Nếu thành công, mô hình điện toán đám mây hiện nay sẽ tạo ra vô số sự thay đổi, và sẽ rất bất lợi cho các mô hình kinh doanh phần mềm truyền thống. Trong sự biến đổi đó sẽ xuất hiện những thế lực mới như Google - vốn luôn nhanh nhạy với xu hướng công nghệ mới, đồng thời sẽ là gáo nước lạnh khiến cho nhiều đại gia như Microsoft lo lắng.

Thị trường “siêu” tiềm năng

Trong một báo cáo nghiên cứu đưa ra 5/2008, Merrill Lynch dự báo rằng năm 2011 chi tiêu toàn cầu cho dịch vụ đám mây sẽ vào khoảng… 160 tỉ USD. Trong số này, 95 tỉ USD sẽ được chi cho các ứng dụng doanh nghiệp và sản xuất; còn 65 tỉ USD là chi cho quảng cáo trực tuyến. Tất nhiên, Merrill Lynch phải có cơ sở vững chắc nào đó mới đưa ra dự đoán này trong khi còn chưa đầy 2 năm nữa là đã đến mốc 2011.

Tuy chưa thực sự rõ ràng nhưng điện toán đám mây đang được coi là xu hướng chủ đạo đối với ngành CNTT toàn cầu. Có thể nhiều người vẫn còn nghi hoặc về điều này nhưng IDC khẳng định rằng xu hướng đó sẽ sớm xảy ra. Bản thân các hãng công nghệ lớn trên thế giới cũng không thể cưỡng lại “bánh xe lịch sử” nếu họ không muốn tụt lại đằng sau, và cũng không muốn chứng kiến các đối thủ khác qua mặt.

Về phần mình, IDC dự đoán rằng năm 2012 chi tiêu của người dùng cho dịch vụ đám mây sẽ tăng gấp 3 lần so với mức hiện nay -  đạt 42 tỉ USD, chiếm 9% tổng chi phí của người dùng toàn cầu dành cho dịch vụ CNTT. Những dự đoán kiểu này đã có tác động rất lớn đối với các hãng công nghệ. Chẳng hạn như năm ngoái, IBM tuyên bố sẽ đầu tư 360 triệu USD để xây thêm trung tâm dữ liệu điện toán đám mây thứ 9 của mình.

Còn các “đại gia” lớn khác như Google, Sun, Juniper Networks, Amazon… cũng đang chuẩn bị nguồn lực trong cuộc đua vô cùng béo bở này. Mặc dù hiện tại chưa bị ảnh hưởng gì nhiều nhưng Microsoft lại rất lo lắng về xu hướng này, nhất là khi Google đang nhăm nhe muốn nhảy vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ CNTT qua mạng.

Đe dọa mô hình truyền thống

Nói một cách nôm na, “đám mây” chính là tập hợp các dịch vụ CNTT được cung cấp qua mạng Internet, mà ở đó người dùng sẽ được trao nhiều quyền chủ động hơn, chẳng hạn như thích gì dùng nấy, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, được quyền lựa chọn những dịch vụ tốt nhất, có thể dùng bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu. Đó là những đặc tính mà mô hình kinh doanh phần mềm đóng gói hiện nay không có được.

Lấy ví dụ với Microsoft, hãng này hiện đang cung cấp những sản phẩm chủ đạo như hệ điều hành Windows, gói phần mềm Office, và nhiều thể loại phần mềm khác. Đó đều là dạng phần mềm đóng gói, và không thể sử dụng lẻ một ứng dụng. Chẳng hạn như gói phần mềm Office, có rất nhiều ứng dụng lẻ như Word, Excel, PowerPoint…; nếu chỉ muốn sử dụng Word không thì cũng không được, người dùng sẽ phải mua cả gói, còn việc dùng cái nào là tùy họ. Vấn đề ở chỗ người dùng sẽ phải trả tiền cho cả gói phần mềm trong khi họ chỉ có nhu cầu sử dụng một phần.

Với dịch vụ đám mây thì lại hoàn toàn khác. Các ứng dụng được cung cấp dạng lẻ nên người dùng muốn sử dụng cái nào là quyền của họ. Ví dụ chỉ muốn dùng ứng dụng Word thì họ chỉ chọn Word chứ không phải trả tiền cho những ứng dụng khác trong gói. Khả năng linh hoạt này giúp người dùng chủ động hơn, lựa chọn được nhiều dịch vụ hơn, và quan trọng là tiết kiệm được chi phí.

Nắm bắt được thế mạnh này, Google đi theo hướng cung cấp các dịch vụ CNTT qua mạng, chẳng hạn như Google Docs, cho phép người dùng có thể tạo văn bản, bảng tính, tài liệu trình bày… ngay trên mạng, và lưu trữ trên máy chủ Google. Người dùng không cần cài đặt bất cứ phần mềm nào trên máy tính mà chỉ cần một chiếc máy tính kết nối Internet là xong.

Với một doanh nghiệp, chi phí dành cho các dịch vụ công nghệ CNTT được cung cấp theo kiểu truyền thống thường là rất tốn kém. Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 3.500USD cho giải pháp lưu trữ, 20USD cho phần mềm chia sẻ và hợp tác, 83USD cho ứng dụng văn bản và bảng tính, 25USD cho ứng dụng tin nhắn tức thời, 20USD cho phần mềm diệt virus, và 117USD cho e-mail – tổng cộng 3.765USD. Trong khi đó, cũng với những ứng dụng này nhưng được cung cấp theo kiểu đám mây – gói Google Apps Premier Edition chỉ có … 50USD.

Không để mình tụt hậu, thời gian gần đây Microsoft cũng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ theo hướng trực tuyến. Cụ thể, Microsoft sẽ cung cấp miễn phí các ứng dụng Word, Excel, PowerPoint và oneNote trong gói Windows Live, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay nhằm cạnh tranh với Google Docs và một số công cụ online khác. Ngay cả Adobe cũng cung cấp một phiên bản trực tuyến của phần mềm đồ họa nổi tiếng – Photoshop.

Vì sao lại là đám mây?

Với điện toán đám mây, các dịch vụ sẽ được cung cấp theo 4 hướng: Phần mềm hướng dịch vụ (SaaS); Hạ tầng hướng dịch vụ (IaaS); Nền tảng hướng dịch vụ (PaaS); và Dữ liệu hướng dịch vụ (DaaS). Theo ông Hà Huy Hào, Tổng Giám đốc Juniper Networks Việt Nam, SaaS, IaaS và PaaS sẽ là các xu hướng rõ nét nhất của Việt Nam trong những năm tới. Cũng theo ông Hào, dịch vụ đám mây sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như sử dụng dịch vụ nhanh chóng, quy mô triển khai lớn, giá thành thấp, cơ chế giá cả hợp lý và linh hoạt.

Tuy nhiên, ông Hào cũng cho rằng sở dĩ điện toán đám mây vẫn chưa thông dụng là bởi việc triển khai chúng không hoàn toàn dễ dàng. Trong đó có 3 trở ngại lớn nhất chính là bảo mật, hiệu suất hoạt động và khả năng sẵn sàng. Ngoài 3 yếu tố này ra, Việt Nam còn thiếu cơ chế pháp lý phù hợp để hỗ trợ mô hình kinh doanh mới này. Về cơ bản, công nghệ luôn phát triển sẽ giải quyết 3 vấn đề trên, còn khung pháp lý không sớm thì muộn cũng sẽ được triển khai. Xét một cách toàn diện, những lợi ích to lớn của điện toán đám mây sẽ dần được khẳng định, và doanh nghiệp luôn đi theo những gì có lợi nhất cho họ.

(Theo Vnmedia)



Bình luận

  • TTCN (1)
Phạm Hoài An  163

Word, Excel "trên mây"