Những thông điệp rõ ràng và đầy sức thu hút của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không chỉ đối với ngành CNTT Việt Nam mà còn đối với cả các nhà đầu tư trên thế giới, về một thị trường CNTT Việt Nam tiềm năng, những chính sách rộng mở và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ.
Thưa các vị đại biểu và các bạn,
Hôm nay tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) lần thứ tư được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu và các bạn từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện các tổ chức quốc tế và từ mọi miền đất nước Việt Nam, đã tới tham dự Diễn đàn.
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, cùng với nhiều ngành công nghệ cao khác đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới. CNTT đặc biệt là Internet đã làm cho thế giới ngày càng gần gũi hơn, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng và phát triển CNTT đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với các nước đang phát triển, CNTT còn là công cụ rất quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, giúp chính phủ nâng cao năng lực quản lý điều hành, người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và tri thức, DN giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời CNTT cũng tạo thêm nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.
Việt Nam chúng tôi coi CNTT và truyền thông là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển. CNTT đã có bước phát triển khá nhanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2008, doanh thu của ngành CNTT và truyền thông đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng Internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức độ cao.
Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất-tinh thần của người dân, đẩy nhanh sự hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Diễn đàn của chúng ta lần này diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới đang góp sức và phối hợp hành động để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế sâu sắc và khắc phục những thiếu sót mang tính hệ thống để phát triển bền vững, với chất lượng cao hơn. Từ đầu năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nền kinh tế vẫn tăng trưởng 6,2%; dự báo cả năm 2009 tăng trưởng khoảng 5% và sẽ tăng trưởng cao hơn vào năm 2010. Đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các giải pháp cơ bản để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm sau. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế năng động và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng Chiến lược tăng tốc để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế-xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển CNTT nói riêng, cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước và cộng đồng quốc tế.
Việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và các DN CNTT. Đây cũng là trách nhiệm chung của mỗi tổ chức, mỗi công dân trong mỗi quốc gia, đồng thời cũng đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và trên quy mô toàn cầu.
Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Diễn đàn CNTT thế giới lần này đã lựa chọn chủ đề của Diễn đàn là "CNTT vì sự phát triển bền vững". Đây là chủ đề thiết thực, rất có ý nghĩa trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra. Diễn đàn lần này là cơ hội để chúng ta thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững trong đó có phát triển nông nghiệp và nông thôn, cơ sở hạ tầng truyền thông, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, môi trường, Chính phủ điện tử, cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ, mô hình hợp tác về CNTT, việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo và khủng hoảng kinh tế toàn cầu,…
Tôi hy vọng rằng thông qua Diễn đàn này, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra các sáng kiến, các chương trình hợp tác và các giải pháp chung cho các nước đang phát triển, đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các xu hướng công nghệ mới phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Với quyết tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, DN, sự hợp tác quốc tế có hiệu quả, Tôi tin tưởng rằng CNTT sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, sự phồn vinh và thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới.
Tại diễn đàn này, chúng tôi muốn chuyển đến các vị đại biểu thông điệp Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, xây dựng triển khai, khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và tạo ra một thị trường CNTT năng động. DN CNTT Việt Nam là những đối tác tin cậy, mong muốn hợp tác với nước ngoài trong các dự án kinh doanh, ứng dụng CNTT.
Về phần mình, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đẩy mạnh hợp tác với các nước về CNTT. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quí báu của các nước và cộng đồng quốc tế để Việt Nam thực hiện thắng lợi những mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển CNTT nói riêng của mình.
Tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới WITFOR 2009. Chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp. Chúc các vị đại biểu và các bạn sức khoẻ và hạnh phúc. Xin cảm ơn.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng
(Theo Vietnamnet)
Bình luận