đích thực, đáng lưu tâm cho các nhà quảng cáo".
Về phần mình, tập đoàn Microsoft cho biết việc se duyên cùng Yahoo sẽ khiến hãng tốn kèm hàng trăm triệu USD, nhưng bù lại, về lâu dài, công nghệ tìm kiếm của hãng sẽ được cải tiến đáng kể, có độ chính xác cao hơn và nhờ đó, thu hút quảng cáo hơn. Rõ ràng là so với Microsoft, Yahoo có trình độ chuyên sâu hơn và nhiều kinh nghiệm trong việc bán quảng cáo hơn hẳn.
"Đây là một thỏa thuận mà cả hai bên cùng có lợi. Người dùng sẽ nhận được những sản phẩm tốt hơn, còn chúng tôi sẽ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ giá trị", Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft tuyên bố. Theo bà Bartz, nhiều nhân viên của Yahoo sẽ chuyển sang làm việc tại Microsoft trong khuôn khổ thỏa thuận. Một số khác sẽ bị sa thải do công việc chồng chéo.
Chĩa súng vào Google
Bản hợp đồng với Yahoo đã giúp công nghệ tìm kiếm mới của Microsoft - Bing.com "một bước thành sao". Đây là một công cụ được đánh giá là rất triển vọng, hấp dẫn, dễ sử dụng và không hề thua kém Google. Nếu nhận được cú hích cùng với nền tảng khách hàng trung thành của Yahoo, rất có thể Bing.com sẽ đón nhận một cơ hội "chưa từng có".
Microsoft cũng hy vọng sẽ dùng Yahoo để "giật" khách hàng khỏi tay Google, hãng kiếm được tới hơn 20 tỷ USD mỗi năm chỉ nhờ quảng cáo. Thị phần của Bing tại Mỹ sẽ ngay lập tức tăng gấp hơn 3 lần lên 28% nhờ Yahoo, dù vẫn còn khoảng cách khá xa so với Google.
Với việc liên minh, Microsoft và Yahoo tin rằng họ sẽ có thể tập trung cho những thế mạnh riêng. Chuyển giao công nghệ tìm kiếm cho Microsoft, Yahoo sẽ rảnh tay đầu tư tài nguyên cho việc bán quảng cáo dạng bảng tin trên mạng Web, cũng như tìm cách lôi kéo người dùng hiệu quả hơn.
Cả Microsoft lẫn Yahoo, nhất là Ballmer, đều sử dụng thông cáo chung và cuộc họp báo để "chia sẻ vài lời" về đại địch Google, hãng đang thống trị thị trường tìm kiếm với một thị phần áp đảo.
Trong thông cáo, hai hãng khẳng định "các nhà quảng cáo sẽ không còn phải lệ thuộc vào một cái tên duy nhất, vốn đang kiểm soát hơn 70% lưu lượng tìm kiếm của thế giới". Theo Ballmer, thị trường quảng cáo tìm kiếm đã yêu mến Google một cách không công bằng cũng là vì sự độc tôn này. "Nhiều nhà quảng cáo chọn cách ký các thỏa thuận độc quyền với Google để tránh quy trình đàm phán ba bên vừa phức tạp, vừa tốn công".
Tuy nhiên, cuộc hôn phối giữa Yahoo với Microsoft sẽ đơn giản hóa quy trình này, và các nhà quảng cáo sẽ biết "điểm đến thứ hai" của mình là gì. Ballmer đoán chắc chắn Google sẽ đệ đơn kiện Micro-hoo dựa theo luật chống độc quyền. "Đối thủ kia hẳn sẽ chẳng ưa gì sự cạnh tranh. Nhưng lập luận của chúng tôi là: Micro-hoo sẽ tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn, chứ không hề ít đi chút nào".
Phía Google tỏ ra bất đồng với quan điểm này. "Từ trước tới nay, thế giới online lúc nào cũng mang tính cạnh tranh khốc liệt. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy cạnh tranh mang lại nhiều điều tuyệt vời cho người dùng. Trong thời gian tới, chắc chắn chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về thỏa thuận này".
Năm ngoái, Google đã từng nỗ lực ngăn không cho Yahoo ngả sang phe Microsoft. Gã khổng lồ tìm kiếm thậm chí đã suýt đạt được thỏa thuận hợp tác tìm kiếm với Yahoo, nếu như không vấp phải sự phản đối và đe dọa từ phía các quan chức chống độc quyền của Mỹ.
Lẽ dĩ nhiên, Microsoft chính là kẻ lĩnh xướng trong chiến dịch chống Google, Yahoo chung đường. Giờ đây, chắc chắn Google sẽ "trả đòn" bằng cách chống phá thương vụ Micro-hoo đến cùng.
Theo nhận định của ông Kevin Lee, Giám đốc điều hành của hãng Didit.com thì giới quảng cáo có thể sẽ ủng hộ Microsoft. Đơn giản, một đối thủ mạnh hơn trên thị trường tìm kiếm sẽ bảo vệ họ khỏi cạnh bị Google chèn ép, lợi dụng. "Chẳng ai có thể thấy thoải mái khi họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất".
Vở kịch 18 tháng
Cuộc hôn nhân giữa Microsoft và Yahoo kéo dài tới 18 tháng với rất nhiều chương hồi, cao trào, kịch tính và cảm xúc. Thị phần tìm kiếm của Microsoft liên tục trượt dốc trong suốt 2 năm qua, và hãng vẫn đang vật vã tìm cách kiếm lời từ hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Trong khi đó, quán quân một thời của thị trường tìm kiếm Yahoo, cũng chứng kiến cảnh mình bị Google hạ bệ suốt từ năm 2007. Tới nay, thị phần của Yahoo chỉ còn lại khoảng 20%, chưa bằng một phần ba so với đối thủ - một thực tế đáng buồn và đáng chua xót đối với bất cứ cổ đông nào.
Vì lẽ đó, tuyên bố gây sốc vào ngày 1/2/2008 của Microsoft đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía giới đầu tư. Khi ấy, Steve Ballmer công khai gợi ý Yahoo "bán mình" với giá 44,6 tỷ USD, trả bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu. Phố Wall náo nức, nín thở theo dõi một trong những thương vụ "lớn nhất" thập kỷ.
Thế nhưng một tuần sau, Yahoo thẳng thừng từ chối thịnh tình của Microsoft, với lý do mức giá đưa ra quá thấp và "không đánh giá đúng giá trị của hãng".
Các cuộc đấu tranh giữa hai bên bắt đầu nổ ra, hoặc âm thầm trên bàn đàm phán, hoặc rùm beng trên mặt báo khi lời qua, tiếng lại. Nhiều cổ đông lớn ủng hộ Microsoft ra mặt, thậm chí họ còn đe dọa sẽ xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát, hất cẳng toàn bộ ban giám đốc Yahoo nếu gã khổng lồ Web không chịu hợp tác.
Đến tháng Sáu năm ngoái, Microsoft tuyên bố không còn hứng thú với việc mua lại toàn bộ Yahoo do hai bên tiếp tục bất đồng về giá và các điều khoản. Mặc dù vậy, Microsoft vẫn muốn đạt được một thỏa thuận với bộ phận quảng cáo tìm kiếm.
Tháng 11, mệt mỏi trước áp lực từ dư luận và giới đầu tư, Giám đốc điều hành Jerry Yang - người bị nhiều ý kiến kết tội là thủ phạm chính khiến thương vụ Micro-hoo đổ vỡ - đã xin từ chức. Thay thế ông chèo lái con tàu Yahoo là nữ tướng Carol Bartz.
Sự quyết đoán và mạnh mẽ của bà Bartz được nhiều người hy vọng là sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc hôn nhân chông gai. Và mặc dù bà luôn khẳng định không có bất cứ lý do đặc biệt nào khiến thỏa thuận được thông qua cả, song giới phân tích đều tin rằng sự thành công chóng vánh của công cụ tìm kiếm Bing, kết hợp với sự lãnh đạo của bà Bartz là hai "cú ra đòn quyết định".
Chỉ mất có 6 tháng, bà Bartz đã đạt được thỏa thuận với Microsoft - điều mà không một tiền nhiệm nào của bà (Terry Semel và Jerry Yang) muốn làm hoặc làm được. "Nước cờ này đã sửa sai rất nhiều cho những sai lầm ngớ ngẩn của các CEO trước đây", chuyên gia Rob Enderle bình luận.
(Theo Vietnamnet/Tổng hợp CNN Money, AP, Reuters)
Bình luận
Trong vụ này thì người có lợi là... Google. Bởi vì người dùng Google sẽ chẳng chạy sang Bing, trong khi người dùng Yahoo! Search trước nay, giờ nếu thấy Bing tệ quá, mà Yahoo! Search đã đóng cửa, thì họ chỉ còn một chỗ duy nhất để đi ^^