Các TV LCD và Plasma phân giải cao nhất này là niềm ước ao của dân mê môn nghệ thuật thứ bảy bởi cho hình ảnh sắc nét không tỳ vết và tương thích hoàn toàn với các nguồn hình độ nét cao như máy chơi game, đầu đĩa quang và các bộ set-top-box HD.
Trong đó, dù đã ra đời từ năm ngoái, chiếc Kuro KRP-500A của Pioneer hiện vẫn nắm giữ vị trí quán quân và chưa có sản phẩm mới nào ra lò trong năm nay qua mặt.
Pioneer Kuro KRP-500A (Plasma, 50 inch)
TV này cho màu đen lý tưởng, hình ảnh sâu như 3D, âm thanh sống động với tiếng bass khỏe, remote thiết kế tốt, nhiều lựa chọn nối nguồn A/V, chế độ Optimum hiệu quả. Với chiều dày chỉ 6,4 cm, KRP-500 sở hữu thân hình khá mảnh mai ở góc độ một TV 50 inch.
Tuy nhiên, mặt trái của TV Plasma này hiển thị văn bản khi kết nối với PC hơi mờ, cổng component chỉ hỗ trợ tín hiệu nét thứ nhì - 1080i; chiếc chân đế để bàn chỉ là loại cố định và không có cổng HDMI ở phía trước hoặc bên sườn.
Điểm đánh giá: 8,9/10.
Samsung UA46B7000WM (LCD, 46 inch)
TV LCD của Samsung cho hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động và màu đen sâu. Nó cũng có thiết kế siêu mẫu với chưa đầy 3 cm với 4 cổng HDMI, khả năng tải luồng media không dây, truy cập các dịch vụ của Yahoo trên web, tích hợp sẵn đầu thu kỹ thuật số với hai chiếc điều khiển từ xa có sẵn.
Đổi lại, TV 46 inch này cho màu đen không sâu nếu không dùng chế độ chỉnh các vùng tối cục bộ, có vấn đề khi chỉnh đồng nhất ở mức sáng dịu, các cổng nối ở bên sườn nằm khá sâu, thiếu chức năng tìm kiếm video trên Youtube và giá khá mắc.
Điểm đánh giá: 8,6/10.
Sony Bravia KDL-46X4500 (LCD, 46 inch)
TV này nhìn chung cho hình ảnh rõ ràng sắc nét, màu đen ngang ngửa TV Plasma, tiếng treble sống động và tiếng bass sâu. KDL-46X4500 có khả năng đọc các file ảnh JPEG và nhạc MP3 qua các thiết bị nhớ USB và qua mạng. Nó còn có 4 cổng HDMI chuẩn 1080p24, chiếc điều khiển từ xa sóng RF bên cạnh thiết kế độc đáo dễ tùy biến.
Nhược điểm của KDL-46X4500 là giá “chảnh”, không có chức năng chỉnh đèn nền từ xa, không hỗ trợ định dạng video DivX, thân máy hơi dày xét ở góc độ một “TV mỏng”.
Điểm đánh giá: 8,5/10.
Samsung LA46B750U1M (LCD, 46 inch)
TV serie B700 của Samsung cho màu sắc chân thực, hình ảnh trong nét, chế độ quét hình siêu tốc 200 Hz hiệu quả, có khả năng đọc các file multimedia qua mạng DLNA. Sản phẩm cũng cho phép xem các thước video trên các dịch vụ của Yahoo như Youtube, có khả năng nối mạng Wi-Fi chuẩn 802.11n, với 4 cổng HDMI và chiếc remote có đèn nền.
“Gót chân Achilles” của TV LCD này là cho tiếng bass đáng xấu hổ, chất lượng MP3 xoàng, bộ cánh bóng bẩy dễ lưu lại dấu tay và bắt bụi, trong khi bộ nhớ tích hợp sẵn có dung lượng nhớ hạn chế.
Điểm đánh giá: 8,4/10.
Samsung PS50B850Y1M (Plasma, 50 inch)
TV Plasma này cho hình ảnh rõ ràng sắc nét, màu sắc tự nhiên cùng màu đen sâu. Nó được tích hợp sẵn bộ thu truyền hình số, khả năng xem video trên Youtube, khả năng chơi multimedia qua chuẩn mạng DLNA, sẵn sàng kết nối Wi-Fi, remote có đèn nền, thiết kế cực mỏng và bắt mắt.
Đổi lại, PS50B850Y1M hơi rung khi tiếng bass quá mạnh, bố trí các cổng nối quá dày khó cho việc cắm cáp nối, thân hình bóng bảy dễ lưu dấu tay và lộ các vết trầy xước, chiếc chân đế mạ hợp kim không ăn nhập và có tiếng ồn khi làm việc (dù rất nhỏ).
Điểm đánh giá: 8,4/10.
Loewe Individual 40 Compose Full-HD+ 100 DR+ (LCD, 40 inch)
Thế mạnh của TV này là thiết kế quyến rũ, chất lượng âm thanh hình ảnh thuyết phục và giao diện người dùng tiện dụng. Tuy nhiên, TV của Loewe có giá không thân thiện và một số tùy chọn cài đặt cấu hình hơi khó hiểu.
Điểm đánh giá: 8,3/10.
Loewe Art 42 SL Full-HD+ 100 DR+ (LCD, 42 inch)
TV 42 inch này cho âm thanh mạnh mẽ, hình ảnh trung thực và thiết kế thời trang. Nó chỉ bị phàn nàn về mức giá “cành cao” mà chỉ có 3 cổng HDMI.
Điểm đánh giá: 8,1/10.
Philips 56PFL9954 (LCD, 56 inch)
Ưu điểm của TV Philips là cho hình ảnh rõ ràng sống động, chế độ hình ảnh 21:9 thú vị, chất lượng âm thanh tuyệt hảo, tích hợp sẵn bộ thu truyền hình số IDTV, kết nối trực tiếp trang Youtube cũng như duyệt web, tải multimedia qua mạng DLNA, sẵn sàng Wi-Fi (802.11b/g), có tới 5 cổng HDMI 1080p24 và có chức năng tạo hiệu ứng ánh sáng quanh màn hình - Ambilight độc đáo.
Thế nhưng TV 56 inch này đôi khi bị giật hình nhẹ khi xem các thước phim hành động, lướt web hơi chậm, hình ảnh theo định dạng 4:3 và 16:9 bị cắt xén, giá cực “chảnh” đối với TV đèn nền thường trong khi thời gian khởi động khá chậm, cần tới 7 giây.
Điểm đánh giá: 8,1/10.
Sony Bravia KDL-40WE5 (LCD, 40 inch)
KDL-40WE5 cho hình ảnh ấn tượng, âm thanh hay, hỗ trợ chuẩn mạng thiết bị gia đình DLNA và nỗ lực trong việc sáng tạo các chế độ tiết kiệm điện năng. Nhưng một số tính năng Eco ít tác dụng trong khi đèn nền LED được dùng chưa phải là tiết kiệm điện nhất.
Điểm đánh giá: 7,9/10.
LG 42LH50YD (LCD, 42 inch)
TV 42 inch của LG cho âm thanh hoàn hảo, xử lý hình ảnh xuất sắc, thiết kế đẹp mắt và nhiều chế độ tiết kiệm điện và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, chế độ 200Hz của 42LH50YD không mấy tác dụng và chất lượng hình ảnh suy giảm ở các góc nhìn hẹp (xa trung tâm).
Điểm đánh giá: 7,5/10.
(Theo Tuổi trẻ online/Cnet)
Bình luận