Suốt 6 năm qua, Yahoo đã đầu tư hàng tỷ USD cho công cụ tìm kiếm trực tuyến của mình, để rồi một ngày, hãng này nhận ra rằng sẽ hợp lý hơn nếu giao phó công việc đó cho... người ngoài.
Trở lại triết lý hồi đầu
Quyết định chuyển hướng đột ngột của Yahoo đồng nghĩa với việc đối thủ một thời Microsoft sẽ toàn quyền kiểm soát các kết quả tìm kiếm, cũng như quảng cáo tìm kiếm trên mặt site của Yahoo. Tất nhiên viễn cảnh đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi thỏa thuận hợp tác được các nhà làm luật của Mỹ và châu Âu thông qua.
Như vậy là chiến lược mở rộng tìm kiếm mà cựu Giám đốc điều hành Terry Semel của Yahoo khởi xướng đã được đặt dấu chấm hết. Semel đã phải từ chức cách đây hai năm do áp lực từ phía các cổ đông lớn, khi mà Yahoo tuột dốc và đánh mất vị thế huy hoàng của mình.
Cuộc nhân duyên Microsoft cũng gợi người ta nhớ lại một triết lý từng được hai người sáng lập Jerry Yang và David Filo ấp ủ từ những ngày đầu. Chỉ hai năm sau khi Yahoo ra đời, Yang và Filo đã đi đến kết luận rằng Yahoo sẽ không thể liệt kê tất cả các site tin tức sinh sôi nảy nở liên tục trên mạng Internet, nếu như không có cơ chế tự động hóa tinh vi hơn.
Tuy nhiên, thay vì dùng tiền của chính mình để nâng cấp hệ thống (một nhiệm vụ rất đắt đỏ), Yahoo đã thuê AltaVista cung cấp công cụ tìm kiếm, rồi sau đó chuyển sang dùng Inktomi.
Số tiền tiết kiệm được, Yahoo đầu tư cho việc hấp dẫn hóa các nội dung cung cấp và phát triển các dịch vụ, từng bước gây dựng mình thành Website hút khách nhất mạng Internet.
Sang đến năm 2000, việc lập thư mục mạng Web trở nên phức tạp hơn. Yahoo đành phải nhờ cậy vào một "tân binh" đầy tham vọng có tên Google. Trong một động thái mà sau này hãng phải lắc đầu hối hận, Yahoo đã quảng bá cho thương hiệu Google một cách tích cực.
Cái tên Google xuất hiện ngay bên cạnh hộp tìm kiếm của Yahoo, và nhờ đó, hàng triệu người dùng đã biết đến với Google.
Nhờ sự ưu việt và chính sách tiếp thị khôn khéo, chả mấy chốc Google đã qua mặt Yahoo để trở thành địa chỉ bỏ túi cho bất cứ ai có nhu cầu tìm kiếm trên Web. Và rồi Google đã nghĩ ra một cách kiếm tiền hoàn toàn mới: đặt quảng cáo bên cạnh các kết quả tìm kiếm.
Dòng tiền bắt đầu đổ về ào ạt. Semel lập tức lên tiếng, đòi hỏi miếng bánh Yahoo được chia phải to hơn. Bắt đầu từ năm 2002, Yahoo đã chi hơn 2 tỷ USD để mua lại các công cụ tìm kiếm nhỏ như AltaVista và Inktomi. Sau đó, hãng tiếp tục đầu tư mạnh tay cho việc cải tiến nền tảng tìm kiếm sẵn có.
Lạc lối
Những nước cờ này cũng giúp Yahoo kiếm thêm chút lời trong thời gian đầu, tuy nhiên, nó chưa bao giờ đạt đến kỳ vọng của Semel. Google nhanh chóng mở rộng vị thế dẫn đầu trên thị trường tìm kiếm trực tuyến tại Mỹ, trong khi thị phần Yahoo cắm đầu tụt thẳng một mạch.
Từ 35% thị phần hồi năm 2004, giờ đây Yahoo chỉ còn nắm giữ khoảng một phần năm thị trường. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi những mạng xã hội mới như Facebook, MySpace đã qua mặt Yahoo để trở thành chốn la cà "hot" nhất thế giới Web.
"Họ đã lạc lối", nhà phân tích rob Enderle bình luận. "Thỏa thuận với Microsoft sẽ giúp họ khám phá lại chính bản thân mình, với tư cách một điểm đến từng được rất nhiều người yêu mến và dành thời gian gắn bó".
Năm ngoái, khi còn là Giám đốc điều hành của Yahoo, Jerry Yang đã cố gắng giảm bớt mức độ đầu tư cho tìm kiếm bằng cách liên minh với Google. Theo như kế hoạch, Google sẽ cung cấp một phần quảng cáo hiển thị bên cạnh các kết quả tìm kiếm do Yahoo cung cấp.
Tuy nhiên, các quan chức tư pháp Mỹ đã đe dọa sẽ khởi kiện liên minh này vì lý do độc quyền. Google hoảng sợ và rút lui, bỏ lại Yahoo chơ vơ phía sau.
Yang cũng không muốn trở thành một phần của Microsoft. Ông ta từ chối mọi lời đề nghị do Microsoft đưa ra, từ mức 47,5 tỷ USD lúc đầu để mua lại toàn bộ Yahoo, cho tới 1 tỷ USD tiền mặt + 8 tỷ USD cổ phiếu để hợp tác tìm kiếm. Khi đàm phán hai bên đổ vỡ và Microsoft quay lưng bỏ đi, các cổ đông đã nổi trận lôi đình, chỉ trích không tiếc lời ban giám đốc.
Trước sức ép lên cao, Yang đã tuyên bố từ chức. Thay thế ông giữ ghế Giám đốc điều hành Yahoo là Nữ tướng Carol Bartz. Và chỉ sau 6 tháng cầm quyền, bà Bartz đã đưa ra một quyết định ngược hẳn lại với những người tiền nhiệm.
Ai hớ, ai hời?
Giờ đây, Yahoo sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền mặt trả trước nào cả. Thay vào đó, hãng sẽ nhận được tỷ lệ chia sẻ doanh thu lớn hơn từ quảng cáo tìm kiếm. Nhưng bà Bartz vẫn bằng lòng, bởi bà nhận ra rằng từ bỏ "khối u" tìm kiếm, Yahoo sẽ có thể quay trở lại với cội rễ của mình.
Về phần mình, Microsoft đã theo đuổi Yahoo từ nhiều năm nay, bởi Steve Ballmer tin rằng Yahoo là cách nhanh nhất để Microsoft thu hẹp khoảng cách với đại đích Google (Microsoft hiện chỉ nắm 8% thị phần, bằng một phần tám so với Google). Do Yahoo đang kiểm soát khoảng 20% lượng yêu cầu tìm kiếm nên khi kết hợp với nhau, Micro-hoo sẽ có khoảng 28% trong tay.
"Chúng tôi đã tìm thấy một đối tác sẵn lòng và hứng thú đầu tư mạnh tay cho công nghệ tìm kiếm", bà Bartz tuyên bố tại cuộc họp báo. "Người dùng sẽ vẫn trải nghiệm như vậy, thậm chí là tốt hơn khi họ tìm kiếm trên Yahoo.com".
Một website khá nổi khác là AOL cũng từng sử dụng công cụ tìm kiếm và nền tảng quảng cáo của Google trong nhiều năm. Tuy nhiên, việc để dành tiền để rót cho các sản phẩm và dự án khác dường như không phải là một chiến lược hiệu quả với AOL.
Sau 6 năm, một lần nữa Yahoo lại sử dụng công cụ tìm kiếm bên ngoài. Và lần này là Bing.com, công cụ tìm kiếm mới toanh do Microsoft phát triển.
Ông Danny Sullivan, Tổng biên tập của SearchEngineLand.com tin rằng thỏa thuận này là một "phi vụ mặc cả quá hời" cho Microsoft. Năm ngoái, gã khổng lồ phần mềm từng ra giá 47,5 tỷ USD để mua lại toàn bộ Yahoo!. Nhưng năm nay, chẳng cần tốn một xu, Microsoft đã có thể sở hữu thứ tài sản mà hãng này thèm khát nhất từ đối thủ : công nghệ tìm kiếm.
Chưa hết, Sullivan còn cho rằng tương lai của Yahoo thực sự u ám, đồng thời, liên minh Micro-hoo khó lòng có thể lay chuyển được ngai vàng của Google. "Tôi không biết thỏa thuận này có thể thay đổi được gì hay không. Nó không làm cho Yahoo! Search lẫn Microsoft mạnh hơn. Nó không khắc phục được những nhược điểm then chốt của cả hai hãng".
Theo VietnamNet (PCWorld)
Bình luận