Sau hơn 2 ngày bị tấn công DDoS, Twitter và các trang mạng xã hội khác như Facebook vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Twitter đã áp dụng một số biện pháp để hạn chế tác động của cuộc tấn công, nhưng động thái này lại ảnh hưởng tới một số công cụ thứ ba kết nối với Twitter qua giao diện lập trình API.
Cho tới nay, thông qua các bằng chứng thu thập được người ta thấy rằng vụ tấn công mới nhất vào Twitter và Facebook xuất phát từ động cơ chính trị. Trang cá nhân của một blogger người Georgia trên Twitter và Facebook đã bị tấn công, và vô hình chung toàn bộ các mạng xã hội này bị vạ lây.
“Tấn công DDoS vào những dịch vụ mạng như Facebook cũng giống như việc bỏ bom một đài truyền hình chỉ vì bạn không thích một biên tập viên nào đó”, bình luận của Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu hãng bảo mật F-Secure bình luận.
Trong khi đó, biện pháp ngăn ngừa tấn công của Twitter lại khiến cho các ứng dụng bên thứ 3 không thể kết nối tới API của trang tiểu blog này, khiến cho nhiều người dùng không thể cập nhập tin nhắn thông qua SMS.
Twitter cũng đang cân nhắc những biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như ngăn các gói tin đến từ các nguồn không an toàn. Tuy nhiên, nếu kẻ tấn công sử dụng mạng “botnet” (mạng máy tính do tin tặc điều khiển) thì phương pháp này cũng tỏ ra vô dụng vì Twitter không thể lọc và ngăn chặn hàng trăm nghìn nguồn tin khác nhau.
Các đại diện của Twitter và Facebook cho biết dịch vụ của họ sẽ trở lại bình thường trong một vài ngày tới khi các biện pháp ngăn chặn và phục hồi được triển khai triệt để.
Theo VnMedia (PC World)
Bình luận