Bà Kim Dung - mẹ của người trúng giải Trung Hiếu - nghẹn lời khi kể lại sự việc - Ảnh: T.T.D.

Chỉ một ngày sau bài viết “Lại gặp nạn từ trò chơi nhắn tin”, nhiều nạn nhân khác đã gọi đến đường dây nóng của Tuổi Trẻ. Trong đó, trường hợp “nặng” nhất là anh Nguyễn Trung Hiếu, 26 tuổi, chủ nhân số điện thoại 0949450xxx, số tiền cước nhắn tin phải trả lên đến 147 triệu đồng!

Tham gia trò chơi Chiếm hữu, theo kết quả ngày 16/8, anh giành được giải nhất là chiếc điện thoại Nokia N86 (trị giá 10 triệu đồng) nhưng tiền cước tin nhắn phải trả là 134.242.579 đồng (cộng thêm thuế giá trị gia tăng là hơn 147 triệu đồng, trong tổng số tiền cước điện thoại là 149 triệu đồng).

“Tôi như muốn chết giấc”

Ngôi nhà gia đình Trung Hiếu hiện đang sống nằm khuất sau một khu rừng cao su bạt ngàn ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai.

Đón chúng tôi là người mẹ: bà Thiều Thị Kim Dung, 47 tuổi, là người trực tiếp gọi điện thoại đến Tuổi Trẻ phản ảnh. Bà xót xa kể lại hoàn cảnh gia đình mình: “Những ngày qua, không khí buồn bã ảm đạm bao trùm gia đình tôi. Ngày 16-8, con tôi báo tin mình trúng giải nhất trò chơi Chiếm hữu, tôi chưa kịp mừng thì ngay hôm sau 17-8, bưu điện đã gọi điện thoại đòi nợ với số tiền lên đến 116 triệu đồng. Mới hôm kia, ngay trong ngày cúng 21 ngày mẹ tôi mất, bưu điện lại đưa giấy báo số tiền cước điện thoại thật sự là 149 triệu đồng. Tôi như muốn chết giấc, không thiết ăn uống gì nữa”.

Ảnh
Tin nhắn chúc mừng người chơi đoạt giải - Ảnh T.T.D

Bản chi tiết cước phí điện thoại của anh Trung Hiếu có tất cả 102 trang kê khai chi tiết các cuộc gọi và tin nhắn, trong đó chủ yếu là các tin nhắn gửi đến tổng đài 7640. Cụ thể trong 24 giờ (từ 9g02 ngày 11/8 đến 9g ngày 12/8) có tổng cộng 516 tin nhắn gửi đến tổng đài với giá 15.000 đồng/tin.

Từ 23g36 ngày 15/8 đến 16g02 ngày 16/8 (thời điểm kết thúc trò chơi), người chơi đã nhắn tổng cộng 1.135 tin nhắn (cũng với giá 15.000 đồng). Ngoài ra, bản kê chi tiết này còn có vô số những tin nhắn đến tổng đài 6740 nhưng giá tiền chỉ khoảng 500 đồng/tin.

Hỏi hai mẹ con có biết thời gian qua Tuổi Trẻ đã có nhiều bài cảnh báo về sự không minh bạch của những trò chơi nhắn tin, bà Dung nói: “Nói thật là từ trước đến nay gia đình tôi không xem báo. Chiều 7/9, một người bạn của chồng tôi sống ở ngoài lộ sau khi đọc Tuổi Trẻ thấy có bài phản ánh về việc một đứa bé ở Biên Hòa chơi Chiếm hữu bị mất tiền nhiều quá và biết chuyện buồn của gia đình tôi nên ông ấy cầm tờ Tuổi Trẻ chạy đến nhà và đưa cho chúng tôi xem. Chúng tôi mới gọi đến đường dây nóng phản ảnh sự việc của gia đình mình”.

“Tôi bị đau tim, viêm xoang, chồng sức khỏe yếu không làm gì được nhiều, cả nhà chỉ trông chờ vào hai đứa con đi làm hằng ngày. Tiền thuốc mỗi ngày kiếm còn khó, lấy đâu mà trả một số nợ lớn đến vậy” - người mẹ lo âu nói tiếp.

Còn với người cha, nỗi lo không chỉ dừng ở đó: “Tui xem trên truyền hình thấy nhiều trò chơi nhắn tin này lắm. Hôm rày thấy trò chơi này cũng đang quảng cáo chơi tháng với giải nhất là chiếc xe trị giá đến hai mươi mấy triệu đồng. Chơi trong tuần thắng có cái điện thoại mà mất hơn trăm triệu, không biết chơi tháng thì người chơi còn mất mát khủng khiếp đến đâu!”.

Nỗi niềm của người “trúng giải”

Ảnh
Tờ thông báo tổng hợp cước viễn thông điện thoại của Trung Hiếu - Ảnh: T.T.D. chụp lại.

Kể về trường hợp của mình, anh Nguyễn Trung Hiếu, làm nghề nhạc công tự do, cho biết: “Tôi xem trên truyền hình BTV4 thấy quảng cáo trò chơi này. Đang lúc cảm thấy buồn buồn và rảnh rỗi, tôi lấy điện thoại chơi thử. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một trò chơi như vậy. Tôi cứ nghĩ tiền bị mất cao lắm cũng chỉ bằng giá trị chiếc điện thoại giải nhất của trò chơi thôi. Chứ đâu ngờ...”.

Anh có biết giá mỗi tin nhắn là 15.000 đồng không?

Biết chứ. Trong thời gian chơi từ 10 đến 16/8 tôi cũng đã gọi điện đến tổng đài (1900571518) để hỏi giới hạn về tin nhắn đối với Vinaphone, họ trả lời rằng giới hạn 300 tin nhắn/ngày. Năm phút không được quá ba tin.

Khi chơi, anh có biết mình nhắn bao nhiêu tin không? Vì sao anh lại nhắn nhiều như vậy?

Tôi thật sự không để ý lắm nhưng tôi thấy rất an tâm vì biết tổng đài đã giới hạn tin nhắn của mình. Thỉnh thoảng kiểm tra trên tổng đài tôi thấy số điện thoại mình đang xếp hạng thứ hai, thứ ba. Chỉ cố chút nữa là được giải nhất nên tôi ráng nhắn tin để đoạt giải nhất luôn.

Trong quá trình chơi, tổng đài có nhắn tin cảnh báo anh đã vượt quá 300 tin nhắn một ngày không?

Hoàn toàn không có. Đến khi cầm giấy báo cước tôi cảm thấy lo lắm. Không biết mạng Vinaphone có tính nhầm hay không. Tôi nghĩ mình không thể nào nhắn nhiều đến mức như thông báo được.

Vì sao bên cạnh giá tiền 15.000 đồng/tin nhắn, trên trang tính cước của anh có nhiều tin nhắn đến 6740 nhưng giá tiền khoảng 500 đồng?

Tôi không rõ lắm. Mỗi khi tôi nhắn tin đến 6740, tổng đài thường xuyên trả lời trên điện thoại của tôi 2-3 tin. Có lẽ họ trừ tiền những loại tin nhắn như vậy chăng? 

Tin nhắn vượt giới hạn: không ai chịu trách nhiệm

Theo như trả lời của bà Nam Phương - giám đốc điều hành PGM (công ty tổ chức trò chơi Chiếm hữu), công ty chỉ có trách nhiệm cảnh báo khi số lượng tin nhắn vượt quá giới hạn cho phép chứ không thể ngăn chặn. Việc ghi và tính cước phải phụ thuộc vào nhà mạng.

Ngày 9/9, liên lạc với các nhà mạng có liên quan đến trò chơi này, câu trả lời Tuổi Trẻ nhận được hoàn toàn ngược lại.

- Ông Phạm Ngọc Tú, phó giám đốc kinh doanh Vinaphone, cho biết trong hợp đồng với các doanh nghiệp thuê đầu số cung cấp dịch vụ nội dung, Vinaphone đều có yêu cầu đối tác phải có quy định cụ thể việc giới hạn tin nhắn tối đa mỗi ngày, mỗi giờ đối với người sử dụng.

Tuy nhiên, việc lập trình và ngăn chặn tin nhắn quá quy định phải do chính các doanh nghiệp thuê đầu số cung cấp dịch vụ nội dung thực hiện. Nếu thuê bao Vinaphone còn đủ tiền trong tài khoản là vẫn nhắn tin đến các đầu số dịch vụ được.

- Đại diện mạng Viettel cũng cho biết trong các hợp đồng cho thuê đầu số dịch vụ cho các công ty đều có quy định cụ thể về giới hạn nhắn tin từ các thuê bao. Ví dụ mỗi khách hàng Viettel không được nhắn tin đến một đầu số quá 150.000 đồng/ngày.

Viettel cũng quy định rõ doanh nghiệp thuê đầu số đảm bảo quy định về chống tin nhắn dư, đồng thời thường xuyên theo dõi số lượng tin nhắn phát sinh và có trách nhiệm thông báo cho Viettel khi khách hàng sử dụng dịch vụ quá mức quy định. Trong trường hợp doanh nghiệp thuê đầu số không thông báo kịp thời cho Viettel về tin nhắn vượt quá giới hạn thì toàn bộ các tin nhắn dư ấy sẽ không được tính và Viettel sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Riêng MobiFone (mạng di động mà điện thoại anh Nguyễn Mạnh Hưng sử dụng có tham gia Chiếm hữu và mất 19 triệu đồng cho tin nhắn), chúng tôi đã nhiều lần liên lạc hỏi về vấn đề trên, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa thấy nhà mạng này trả lời.

Theo Tuổi Trẻ Online.




Bình luận

  • TTCN (7)
Hải Nam  30903

Đấu giá ngược còn đỡ, chứ mà chơi kiểu này chỉ là nướng tiền cho người khác.

Thỉnh thoảng kiểm tra trên tổng đài tôi thấy số điện thoại mình đang xếp hạng thứ hai, thứ ba. Chỉ cố chút nữa là được giải nhất nên tôi ráng nhắn tin để đoạt giải nhất luôn.

Nói như mấy người xếp thứ nhất, nhì họ ngồi không cho mình vượt lên vậy Big Grin

Trò này chẳng khác gì đấu giá bình thường, chỉ có điều dù thắng hay thua cũng mất toàn bộ số tiền đã ra giá!

mptu  325

Ơ, thế bác tính vậy còn nhẹ, phải nói dù thắng hay thua cũng đều mất tổng cộng tiền của những lần ra giá.

Hải Nam  30903

Big Grin Mất số tiền cuối thôi Tongue Thí dụ ra giá lần 3 là 45k (gửi 3 tin nhắn 15k) thì mất 45k thôi chứ không phải 15k+30k+45k.

quoc tuan  36

nói chung là không nên chơi mấy trò này. tốn tiền lắm. để tiền gọi cho vợ hay người yêu thích hơn Big Grin

Đình Quân  228

.. thì chết

Đánh giá chung thì việc này lỗi là của người nhắn tin, anh tham gia một chương trình đấu giá mà không có một điều gì bảo đảm về giá trị phần thưởng, về cách chơi, tham gia như vậy không khác gì làm giàu bằng đánh đề, độ rủi ro có thể lên đến 99%.
Dân gian có câu "... thì chết, bệnh tật gì" thật đúng, người bị hại thạt đáng thương nhưng đáng trách nhiều hơn

Hải Nam  30903

Đánh đề còn có yếu tố may rủi. Ở đây hình như chẳng có yếu tố may rủi nào cả. Ai chi nhiều nhất thì thắng, chi ít hơn thì... sạt nghiệp.

Lúc trước một công ty khác cũng tổ chức kiểu tương tự, nhưng có yếu tố may rủi. Mỗi tin nhắn như một tấm vé, sau đó bốc thăm người thắng. Tức là nhắn càng nhiều càng dễ thắng, nhưng không phải chắc chắn sẽ thắng. Nhưng làm kiểu này cũng có hai khuyết điểm:
- Gian lận ở phía công ty: nhân viên chỉ cần nhắn một cái, rồi để cho họ thắng là xong! Những người khác chịu khó lấy giải nhì, ba. Nên cần có giám sát.
- Người dùng khôn ngoan: họ biết nhường nhau. Thí dụ, trị giá phần thưởng tương đương 1000 tin nhắn, nhưng người chơi mỗi người chỉ nhắn vài tin (để may rủi là chính), ai máu hơn thì nhắn nhiều hơn, nhưng cũng chỉ vài chục tin (đủ bỏ xa người khác). Vậy là công ty lỗ vốn! Nhưng họ không bó tay, họ chơi chiêu “gia hạn thời gian cuộc thi”!

Đình Quân  228

Vấn đề là kết quả do phía công ty tổ chức công bố, nếu doanh thu quá thấp thì báo một người bà con của Giám đốc nhắn tin để thu quà về, như vậy là chả mất gì, chỉ người tham gia bị thiệt mà thôi.