Không phải là game đánh đấm như Võ lâm truyền kỳ, không phải là game nhảy nhót như Audition... nhưng các game này vẫn như một làn sóng cuốn các bạn trẻ lên mạng làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người.
Rất nhiều người đến với Facebook nhưng không có profile, avatar, cũng chẳng cập nhật gì, vậy mà bạn bè trong danh sách vẫn ngày một dài dằng dặc, bởi họ chỉ hứng thú với một số ứng dụng của Facebook, đặc biệt là game.Từ nông dân trực tuyến...
Đang lơ mơ ngủ, Hương bị đánh thức bởi tin nhắn lúc 7 giờ sáng: “Dậy nhanh, bị ăn trộm hết rồi kìa”. Hương vội bật ra khỏi giường, lao nhanh về phía cửa. Định thần một lúc cô mới ngộ ra đó là tin nhắn nhắc nhở vườn nhà cô trên Facebook đang bị ăn trộm.
Dù thức khuya để đợi thu hoạch tối qua nhưng Hương vẫn nhanh tay mở máy tính, vào vườn nhà mình ở trò chơi Barn Buddy trên Facebook hì hục thu hoạch, bón phân, tưới nước, xịt rầy, xịt cỏ rồi mới ngủ lại. Cảnh “thức khuya, dậy sớm” từ ngày làm nông dân trực tuyến trên Facebook với Hương không còn xa lạ nữa.
Hiện nay, không riêng gì game Barn Buddy, Facebook có khá nhiều game “nông dân” cho cộng đồng mạng. Những game đang thu hút “nông dân ảo” là Farm Town, Farm Ville, Farm Land… Điểm đáng chú ý là các trò chơi trên mạng xã hội này tuy rất đơn giản nhưng mang tính cộng đồng cao, sự giao tiếp được thể hiện nhiều vì vậy rất cuốn hút giới văn phòng.
Thanh Thủy, nhân viên văn phòng một hãng tàu, cho biết trong cơ quan ai cũng mê làm vườn vì có thể chơi ở bất cứ đâu: trong công sở, tại quán cà phê, tại nhà, thậm chí trong nhà vệ sinh. Cứ thế, người chơi bị cuốn vào khi nào không hay.
Đến bà chủ nhà hàng
Không còn mặn mà làm nông dân, hiện nay Ngọc Uyên, nhân viên công ty truyền thông, ngày đêm làm giàu với trò chơi Restaurant City (Thành phố của những nhà hàng). Ngắm nhìn những đầu bếp nhanh tay nấu nướng, phục vụ lăng xăng chạy ra chạy vào cùng ngôi nhà đầy màu sắc, giấc mơ làm bà chủ nhà hàng của Uyên từ trước đến nay được truyền hết vào trò chơi.
Từ cái quán be bé với ba bộ bàn ghế và một bếp dầu, người chơi bố trí sao để làm giàu càng nhanh càng tốt. Khi quán ăn ngày một đông thì cần phải phát triển thêm những thứ gì để làm hài lòng khách hàng như xây thêm khu vệ sinh, sắm máy nghe nhạc... Và thậm chí “bà chủ nhà hàng” còn phải chăm lo đến... cái ăn, giấc ngủ cho các nhân viên của mình nữa. “Nhân viên có khỏe thì mới phục vụ khách hàng được tốt - Uyên say sưa kể - Đi đến quán ăn nào mình cũng quan sát và phát hiện kinh doanh nhà hàng rất thú vị, chắc sau này sẽ hùn vốn với bạn bè mở nhà hàng”.
Giờ Uyên gần như không rời mắt khỏi quán, đi đâu cũng muốn về thật nhanh để xem quán nhà trên Facebook làm ăn thế nào.
Ảo lấn thật
Thế nhưng, dù thú vị đến đâu nhiều người chơi thừa nhận họ mất khá nhiều thời gian để duy trì các trò chơi. Chính điều này làm xáo trộn cuộc sống, mối quan hệ xung quanh với bạn bè, gia đình.
Thùy Dương, bạn Uyên, phàn nàn những trò chơi trên Facebook nhanh chóng trở thành câu chuyện trong mỗi lần gặp nhau giữa hai người. Ngay khi đi ăn chung với mọi người, Uyên vẫn không ngừng kể về nhà hàng ảo của mình, cô so sánh bàn ghế rồi không ngại chê bai nội thất, món ăn của quán hiện tại. Không ít lần Uyên bỏ ăn trưa, ngay cả người yêu rủ đi chơi tối thứ bảy Uyên cũng thẳng thừng từ chối.
Game là một hình thức giải trí sau thời gian làm việc căng thẳng, nhưng sự say mê của người chơi vượt ngoài tầm kiểm soát khiến cuộc sống thật của họ bị ảnh hưởng.
Một quản trị viên của một diễn đàn có tiếng nói: “Tôi nghĩ không nên bị lừa bởi cụm từ “mạng xã hội”. Sự thật thì bất cứ nhân tố “xã hội” nào cũng đều giả. Chat không thể hoàn toàn thay thế một cuộc nói chuyện bằng điện thoại. Nhưng tôi nghĩ không thể chống lại xu hướng này. Rất nhiều bạn của tôi hiện nay chỉ thích lên mạng và bây giờ đó là nơi duy nhất tôi có thể gặp họ. Nhưng chúng ta sống trong một thế giới thật, những cuộc gặp trực tiếp vẫn luôn đem lại cho ta nhiều cảm xúc hơn”.
(Theo Tuổi trẻ online)
Bình luận