Ảnh: Watblog.

Người đứng đầu cơ quan bảo vệ bản quyền tối cao của Mỹ đã chính thức lên tiếng phản đối vụ thỏa thuận dàn xếp trị giá 125 triệu USD mới đây giữa Google và hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, vì theo bà, đây là hành vi đi ngược lại pháp luật và sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng xấu.

Gây áp lực

Theo điều khoản của thỏa thuận nói trên, Google sẽ trả cho một số tác giả và nhà xuất bản của Mỹ vài trăm triệu USD, đổi lại, họ sẽ được quyền số hóa hàng triệu bản sách, khai thác quảng cáo hoặc đánh phí đọc đối với người dùng.

Không chỉ phản đối kịch liệt, bà Marybeth Peters, Giám đốc Văn phòng bản quyền Quốc gia Mỹ còn nghi ngờ khả năng thỏa thuận này được tòa án liên bang phê duyệt. Bà cũng bày tỏ mối quan ngại rằng vụ dàn xếp sẽ hạn chế khả năng của Quốc hội trong việc quản lý bản quyền và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thị trường sách quốc tế.

Tuy nhiên, với quyền hạn của mình, bà Peters không thể ngăn chặn Google thỏa thuận với giới tác giả và xuất bản. Mặc dù vậy, quan điểm của bà rất có thể sẽ thu hút được nhiều sự đồng thuận từ phía giới chức cấp cao của Mỹ và gây áp lực cho Thẩm phán Denny Chin, người sẽ chủ trì phiên tòa xem xét bản thỏa thuận vào ngày 18/9 tới đây.

"Những ý kiến chỉ trích xác đáng của bà Peters có thể sẽ thuyết phục được ông Chin rằng vụ dàn xếp này không nên được bật đèn xanh", ông Peter Brantley, Giám đốc thư viện số Internet Archive tuyên bố. Cùng với ba đại gia Microsoft, Yahoo, Amazon, Internet Archive là tổ chức đi đầu trong việc "nã đạn" vào thỏa thuận số hóa sách này.

Hiện không ai rõ ý kiến của Văn phòng Bản quyền sẽ ảnh hưởng đến Bộ Tư pháp Mỹ như thế nào. Hiện Bộ này vẫn đang điều tra xem một thỏa thuận như vậy có bóp nghẹt tính cạnh tranh trên thị trường sách số mới nảy nở hay không.  

Kế hoạch gây tranh cãi

Tâm điểm của mọi tranh cãi chính là kế hoạch số hóa hàng triệu cuốn sách của Google, cho phép người dùng tìm kiếm và đọc chúng trên mạng. Người dùng có thể đăng ký thuê bao với các thư viện, hoặc mua riêng các bản sách tùy theo nhu cầu của mình. Google tuyên bố sáng kiến này sẽ cách mạng hóa địa hạt sách và hồi sinh những tác phẩm mà từ lâu đã bị quên lãng.

Ảnh
Ảnh: PC World.

Ngay từ năm 2005, hiệp hội các nhà xuất bản và tác giả Mỹ đã khởi kiện Google vì tội vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, đến năm ngoái, Google đã đạt được một thỏa thuận trị giá 125 triệu USD để đổi lấy hòa bình.

Google cho biết họ đã quét và số hóa được hơn 10 triệu tác phẩm trong vòng 5 năm qua, trong số này có khoảng 2 triệu tựa sách không còn chịu sự quản lý của bản quyền và khoảng 2 triệu cuốn khác đã được "chủ nhân" cho phép. Số còn lại là những tác phẩm vẫn nằm trong diện bảo hộ của luật.

Lập luận của Google là vụ thỏa thuận sẽ giúp cho các tác phẩm văn học và nghiên cứu đến được với đông đảo người dùng hơn, đồng thời thị trường sách số cũng sẽ trở nên sôi động hơn. Cũng có khá nhiều thư viện lớn, các hãng công nghệ, chuyên gia kinh tế, luật sư ủng hộ lập trường này vì những lý do tương tự. Họ cũng sẽ góp mặt trong phiên đối chất tới.

Một việc quan trọng nữa mà Google phải làm là trấn an những lo ngại rằng hãng sẽ độc quyền sở hữu bản quyền số của hàng triệu cuốn sách và lợi dụng ưu thế này để chèn ép các đối thủ khác.  

Với hy vọng làm dịu những lời chỉ trích, Google tuyên bố hãng sẽ cho phép Amazon với giới bán lẻ trực tuyến bán các bản sách số nằm trong thỏa thuận. Amazon sẽ được giữ lại phần lớn doanh thu sau khi đã chia phần đầy đủ cho tác giả và nhà xuất bản.  

Vẫn độc quyền!

Tuy vậy, ông Brantley của Internet Archive vẫn cho rằng sự nhượng bộ đó chẳng phải là hy sinh quyền lợi gì cả. Google vẫn là kẻ kiểm soát danh mục sách số, có quyền truy cập những dữ liệu đáng giá nhất là cách tương tác của người dùng với sách.  

Google cũng là nơi duy nhất có thể bán những tác phẩm không có bản quyền. Điều đó có nghĩa là hãng có thể ấn định giá cho hàng triệu tác phẩm.

"Google vẫn là nhà cung cấp độc quyền. Chẳng có gì khác về bản chất cả", Brantley bình phẩm. Một số ý kiến phản đối khác thì lo ngại đến vấn đề riêng tư cá nhân. Google sẽ dễ dàng theo dõi xem người dùng đang đọc gì.

Trong khi đó, việc bà Peters phê phán thỏa thuận của Google lại xoáy vào việc gã khổng lồ tìm kiếm định nghĩa thế nào là sách số. Google sẽ có một quyền hạn rất lớn trong việc bán những tựa sách "không-phải-bản-in" mà không cần xin phép chủ sở hữu bản quyền, bà nói.  

Với đặc quyền này, Google sẽ trở thành một đế chế "độc tài" trên thị trường sách toàn cầu, mà không một quốc gia nào có thể không bị ảnh hưởng, bao gồm cả Việt Nam.   

Thoả thuận dàn xếp giữa Google với Hiệp hội tác giả và Nhà xuất bản Mỹ được áp dụng cho những cuốn sách xuất bản trước ngày 5/01/2009. Nếu các tác giả/nhà xuất bản thấy sách của mình được Google số hoá mà chưa xin phép thì có thể làm đơn yêu cầu bồi thường hoặc có thể đề nghị Google gỡ tác phẩm đó khỏi cơ sở dữ liệu hoàn toàn.

Trong trường hợp các tác giả/nhà xuất bản đồng ý cho Google số hoá tác phẩm, Google sẽ thanh toán tiền bản quyền ít nhất là 60 USD /Tác phẩm gốc, 15 USD /Phụ trang hoàn chỉnh, và 5 USD /Phụ trang từng phần.

Bên cạnh đó Google sẽ trả 63% tổng thu nhập mà Google có được từ các hình thức sử dụng mang tính thương mại đối với các cuốn sách. Tác giả có quyền quyết định xem Google sẽ được khai thác tác phẩm của mình tới mức độ nào.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)