Theo giấy phép của Bộ TT&TT, công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom sẽ xây dựng mạng thông tin di động trên cơ sở dùng nhờ mạng lưới các trạm BTS và tần số viễn thông của nhà mạng khác.
Theo giấy phép số 1132/GP-BTTTT do Bộ TT&TT cấp cho Đông Dương Telecom chiều ngày 19/8, công ty này trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động thứ 8 tại Việt Nam theo mô hình mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số đầy đủ (Full Mobile Virtual Network Operator - Full MVNO).
Với mô hình mới, Đông Dương Telecom không phải xây dựng hệ thống trạm truy cập vô tuyến (BTS) của mình mà dùng chung cơ sở hạ tầng với các nhà khai thác di động đầy đủ (Mobile Network Operator - MNO) khác. Công ty vẫn phải xây dựng hệ thống liên quan đến mạng lõi, dịch vụ, cước phí, chăm sóc và phát triển thuê bao của mình.
Theo ông Phạm Danh Tự, Chủ tịch HĐQT Đông Dương Telecom, sau khi nhận giấy phép, doanh nghiệp này sẽ hạ quyết tâm hoàn thành trang bị cơ sở vật chất trong Quý 4/2009 để đưa dịch vụ ra thị trường một cách nhanh nhất.
"Cầm giấy phép trên tay rồi thì chúng tôi không còn khái niệm đợi chờ. Thách thức lớn nhất của Đông Dương Telecom hiện nay là chúng tôi là nhà mạng đi sau, tất cả bắt đầu từ con số 0. Ngay cả mô hình MVNO này cũng là một bước thử nghiệm", Chủ tịch HĐQT Đông Dương Telecom chia sẻ. "Tuy nhiên, nếu chọn hướng đi chính xác thì đó cũng có thể là lợi thế vì nếu chúng tôi chưa bị cạnh tranh trực tiếp trên cái loại hình này".
Theo kế hoạch, Đông Dương Telecom sẽ chia sẻ và sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) trong thời gian đầu tiên. Mạng di động này cũng được chuyển vùng (roaming) với các mạng viễn thông di động mặt đất công nghệ GSM (2G và 2,5G) cho khách hàng Việt Nam tại nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước mà dịch vụ được cung cấp.
Như vậy, đến thời điểm này, Đông Dương Telecom là DN đầu tiên được trao giấy phép mạng di động ảo. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc, cho phép Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC được thử nghiệm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động không cần cấp tần số (mạng di động ảo).
Theo phân tích của các chuyên gia, điểm quan trọng là các mạng di động ảo phải có được chính sách và sản phẩm đặc trưng, tạo ra các dịch vụ giá trị gia tăng phong phú để tạo sự khác biệt trên thị trường. Vì sử dụng hạ tầng của các mạng khác nên MVNO cũng phải có những chiến dịch khuyến mại hợp lý để thu hút được đối tượng khách hàng chiến lược của mình.
Sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp khác, các mạng MVNO phải có chính sách, sản phẩm đặc trưng thu hút được khách hàng. "Đây là một mô hình mới và cũng là bước thử nghiệm về chính sách của Bộ TT&TT trong lĩnh vực viễn thông di động. Vì thế, để việc thử nghiệm thành công thì ngoài nỗ lực của Đông Dương Telecom còn cần đến sự hợp tác từ các doanh nghiệp khác, đặc biệt là sự phối hợp từ doanh nghiệp có hạ tầng mạng", Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ tại buổi lễ trao giấy phép cho công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom.
Tính đến giữa năm 2009, chỉ riêng 3 mạng lớn như MobiFone, Viettel, Vinaphone đã có tới 26.000 trạm BTS trên toàn quốc. Đây là con số đáng kể ngay cả đối với những mạng viễn thông lớn trên thế giới. Mức phát triển "nóng" của viễn thông trong thời gian qua khiến các nhà mạng phải chạy đua vùng phủ sóng của mình.
Mật độ trạm BTS quá dày đặc vừa lãng phí, vừa gây mất cảnh quan môi trường. Xu hướng mạng di động ảo sẽ khai thác triệt để năng lực các mạng di động sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông.
Xuất hiện lần đầu tiên năm 1999 tại Anh, mô hình mạng di động ảo MVNO đang dần trở nên phổ biến với hơn 400 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới. Những quốc gia có nhiều mạng MVNO nhất là Mỹ (60 MVNO/ 13 MNO), Hà Lan (39 MVNO/ 7 MNO), Đức (29 MVNO/ 4 MNO).
Theo khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), ưu điểm lớn nhất của di động ảo là khai thác tối đa cơ sở hạ tầng mạng. Những nhà cung cấp MVNO sẽ không phải đầu tư quá nhiều vốn để xây dựng hệ thống mạng. Bên cạnh đó, các nhà khai thác di động MNO sẽ tận thu số vốn đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng việc khai thác triệt để những phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ thông qua các mạng ảo.
Theo VietNamNet.
Bình luận
Cần có Sự khác biệt rõ ràng tạo nên tính đặc trưng
Theo mình, Mạng di động mới cần tạo ra nét nổi bật và đặc trưng riêng.Chứ nếu cũng chỉ tính cước và mọi thứ Tương tự như các mạng khác thì đừng nên làm tốt hơn,đỡ làm rối rắm xã hội.Theo quan điểm cá nhận,nhu cầu xã hội bây giờ là sử dụng thiết bị di động truy cập internet.Nếu nhà Mạng có thể cung cấp dịch vụ này với giá cước rẻ thì sẽ là 1 sự lựa chọn thỏa mãn với tất cả khách hàng.còn dịch vụ gọi điện nhắn tin thì quá thông thường đừng nên bàn tới.
Ủng hộ vì mục tiêu phục vụ, e khó sống nổi trong cảnh độc quyền
Bài toán cần giải là phải có năng lực tạo ra dịch vụ giá trị gia tăng khác với chủ cơ sở hạ tầng. Giống như anh đi thuê nhà thì anh không nên cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của chủ nhà. Trừ khi anh mạnh đến mức có thể thay chủ nhà để sản xuất tất cả sản phẩm từ mặt bằng đó thì sẽ có sự phân công lao động cho phép anh chuyên môn hoá mảng khai thác.
Thực tế Việt Nam cho thấy khó sống nổi với vụ này vì thực lực khó qua được các "chủ nhà" đang độc quyền chiếm giữ nhiều nguồn lực. Kế đến là sau khi anh làm ăn thành công thì chẳng có gì bảo đảm chủ nhà mời anh ra để tự làm cả, lại quay về bài toán thực lực và chuyên môn hoá.
Dù sao cũng chúc may mắn vì đã cố gắng làm tăng hiệu quả chi phí cho xã hội.