Tối qua (30/7), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục - đào tạo và Hội tin học VN đã tổ chức trọng thể lễ trao giải Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2009 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hội thi năm nay được ban tổ chức đánh giá có nhiều điểm “nhất” so với các năm trước.
Chuyển mình từ Hội thi tin học trẻ không chuyên sang Hội thi tin học trẻ toàn quốc, Hội thi ngày càng phát triển sâu rộng và là cái nôi để tìm ra hạt nhân triển vọng tin học nhằm phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ tin học CNTT cho công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội thi ngày càng thu hút được đông đảo học sinh yêu thích tin học từ mọi miền của đất nước kể cả vùng sâu vùng xa, không phân biệt chuyên hay không chuyên.
Theo Ban tổ chức, Hội thi học trẻ toàn quốc năm nay có nhiều cái “nhất” so với các năm trước. Đó là, số lượng thí sinh dự thi đông nhất (221 thí sinh từ 49 tỉnh), số lượng phần mềm dự thi nhiều nhất (gần 70 sản phẩm) và có thí sinh nhỏ tuổi nhất (hai em 9 tuổi, học sinh lớp 3 ở hai tỉnh Thanh Hóa và Tuyên Quang).
Hơn nữa, cũng theo Ban tổ chức, số lượng sản phẩm đoạt giải năm nay đã chứng tỏ năng lực và trình độ CNTT của học sinh khối phổ thông. Về nội dung thi năm nay có sự đổi mới hoàn toàn, đặc biệt cách ra đề thi trong khối THPT. Đề thi tập trung đánh giá năng lực thực hành, không nặng về lý thuyết, đề cao tính ứng dụng, tính sáng tạo của các học sinh tham gia dự thi. Sự đổi mới ở mảng cấp 3, đây là mảng mà thí sinh đã có một trình độ CNTT nhất định. Vì vậy, Hội thi hướng các em giải quyết các vấn đề hiện đại trong cuộc sống, để từ đó hướng các em đến tính công nghệ cao, hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề phù hợp với thực tế hơn.
Cũng nhân kỷ niệm 15 năm cuộc thi, Ban bí thư TW Đoàn quyết định trao tặng kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ, phần thưởng cao quý nhất của Đoàn thanh niên cho 51 cá nhân tiêu biểu đã đóng góp cho công tác triển khai của cuộc thi.
Hội thi tin học trẻ toàn quốc năm nay đã thu hút được 221 thí sinh tham gia và được chia làm 4 bảng A,B,C,D lần lượt cho các khối tiểu học, THCS, THPT. Riêng bảng D dành cho phần mềm sáng tạo cũng được chia làm ba bảng nhỏ tương ứng với ba cấp học. Theo Ban tổ chức, cơ cấu giải thưởng năm nay gồm 6 giải Nhất, 14 giải Nhì và 31 giải Ba. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao phần thưởng dành cho thí sinh trẻ tuổi nhất, giải thưởng đồng đội cho đội tuyển có đầy đủ số lượng dự thi tham dự và có điểm bình quân cao nhất.
Theo VnMedia.
Bình luận
Hồi mình thi mới là lần 3, lần 4 mà giờ đây đã là lần thứ 15 rồi! Nội dung phong phú và chuyên nghiệp hơn nhiều. Nhớ giữa hai lần 3 với 4 mà đã có khoảng cách khá xa.
Ôi mấy cái trò này, chưa thi thì háo lắm, thi rồi, đoạt giải rồi thì "em đi về đâu hỡi em"?
Vậy bạn BAT chưa biết mục tiêu của cuộc thi tin học trẻ này rồi. Ngoài việc “tìm ra các tài năng triển vọng”, cuộc thi còn thúc đẩy khá mạnh việc dạy và học tin học ở các trung tâm đấy. Mình đi thi 2 đợt, thấy rõ sự thay đổi. Nhớ đợt đầu, điểm số có sự chênh lệch đáng kể, rồi trong lúc thi mọi người trầm trồ “ồ thằng kia gõ phím nhanh thế”, nhưng đến đợt sau thì điều đó chẳng còn xảy ra nữa. Chứng tỏ mặt bằng chung đã cao lên nhiều, do động lực nào thì ta biết rồi. Thử tưởng tượng xem một em học sinh tiểu học, hay THCS, ở TP.HCM tự nhiên được đi máy bay ra HN thi có thích không (mặc dù không phải năm nào cũng thi trên sân khách để được đi máy bay :P)
Ngoài ra cũng có nhiều người thành danh từ cuộc thi này lắm, hoặc ít ra là “thành danh“ và “đã tham gia thi tin học trẻ”
Ồ mấy cái mà Nam nói chỉ thích thú với những bọn tóc còn để chỏm.
Vui chơi theo kiểu làng xã ấy thì được gì nào? Bài toán nhân lực CNTT "thừa lượng thiếu chất" bao nhiêu năm qua vẫn còn đó mà chẳng thấy ai vò đầu bức tai, kỹ sư CNTT hẳn hoi đấy chứ, tuyển mấy ngàn người chỉ được vài mống, lại còn phải đi cho "cải tạo" lại.
Cần nhìn cao hơn, xa hơn, thực tế hơn, và quên đi cái kiểu hội hè đình đám ấy đi. Bao giờ mới bằng thiên hạ?
Chất lượng nguồn nhân lực CNTT có vấn đề là do việc đào tạo đẠi học, cấp 3... của VN mình có vấn đề. Mà ko chỉ do giáo dục mà còn do nhiều vấn đề khác: vd như doanh nghiệp ko hỗ trợ đại học, không tạo điều kiện cho sinh viên thực tập mà chỉ biết than, hay lương thì trả ko cao mà đòi chất lượng thế giới...
Tuy nhiên cái gì cũng nên rõ ràng chứ, 1 cuộc thi có thể khuyến khích học sinh tham gia học tập CNTT (chứ ko phải bị luyện gà để có thành tích) là điều tốt. Có nhiều cách nhìn xa, đào tạo con người từ bé cũng là cách nhìn xa đó bạn. Đừng nên thấy cái gì cũng chê bai hay đổ thừa.
Không chê bai, nhưng mà cách làm không có chiều sâu. Hãy thử xem, qua các cuộc thi kiểu này (quốc gia, olympic) nhiều nhân tài được phát hiện rồi tắt ngúm hay họ tiếp tục tỏa sáng như thời măng non? Không chỉ riêng CNTT, mà nhiều ngành khác (Toán, Lý, Sinh...), tất cả ít nhiều đều bị mai một.
Còn luyện gà hay không ai đã từng tham gia các cuộc thi kiểu này đều biết. Các trưởng đơn vị cử người tham gia không phải vì thực sự coi họ là tài năng cần phát triển mà chỉ vì thành tích. Bằng chứng là sau khi các cuộc thi chấm dứt thì thí sinh và nhà tổ chức đường ai nấy đi.
Điều này chẳng khác nào đem con bỏ chợ. Anh đã bỏ công sàng lọc ra các hạt giống tốt nhưng lại không chọn đất tốt để trồng mà lại ném vung vãi ra khắp nơi, mặc kệ nó phát triển hay không. Như thế có phung phí?
Các cuộc thi đều phát hiện tài năng nhưng cần thêm một bước là làm sao để họ gần gũi với cuộc sống hơn, làm sao để họ vẫn nhiệt huyết với ứoc mơ của mình. Đừng để họ tắt ngúm vì những nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Minh chứng rõ nhất là hãy so sánh mình với các nước, chúng ta có sản phẩm gì ra hồn, những sản phẩm đình đám đều mang tai tiếng "đạo code", vậy lúc đó những tài năng thật sự họ ở đâu? Chúng ta đoạt olympic thế giới, năm nào cũng giải nhất, gải nhì và rồi cái gì chứng minh những nhân tài của chúng ta đang sống? Đừng nghĩ rằng làm công ty nước ngoài, hay giám đốc công ty này nọ là đã hoàn thành sứ mệnh.
Mà nghĩ cũng lạ, trí tuệ VN giành những gải thưởng quốc tế, về nhà chỉ được thưởng vài chục triệu đồng, trong khi đội tuyển bóng đá trầy trật đoạt cúp lại được thưởng vài trăm triệu thậm chí vài tỷ.
Chất xám bèo đến thế sao?
Các cuộc thi đúng là khuyến khích măng non phát triển nhưng cũng chỉ có thế, để măng thành tre thì phải làm sao?
Bạn nói chê bai, đổ thừa? Bạn có thấy nhiều công trình bạc tỷ xây rồi chỉ để đứng ngắm. Và công trình trồng người ở đây cũng gần như vậy.
Cuộc thi THT là một cuộc thi phong trào hơn là cuộc thi thành tích cao. Tác dụng của nó khá tích cực, chỉ biết nói vậy thôi ^^
Ai bảo VN năm nào cũng nhất, nhì Olympic thế giới đâu Các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc họ hơn hẳn ta về các giải thưởng này đấy Thí dụ IMO, năm 2007 VN đăng cai và đó là lần duy nhất VN đạt được hạng 3 toàn đoàn (thường thì may ra được top 20, may lắm là top 10 trong tổng số vài chục đoàn tham dự).
Còn so sánh tuyển bóng đá với tin học, cái nào cũng tốt cả. Bạn học dốt nhưng đá bóng dở, hoặc ngược lại, thì trường nào cũng nhận bạn vào học hết Còn tiền thưởng nhiều hay ít thì phụ thuộc vào lợi nhuận (trước mắt) do nó đem lại. Một trận bóng đá tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình là bao nhiêu Cái gì nhiều người thích thì kiếm được nhiều tiền thôi. Cũng là bóng đá, nhưng đội tuyển nữ VN nghèo xác xơ.